Cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng bị phạt 6 năm tù
Sau hơn một tuần xét xử và nghị án, sáng 29-4, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án đối với cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cùng 11 bị cáo khác trong vụ án sai phạm về điện mặt trời.

Theo đó, tòa đã tuyên phạt bị cáo Hoàng Quốc Vượng 6 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo quy định tại Điều 356, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.
Cùng chung tội danh "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", 7 bị cáo khác cũng thuộc Bộ Công Thương gồm: Phương Hoàng Kim (cựu Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo) bị phạt 6 năm tù; Trịnh Văn Đoàn (cựu chuyên viên Phòng cấp phép và quan hệ công chúng, Cục Điều tiết điện lực) và Nguyễn Danh Sơn (cựu Giám đốc Công ty mua bán điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) cùng bị phạt 5 năm 6 tháng tù; Trần Quốc Hùng (cựu Phó Trưởng phòng cấp phép và quan hệ công chúng, Cục Điều tiết điện lực), Nguyễn Hữu Khải (cựu Trưởng phòng kinh doanh mua bán điện, Công ty mua bán điện), Đỗ Ngọc Tuyền (cựu chuyên viên Phòng kinh doanh mua bán điện, Công ty mua bán điện), Trương Hoàng Dũng (cựu nhân viên Phòng kỹ thuật và công nghệ thông tin, Công ty mua bán điện) cùng bị tuyên phạt 5 năm tù. Phan Văn Sang (cựu công chức Phòng Thanh tra - Kiểm tra 3, Cục Thuế tỉnh Bình Phước) bị phạt 4 năm tù.
Ba bị cáo còn lại thuộc Cục Thuế tỉnh Bình Phước, gồm: Nguyễn Duy Khánh (cựu Phó Cục trưởng), Trần Văn Định (cựu Trưởng phòng Thanh tra - Kiểm tra 3), Phạm Quang Vinh (cựu Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ - Dự toán - Pháp chế) cùng bị phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 360, khoản 3, Bộ luật Hình sự.
Về bồi thường dân sự, Hội đồng xét xử tuyên 3 công ty được hưởng lợi từ sai phạm của các bị cáo phải hoàn trả tiền cho EVN. Trong đó, Công ty cổ phần đầu tư năng lượng tái tạo Licogi 16 Ninh Thuận phải trả hơn 99 tỷ đồng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện mặt trời Thuận Nam phải trả hơn 944 tỷ đồng, Công ty cổ phần năng lượng Lộc Ninh 3 phải trả hơn 209 tỷ đồng.
Ngoài ra, Tòa cũng kiến nghị các bộ, ngành và UBND tỉnh Ninh Thuận rà soát việc thực hiện Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về "cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam" để kịp thời có văn bản hướng dẫn hoặc kiến nghị Thủ tướng sửa đổi, bổ sung nội dung theo đúng pháp luật.
Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Hoàng Quốc Vượng trong thời gian làm Thứ trưởng Bộ Công Thương, được giao phụ trách Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, trực tiếp chỉ đạo tham mưu xây dựng dự thảo Quyết định số 13 về khuyến khích năng lượng tái tạo ở Việt Nam.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, bị cáo Vượng "biết rõ các chủ trương", chỉ đạo của Thủ tướng tại các cuộc họp về cơ chế, chính sách hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận đối với các dự án điện mặt trời. Tuy nhiên, vì động cơ vụ lợi, nhận 1,5 tỷ đồng của Công ty Thuận Nam, bị cáo Vượng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý chỉ đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo xây dựng dự thảo theo hướng mở rộng diện đối tượng được hưởng giá điện ưu đãi.
Cụ thể, bị cáo Vượng đã thống nhất chủ trương đề xuất cho dự án của Thuận Nam được phê duyệt bổ sung quy hoạch, xin cơ chế giá 9,35 UScents/kWh, dẫn đến hậu quả Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bị mua điện giá đắt, với tổng thiệt hại là 1.043 tỷ đồng.
Đối với Phương Hoàng Kim, Hội đồng xét xử xác định, trong thời gian làm Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, bị cáo được giao làm tổ trưởng soạn thảo Quyết định 13. Phương Hoàng Kim biết rõ các chủ trương của Chính phủ nhưng vì "muốn tạo điều kiện không chính đáng" cho Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam nên cố ý đẩy trách nhiệm cho cấp dưới. Từ đó, dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam được hưởng giá điện ưu đãi 9,35 Uscents/kWh. Hành vi này của bị cáo Kim đã cùng bị cáo Vượng gây thiệt hại cho EVN hơn 1.043 tỷ đồng.
Đối với 6 cán bộ ở Công ty mua bán điện thuộc EVN, tòa cho rằng, các bị cáo đã tạo lợi ích không chính đáng cho doanh nghiệp, phê duyệt cấp phép hoạt động cho Dự án Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 3 tại Bình Phước dù không đủ điều kiện. Từ đó, dự án này được bán điện cho EVN với giá cao hơn gần 28%, gây thiệt hại hơn 209 tỷ đồng là số tiền chênh lệch mà EVN phải trả cho công ty điện này.
Từ những sai phạm này, Công ty cổ phần năng lượng Lộc Ninh 3 được Cục Thuế tỉnh Bình Phước hoàn thuế trái quy định 145 tỷ đồng, khiến 3 cựu cán bộ của Cục Thuế bị khởi tố, truy tố và xét xử trong vụ án này. Số tiền hoàn thuế trái quy định này đã được Công ty cổ phần năng lượng Lộc Ninh 3 nộp trả lại ngân sách nhà nước.