Khoa học - Công nghệ

Hà Nội sẽ có Khu công nghệ cao Sinh học rộng khoảng 199,03ha tại Bắc Từ Liêm

Đình Hiệp 29/04/2025 - 11:11

Sáng 29-4, tại kỳ họp thứ 22, HĐND thành phố Hà Nội thông qua Nghị quyết về Nhiệm vụ và Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghệ cao Sinh học Hà Nội.

Ưu tiên phát triển lĩnh vực công nghệ sinh học

Trình bày tờ trình về việc thông qua Nhiệm vụ và Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghệ cao Sinh học Hà Nội, tỷ lệ 1/2000, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết: Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội thuộc địa giới hành chính của các phường: Tây Tựu, Liên Mạc, Minh Khai, Thụy Phương và Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm. Tổng diện tích đất nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 199,03ha.

W_ky-anh.jpg
Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh trình bày tờ trình. Ảnh: Viết Thành

Mục tiêu lập quy hoạch là cụ thể hóa định hướng các đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; Quy hoạch tổng thể phát triển Khu công nghệ cao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và Đề án thành lập Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội; các quy hoạch chuyên ngành, mạng lưới liên quan, đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Theo định hướng của các đồ án quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt, Khu Công nghệ cao sinh học Hà Nội có chức năng thực hiện các hoạt động công nghệ cao phù hợp với xu thế phát triển công nghệ cao trên thế giới và chính sách, định hướng phát triển công nghệ cao của Việt Nam, trong đó ưu tiên lĩnh vực công nghệ sinh học.

Khu vực các phân khu chức năng chính nằm ở phía Bắc, Tây và Đông Nam khu vực nghiên cứu, tiếp giáp các trục đường chính từ hướng Bắc, hướng Tây và các trục giao thông chính trong khu vực nghiên cứu, chiếm khoảng 35% đến 45% tổng diện tích, gồm các khu vực phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao, giáo dục, đào tạo và ươm tạo công nghệ cao… kết hợp cảnh quan và nhà lưu trú (không phải nhà ở để bán), dịch vụ phụ trợ cho các chuyên gia, người lao động Khu Công nghệ cao sinh học Hà Nội.

Khu vực dịch vụ phụ trợ tập trung ở phía Nam khu vực nghiên cứu, tiếp giáp với tuyến đường Tây Thăng Long và một phần nằm ở phía Đông khu vực nghiên cứu, chiếm khoảng 19% đến 24% tổng diện tích, bao gồm các công trình, thương mại dịch vụ, văn phòng, khách sạn, bệnh viện… phục vụ các hoạt động cung ứng dịch vụ phụ. Khu cây xanh công viên và hồ điều hòa chiếm khoảng 15% đến 23% tổng diện tích nghiên cứu, nằm ở trung tâm khu vực nghiên cứu, là khu vực không gian mở tập trung cho toàn bộ dự án.

Nhấn mạnh các giải pháp công nghệ thông minh

W_dam-van-huan.jpg
Trưởng ban Đô thị, HĐND thành phố Hà Nội Đàm Văn Huân trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Viết Thành

Trình bày báo cáo thẩm tra Tờ trình và dự thảo Nghị quyết, Trưởng ban Đô thị, HĐND thành phố Đàm Văn Huân cho biết, Ban Đô thị cơ bản thống nhất sự cần thiết lập Nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghệ cao Sinh học Hà Nội, đồng thời đề nghị UBND thành phố trong quá trình xây dựng Đồ án Quy hoạch nghiên cứu thực hiện một số nội dung sau:

Cụ thể, lập dữ liệu thực tế (hiện trạng đất, dân số, hạ tầng) và các phân tích cụ thể (SWOT - thuận lợi, khó khăn, cơ hội, thách thức; tác động môi trường, xã hội) để tăng tính thuyết phục. Đồng thời, lập kế hoạch cụ thể về tài chính, đầu tư, lộ trình triển khai, và giải pháp xử lý các vấn đề nhạy cảm (nghĩa trang Minh Khai, di dời dân cư) để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của quy hoạch.

Tập trung vào tính bền vững và công nghệ cao, trong đó định hướng xây dựng khu công nghệ cao sinh học cần nhấn mạnh các giải pháp công nghệ thông minh (triển khai IoT để giám sát môi trường và giao thông; phủ sóng 5G và xây dựng trung tâm dữ liệu cho nghiên cứu; phát triển ứng dụng di động cung cấp thông tin dịch vụ, giao thông, sự kiện) và thân thiện môi trường (tái chế nước, năng lượng tái tạo) để phù hợp với xu hướng toàn cầu.

Đồng thời, bảo đảm quy hoạch cân bằng giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống cho người lao động. Tham khảo các mô hình hệ thống quản lý đô thị thông minh trên thế giới.

Nghiên cứu đảm bảo đồ án phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, sắp xếp bộ máy hành chính mới, phù hợp với các nhiệm vụ theo quy định pháp luật mới sửa đổi, ban hành, mang tính thiết thực, hiệu quả, khả thi cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.

Nghiên cứu hệ thống các công trình phụ trợ, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng phục vụ công nhân, người lao động làm việc trong khu công nghệ cao, tính toán mức độ ảnh hưởng đến quy hoạch hạ tầng xã hội.

Về giải pháp kết nối, nghiên cứu giải pháp kết nối với các tuyến đường chính (như quốc lộ 32, vành đai 3), các khu công nghiệp lân cận và trung tâm Hà Nội, các dự án giao thông trọng điểm gắn với phát triển TOD. Tích hợp quy hoạch với các khu vực lân cận về mặt hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ công cộng.

Trong báo cáo thẩm tra của Ban Đô thị cũng đề nghị UBND thành phố bổ sung các nội dung về phát triển bền vững; nội dung chiến lược thu hút đầu tư, các chiến lược cụ thể để thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao...

W_dai-bieu.jpg
Các đại biểu tham gia kỳ họp thứ hai mươi hai HĐND thành phố Hà Nội. Ảnh: Viết Thành

“UBND thành phố Hà Nội đã có báo cáo tiếp thu, giải trình các nội dung Nhiệm vụ và Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghệ cao Sinh học Hà Nội, tỷ lệ 1/2000, quận Bắc Từ Liêm. Trong đó, cơ bản các nội dung đã được UBND thành phố tiếp thu, giải trình và làm rõ”, ông Đàm Văn Huân nhấn mạnh.