Thiết thực tri ân người có công
Trong không khí tưng bừng hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, công tác tri ân người có công bằng những việc làm thiết thực luôn được chú trọng đặc biệt. Qua đó khẳng định truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” của nhân dân ta.
Hành trình trở về ấm áp nghĩa tình

Một trong những hoạt động thiết thực trong công tác tri ân người có công là hỗ trợ thân nhân liệt sĩ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, giám định ADN xác định danh tính, cùng gia đình liệt sĩ đưa hài cốt liệt sĩ trở về quê nhà để thuận tiện chăm sóc mộ phần.
“Hành trình trở về” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thưởng là minh chứng sống động khẳng định sự quan tâm ấy. Hy sinh năm 1971 ở Quảng Bình, sau 54 năm, trải qua hành trình tìm kiếm của gia đình liệt sĩ, với sự vào cuộc của các đơn vị quân đội, nhóm tình nguyện, Cục Người có công (Bộ Nội vụ), Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, Viện Pháp y quốc gia… trong công tác tìm kiếm, giám định ADN, hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Thưởng đã được gia đình và chính quyền tổ chức lễ đón nhận, an táng tại Nghĩa trang Dốc Lã (xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội) vào trung tuần tháng 4-2025.
Lễ đón nhận và an táng hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Thưởng được chính quyền phường Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội) chủ trì tổ chức trang trọng và xúc động. Thiếu tá Nguyễn Thị Miến, con gái duy nhất của liệt sĩ Nguyễn Văn Thưởng bày tỏ: “Bố tôi đã được về bên gia đình, trong vòng tay của chính quyền, bà con nhân dân địa phương, vô cùng trang trọng và ấm áp nghĩa tình. Sự tri ân ấy thực sự lớn lao”.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Đại tá Nguyễn Hùng Phong, thương binh hạng 3/4 (phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Những thương binh như chúng tôi luôn trân trọng sự quan tâm, tri ân người có công của các cấp chính quyền, cộng đồng xã hội. Dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm nay, tôi được nhận quà của Chủ tịch nước, của quận và phường, đặc biệt, được tham gia buổi gặp mặt tri ân, tặng quà người có công do quận tổ chức, rất nghĩa tình và gần gũi. Càng cảm động hơn, bởi dù có nhiều thay đổi về mô hình tổ chức, nhưng những bộ phận có trách nhiệm vẫn tổ chức chương trình, trao quà tặng, chế độ chính sách cho chúng tôi, bảo đảm thực hiện công tác tri ân người có công thật tốt, chu đáo. Những ngày này, tôi càng nhớ về những đồng đội đã hy sinh. Càng thấy mình may mắn vì vẫn còn được ở bên gia đình, tôi càng mong Nhà nước sẽ tiếp tục nâng cao chế độ chính sách đối với liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ, bởi những gia đình liệt sĩ mất con em mình là mất đi sức lao động, nhiều gia đình vẫn còn khó khăn”.
Xoa dịu nỗi đau chiến tranh
Chỉ tính riêng hoạt động của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, từ đầu năm đến nay, Hội đã tổ chức 2 đợt trao kết quả giám định ADN cho 5 trường hợp thân nhân gia đình liệt sĩ, tiếp nhận, hướng dẫn thủ tục hồ sơ đề nghị tìm kiếm liệt sĩ cho 51 trường hợp, đề nghị giám định ADN cho 8 trường hợp, kết nối thông tin cho 4 trường hợp; di chuyển hài cốt bằng tàu hỏa 3 trường hợp và tham gia đưa đón 7 liệt sĩ về các nghĩa trang quê nhà.
Các hội, chi hội trực thuộc đã tiếp nhận hồ sơ, đề nghị đính chính thông tin liệt sĩ 343 trường hợp; hỗ trợ giám định ADN cho 17 trường hợp; phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương cung cấp thông tin liệt sĩ cho hơn 6.000 trường hợp đến yêu cầu. Cùng với đó, đã phối hợp tổ chức đưa đón 60 hài cốt liệt sĩ về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ quê nhà.
Không chỉ vậy, nhiều hoạt động tri ân, tặng quà người có công đầy nghĩa tình cũng được chính quyền các cấp triển khai. Nổi bật là, dịp kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất và 80 năm thành lập nước, người có công được nhận quà tặng của Chủ tịch nước với tổng kinh phí quà tặng hơn 834 tỷ đồng, mức quà tặng là 500.000 đồng/người, được thực hiện chi một lần vào dịp ngày 30-4-2025. Các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng đang tập trung triển khai tặng quà tri ân người có công, ngoài quà tặng của Chủ tịch nước còn có các phần quà thiết thực của địa phương.
Tại Hà Nội, cùng với việc thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp cho gần 80.000 người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, hướng tới dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 năm nay, thành phố đặt mục tiêu vận động Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” đạt 21,87 tỷ đồng, tặng 1.102 sổ tiết kiệm “tình nghĩa” (mức sổ tiết kiệm thấp nhất là 3 triệu đồng/sổ); tu sửa, nâng cấp 28 công trình ghi công liệt sĩ; hỗ trợ tu sửa, nâng cấp nhà ở đối với 149 hộ gia đình người có công. Cùng với đó, thành phố tổ chức thăm, gặp mặt và tặng quà người có công; các đơn vị nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công trong và ngoài thành phố, đơn vị sản xuất, kinh doanh của thương binh, bệnh binh.
Là người gắn bó với công tác tri ân người có công nhiều năm qua, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam chia sẻ, chính những việc làm thiết thực hằng ngày, thông qua việc chăm lo đến thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng, đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước trong xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ. Từ đó, lan tỏa những hiệu ứng tốt đẹp của công tác tri ân, xoa dịu nỗi đau chiến tranh...