Tiêu thụ cây ăn quả vào vụ thu hoạch:Đa dạng cách thức tiếp cận thị trường
Rất nhiều loại quả vào vụ chính hoặc sắp cho thu hoạch, như xoài, thanh long, sầu riêng, vải… Năm nay, thời tiết ổn định, nông dân đầu tư khoa học, kỹ thuật, nên năng suất dự kiến cao hơn năm trước. Để việc tiêu thụ thuận lợi, các tỉnh, thành phố đang triển khai nhiều giải pháp, đa dạng cách thức tiếp cận thị trường...

Chất lượng, sản lượng đều tăng
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bắc Giang Lê Bá Thành cho biết, năm 2025, diện tích vải thiều của tỉnh duy trì ổn định ở mức 29.700ha, bao gồm 8.000ha vải sớm và 21.700ha vải chính vụ. Sản lượng dự kiến đạt 165.000 tấn, trong đó vải sớm ước tính 60.650 tấn, vải chính vụ 104.350 tấn. Thời gian thu hoạch vải sớm sẽ diễn ra từ ngày 20-5 đến 15-6; vải chính vụ bắt đầu từ 10-6 và kéo dài đến 20-7.
Năm nay, chất lượng vải thiều Bắc Giang cao hơn năm trước, toàn tỉnh có 16.000ha vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGAP, 204ha đạt GlobalGAP, 10ha sản xuất theo hướng hữu cơ, đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm của thị trường. Ngành Nông nghiệp cũng tăng cường theo dõi tình hình sâu bệnh, áp dụng các biện pháp phòng trừ kịp thời để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tương tự, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hải Dương thông tin, năm 2025, toàn tỉnh có 8.800ha vải, trong đó trà sớm khoảng 2.850ha (chiếm 32,4%), tập trung tại huyện Thanh Hà (khoảng 2.000ha); trà vải chính vụ khoảng 5.850ha (chiếm 67,6%) tập trung tại Thanh Hà (khoảng 1.285ha) và Chí Linh (khoảng 3.200ha).
Năm nay, tổng sản lượng vải của Hải Dương dự kiến đạt 60.000 tấn, trong đó, vải sớm khoảng 32.500 tấn, vải chính vụ khoảng 27.500 tấn. Riêng sản lượng vải của huyện Thanh Hà dự kiến đạt khoảng 38.000 tấn (vải sớm 28.000 tấn, vải chính vụ 10.000 tấn). Sản xuất vải trên địa bàn Hải Dương cơ bản tuân thủ quy trình an toàn với 721ha được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP. Năm nay, dự báo các trà vải trên địa bàn tỉnh đạt năng suất cao.

Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), quý I-2025, hầu hết sản lượng cây ăn quả đều tăng do cả diện tích và năng suất tăng. Trong đó, sản lượng xoài ước đạt 194,2 nghìn tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2024; chuối ước đạt 708,9 nghìn tấn, tăng 5,6%; bưởi ước đạt 161,0 nghìn tấn, tăng 2,5%; sầu riêng ước đạt 161,2 nghìn tấn, tăng 16,8%; thanh long ước đạt 330,9 nghìn tấn, tăng 2,1%...
Đa dạng kênh tiêu thụ
Theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Di Trạch (huyện Hoài Đức) Nguyễn Hữu Quang, với diện tích hơn 40ha trồng ổi theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng ổi được tiêu thụ quanh năm. Để mở rộng thị trường, Hợp tác xã tập trung xây dựng thương hiệu ổi Di Trạch thông qua đăng ký nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc và chứng nhận an toàn thực phẩm. Ngoài ra, đơn vị thường xuyên tham gia hội chợ nông sản, triển lãm nông nghiệp để giới thiệu sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng, đối tác kinh doanh; liên kết với nhà hàng, quán ăn, trường học để phục vụ trực tiếp.

Còn theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) Tăng Bá Bay, để đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều, năm nay, huyện bố trí các địa điểm thu mua, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, thương nhân có cam kết bao tiêu sản phẩm vải thiều. Ngoài ra, các sở, ngành của tỉnh Hải Dương cũng quan tâm hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại vải thiều; giám sát, chứng nhận VietGAP, GlobalGAP cho vùng sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường: Mỹ, Nhật Bản, châu Âu…

Cũng về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang La Văn Nam cho biết, với thị trường trong nước, Bắc Giang chủ động kết nối ngay từ đầu vụ với các hệ thống phân phối lớn cùng các chợ đầu mối, chợ truyền thống tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai và nhiều tỉnh, thành phố khác. Bắc Giang tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các hợp tác xã, nhà vườn; đồng thời tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu tiềm năng: Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… Sản phẩm xuất khẩu bao gồm cả vải tươi, vải chế biến nhằm đa dạng hóa, tăng giá trị sản phẩm.
Đặc biệt, Bắc Giang đổi mới phương thức tiêu thụ bằng cách kết hợp bán hàng truyền thống với thương mại điện tử, như: TikTok, Facebook, Zalo, Youtube. Tỉnh sẽ xây dựng hệ thống logistics hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận chuyển kết hợp phát triển các chợ nông sản đầu mối. Ngoài ra, Bắc Giang sẽ tham gia hội chợ trái cây tại Mỹ Tho (Cần Thơ) vào tháng 5-2025 để quảng bá vải thiều, nông sản và nét văn hóa đặc sắc...

Để đẩy mạnh tiêu thụ các loại quả khi vào chính vụ, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường Lê Thanh Hòa cho rằng, các vùng trọng điểm về trồng cây ăn quả của cả nước cùng với làm tốt công tác quy hoạch, cần định hướng để người dân sản xuất bảo đảm đạt tiêu chuẩn an toàn, theo hướng hàng hóa quy mô lớn, có ký kết bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp... Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố tiếp tục hỗ trợ người dân về cơ chế, chính sách, vốn, khoa học, công nghệ; đặc biệt là kỹ năng sản xuất, kiến thức thị trường; xây dựng mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc...
Đối với thị trường, các địa phương cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, đa dạng kênh tiêu thụ trên các nền tảng xã hội để giới thiệu sản phẩm; tổ chức sự kiện, thu hút người tiêu dùng mua sắm sản phẩm. Về xuất khẩu, ngoài Trung Quốc, các doanh nghiệp cần khai thác những thị trường mà Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA)…