Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025): Tự hào những thời khắc lịch sửBài 2: Gặp người lái xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập
"Thời khắc tôi lái chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập, nước mắt chỉ muốn trào ra” - đó là chia sẻ của Trung sĩ Nguyễn Văn Tập, người lái xe tăng số hiệu 390 nhấn ga húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975. Gặp phóng viên Báo Hànộimới, ông xúc động kể lại hành trình làm nên hành động “biểu tượng” ấy, đánh dấu thời khắc Bắc Nam thống nhất.
Vượt bao dặm đường khói lửa đến Dinh Độc Lập

Những ngày tháng Tư của 50 năm sau thời khắc lịch sử ấy, chúng tôi có may mắn được gặp người cựu chiến binh Nguyễn Văn Tập ngay tại di tích Dinh Độc lập - Hội trường Thống Nhất ngày nay, khi ông và đồng đội trở về thăm lại chiến trường xưa, đúng dịp thành phố Hồ Chí Minh và cả nước đang tưng bừng các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Trung sĩ Nguyễn Văn Tập sinh năm 1951, quê Hải Dương, nhập ngũ năm 19 tuổi và trở thành người lái xe tăng khi mới tròn 20 tuổi (năm 1971). Sau thời gian 6 tháng trợ giáo lái xe tăng cho khóa kế cận tại Tiểu đoàn 512, Binh chủng Tăng thiết giáp ở Xuân Mai (thuộc Hà Nội ngày nay), đến năm 1972, ông được điều sang Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203 (Quân đoàn 2), cùng đồng đội lái những chiếc xe tăng hiện đại nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ, thẳng hướng chiến trường miền Nam.
“Tôi ngẫu nhiên được nhận lái chiếc xe tăng số hiệu 390 bởi chiếc xe đầu tiên tôi nhận là một chiếc xe tăng khác, loại T54B. Khi tôi lái chiếc xe vào tới đập Cẩm Ly (tỉnh Quảng Bình), chỉ huy mặt trận tại đây điều tiết chiếc xe đó cho một đơn vị khác, dùng cho bộ đội thọc sâu đánh chiến trường Tây Nguyên. Tôi được giao lại chiếc T59, số hiệu 390. Từ đó, tôi và xe gắn với nhau suốt chiều dài đường hành quân từ Bắc vào Nam, vừa đi vừa chiến đấu, cho đến khi húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975 lịch sử”, ông Nguyễn Văn Tập chia sẻ.
Ngày 16-4-1975, nhận được mệnh lệnh tiến quân thần tốc, táo bạo, quyết chiến và toàn thắng, quân ta hừng hực khí thế, nhanh chóng tiếp cận khu vực ngoại thành thành phố Sài Gòn - Gia Định. Đây được xem là “vành đai lửa”, địch trấn giữ rất vững chắc. Quân ta vừa hành quân vừa đánh, gặp chướng ngại vật là chiến đấu. Tuyến phòng thủ kiên cố cuối cùng trước khi vào được nội thành là cầu Sài Gòn. Tại đây, địch chống trả quyết liệt trong một trận địa hỗn hợp.
Tuy nhiên, với một người lính lái xe tăng được huấn luyện bài bản, trải qua hàng nghìn cây số vừa hành quân vừa chiến đấu, cùng sự hỗ trợ của bộ binh cũng như các lực lượng khác, ông Nguyễn Văn Tập cùng đồng đội đã chọc thủng tuyến phòng thủ cầu Sài Gòn, thẳng tiến vào nội đô.
“Trước khi chiến đấu, cấp trên có phổ biến: Khi vào được nội đô Sài Gòn, cứ rẽ trái 7 ngã tư sẽ tới Dinh Độc Lập. Trong tiến quân chiến đấu, xe tăng không được phép nối đuôi nhau, nên mỗi xe rẽ vào một tuyến đường nhắm hướng Dinh Độc Lập mà tiến. Khi tiến tới áp sát cổng Dinh Độc Lập, nhận được lệnh của Trung úy Vũ Đăng Toàn, Chính trị viên đại đội, chỉ huy xe tăng số hiệu 390, tôi nhấn ga húc đổ cổng chính không chút do dự, đưa chiếc xe tăng đầu tiên của quân ta tiến vào cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn”, ông Nguyễn Văn Tập tự hào nhớ lại thời khắc làm nên biểu tượng lịch sử ấy.
Mong thành phố mang tên Bác ngày càng giàu đẹp

Những ngày này, ông Nguyễn Văn Tập đang cùng đồng đội hòa chung không khí sôi nổi tại thành phố Hồ Chí Minh, tham gia các hoạt động đa dạng của dịp đại lễ kỷ niệm và tham dự lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Thăm lại thành phố Sài Gòn - Gia Định xưa (nay là thành phố Hồ Chí Minh) sau 50 năm thống nhất đất nước, ông Nguyễn Văn Tập chia sẻ: “Thành phố phát triển ngoài sức tưởng tượng của tôi. Được chứng kiến sự đổi thay quá lớn của thành phố, tôi cảm thấy vô cùng tự hào và mãn nguyện. Tự hào vì mình đã góp phần giải phóng thành phố này, mãn nguyện vì thành phố bây giờ giàu đẹp quá. Qua đây, tôi gửi lời cảm ơn các thế hệ lãnh đạo và nhân dân thành phố đã bảo vệ, xây dựng, phát triển thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Với truyền thống năng động, sáng tạo, tôi tin tưởng thành phố tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế và trở thành hạt nhân không thể thiếu cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Ông Nguyễn Văn Tập cho biết, dù rời quân ngũ từ năm 1976 (với quân hàm Thiếu úy), trở về sinh sống ở quê nhà Hải Dương, nhưng ông vẫn luôn dõi theo từng nhịp phát triển của thành phố Hồ Chí Minh. Ông vui mừng khi được biết, Trung ương chủ trương sáp nhập các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu vào thành phố Hồ Chí Minh, mở ra không gian phát triển mới, tạo ra động lực mới, nguồn lực mới để thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, chắc chắn đời sống của người dân sẽ tiếp tục được tốt hơn. “Tôi cho rằng đây là thời cơ mới, vận hội mới để thành phố củng cố vai trò, sứ mệnh của mình, không những “vì cả nước” mà còn kiến tạo ra các giá trị mới, đóng góp tích cực và sâu rộng hơn trong hội nhập toàn cầu”, ông Nguyễn Văn Tập tin tưởng.
Thời khắc lịch sử cách đây 50 năm, ông Nguyễn Văn Tập cùng đồng đội cũng đã có mặt tại khuôn viên Dinh Độc Lập, nơi chúng tôi đang cùng ngồi trò chuyện. "Lúc ấy, tất cả đều giơ súng lên trời xả cho hết băng đạn để mừng chiến thắng. Chúng tôi ôm nhau hô to “toàn thắng rồi, giải phóng rồi, thống nhất rồi”. Nước mắt cứ thế trào ra. Giờ có mặt tại đây, xung quanh tôi đang vang vọng âm thanh của hòa bình, phát triển của một thành phố năng động, hiện đại nhất cả nước. Tôi mong đất nước ta sẽ mãi hòa bình, phát triển”, ông Nguyễn Văn Tập chia sẻ.
(Còn nữa)