Huyện Gia Lâm lắng nghe ý kiến nhân dân về sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn
Ngay sau khi Gia Lâm tổ chức lấy ý kiến nhân dân về việc sắp xếp đơn vị hành chính trên cơ sở phương án của UBND thành phố Hà Nội, huyện đã tiếp nhận một số ý kiến của người dân và đã giải quyết trả lời kịp thời, cụ thể. Đồng thời, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, tạo được sự đồng thuận của nhân dân trong quá trình thực hiện phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
.jpg)
Việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp là một trong những chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, đang được triển khai rộng khắp trong phạm vi toàn quốc. Thực hiện chỉ đạo, kết luận của trung ương, thành phố Hà Nội đã giao Sở Nội vụ là cơ quan Thường trực, phối hợp với các sở, ngành liên quan cùng đơn vị tư vấn nghiên cứu kỹ định hướng phát triển và các quy hoạch Thủ đô đã được phê duyệt, để xây dựng phương án sắp xếp lại các xã, thị trấn trên địa bàn thành phố.
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học cho biết, một trong những nguyên tắc xác định địa giới phường, xã mới là theo trục giao thông và ranh giới tự nhiên như sông ngòi, địa vật. Việc sắp xếp này được tiến hành dựa trên một số nguyên tắc nhằm kiến tạo hệ thống quản lý hành chính hiệu quả, khoa học, như: Tuân thủ tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, phù hợp đặc điểm từng khu vực.
Mục tiêu then chốt của thành phố là thiết lập địa giới hành chính minh bạch, dễ xác định và quản lý, giải quyết dứt điểm những tồn tại lịch sử, như: Tình trạng địa giới hành chính phức tạp, "cài răng lược", hay một việc giao cho nhiều địa phương quản lý. Các yếu tố hiện hữu như trục đường giao thông, dòng chảy sông ngòi, quy hoạch phát triển đô thị được ưu tiên xem xét để giải quyết triệt để tình trạng địa giới đan xen, vốn gây ra không ít bất cập trong quản lý giữa các đơn vị hành chính trước đây.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã cũng hướng đến sự nhất quán trong quản lý nhà nước đối với các khu vực có sự đan xen về chức năng, như: Các cụm công nghiệp, khu đô thị mới...
Trên cơ sở phương án sắp xếp đơn vị hành chính của thành phố, huyện Gia Lâm sẽ thành lập 4 xã: Thuận An, Gia Lâm, Phù Đổng, Bát Tràng. Huyện cũng đã tổ chức lấy kiến nhân dân trong ngày 20/4/2025 bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan và thực hiện theo Hướng dẫn số 02/HD-UBND ngày 17/4/2025 của UBND thành phố Hà Nội. Kết quả, tỷ lệ cử tri đồng ý so với số cử tri tham gia lấy phiếu đạt hơn 99% (so với tổng số cử tri đạt 98,32%). Kết quả tại kỳ họp HĐND của các xã, thị trấn và kỳ họp HĐND huyện thống nhất 100% tán thành phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thành phố Hà Nội trên địa bàn huyện Gia Lâm theo quy định.
Tiếp tục lắng nghe, tiếp nhận ý kiến của nhân dân, huyện Gia Lâm cũng đã giải quyết, trả lời kịp thời, cụ thể để người dân trên địa bàn hiểu và đồng thuận với phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó, một số người dân xã Cổ Bi còn thắc mắc về việc chia tách xã Cổ Bi theo địa giới hành chính 2 xã mới là Gia Lâm và Thuận An.
Theo Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 25/4/2025 của HĐND huyện Gia Lâm, đơn vị hành chính cơ sở Gia Lâm có diện tích tự nhiên 22,45km2, quy mô dân số 56.480 người; địa giới hành chính gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số xã Dương Xá; phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của thị trấn Trâu Quỳ và xã Kiêu Kỵ; một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Thạch Bàn (Long Biên) và các xã: Cổ Bi, Đặng Xá, Phú Sơn, Đa Tốn, Bát Tràng (Gia Lâm). Đơn vị hành chính cơ sở Thuận An có diện tích tự nhiên 31,41km², quy mô dân số 86.137 người; địa giới hành chính bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số các xã: Lệ Chi, Dương Quang; phần lớn diện tích tự nhiên, dân số các xã: Phú Sơn, Đặng Xá, Cổ Bi.

Việc phân tách phần lớn diện tích xã Cổ Bi thuộc xã Thuận An (mới), phần còn lại của xã Cổ Bi thuộc xã Gia Lâm (mới) được căn cứ theo trục đường quy hoạch từ khu đô thị Đặng Xá đến nút giao quốc lộ 1 (nằm trên địa bàn xã Cổ Bi). Dự án có chiều dài tuyến 2,155km, quy mô mặt đường rộng 30m, có vỉa hè 2 bên, hệ thống thoát nước, cây xanh, chiếu sáng…, tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng, được thực hiện trong giai đoạn 2023-2026.
Dự án nằm trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của thành phố Hà Nội. Do đó, việc chia tách xã Cổ Bi sang 2 xã mới Thuận An và Gia Lâm được phân định ranh giới căn cứ vào trục đường quy hoạch từ khu đô thị Đặng Xá đến nút giao quốc lộ 1, sẽ giúp 2 xã mới có đường ranh giới rõ ràng, có diện tích tự nhiên, quy mô dân số phù hợp theo phương án của thành phố.
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học thông tin, về cơ bản số lượng đơn vị hành chính mới, ranh giới giữa các đơn vị đã được xác lập theo các trục đường giao thông chính, ranh giới tự nhiên như sông ngòi, đường phân thủy…, nhằm bảo đảm thuận lợi cho công tác quản lý của chính quyền cơ sở. Đây là phương án tối ưu, phù hợp với thực tiễn và định hướng phát triển các vùng theo quy hoạch được phê duyệt, được đại bộ phận nhân dân trên địa bàn huyện đồng tình, ủng hộ. Một số kiến nghị về trường học, nhà văn hóa, di tích lịch sử, đất nghĩa trang, đất nông nghiệp… khi phân định địa giới hành chính cũng đã được huyện Gia Lâm tiếp nhận, lắng nghe, giải quyết kịp thời, đúng quy định.
Định hướng của huyện là giữ nguyên các nhà văn hoá, trung tâm văn hóa, cơ sở y tế, trường học phục vụ nhu cầu của nhân dân theo chỉ đạo của thành phố; tiếp tục giữ nguyên phân tuyến tuyển sinh đối với tất cả các trường mầm non, tiểu học, THCS thuộc huyện theo địa giới hành chính các xã cũ, cho đến khi bố trí, xây dựng đủ các trường học theo địa giới hành chính mới.
Đối với trụ sở công dôi dư không còn nhu cầu sử dụng, sẽ ưu tiên bố trí thành các công trình văn hoá, giáo dục, y tế để phục vụ nhân dân. Để bảo đảm yêu cầu về sản xuất nông nghiệp sau khi thay đổi địa giới hành chính, các khu đất sản xuất nông nghiệp của nhân dân trước và sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đều không ảnh hưởng đến quyền của chủ sử dụng đất cũng như điều kiện về sản xuất nông nghiệp.
“Mặc dù có sự thay đổi về địa giới hành chính sau sắp xếp, nhưng cấp ủy Đảng, chính quyền huyện luôn đặt người dân vào trung tâm, để người dân thấy rõ những lợi ích, lợi thế, từ đó đồng hành với chính quyền. Việc sắp xếp và đặt tên đơn vị hành chính cấp xã mới đang được Đảng, Nhà nước và các địa phương thực hiện bằng tầm nhìn chiến lược, với trách nhiệm trước lịch sử và khát vọng vươn tới kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, để cuộc sống của mỗi người dân ngày một tốt đẹp hơn”, đồng chí Trương Văn Học nhấn mạnh.