Tài chính

Thu ngân sách nhà nước: Còn không ít thách thức

Hương Thủy 27/04/2025 - 07:05

Tính đến hết ngày 15-4, thu ngân sách nhà nước khả quan khi đạt 40,77% dự toán.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiến, chuyên gia kinh tế, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định cho rằng, từ nay đến cuối năm 2025, nhiệm vụ thu ngân sách còn không ít thách thức. Vì vậy, cần thực hiện nhiều giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ này.

thue-bd.jpg
Ngành Thuế đã triển khai nhiều biện pháp để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Chi cục Thuế quận Ba Đình.

- Ông đánh giá như thế nào về kết quả thu ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025?

- Theo số liệu do Bộ Tài chính công bố, thu ngân sách nhà nước đến hết ngày 15-4-2025 đạt 801,9 nghìn tỷ đồng, bằng 40,77% dự toán. Trước đó, tổng thu ngân sách nhà nước lũy kế 3 tháng đạt 721,3 nghìn tỷ đồng, bằng 36,7% dự toán, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm 2024. Đáng chú ý, thu nội địa đạt 646,3 nghìn tỷ đồng, bằng 38,7% dự toán, tăng 34,5% so cùng kỳ năm 2024.

Như vậy, so với 3 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách nhà nước năm nay là khả quan hơn. Quý I-2024, thu ngân sách chỉ đạt 31,7% dự toán và tăng 9,8% so với cùng kỳ năm liền trước. Bởi vậy, kết quả trên là rất đáng mừng trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

- Những yếu tố nào giúp thu ngân sách đạt kết quả khả quan như vậy, thưa ông?

- Kết quả thu ngân sách đạt khá chủ yếu do kinh tế những tháng cuối năm 2024 tăng trưởng khá (GDP quý IV tăng 7,55% so với cùng kỳ năm 2023, cả năm tăng 7,09%), những tháng đầu năm 2025 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng; đồng thời cũng phải ghi nhận nỗ lực rất lớn của cơ quan thuế đã tăng cường công tác quản lý thu, rà soát nguồn thu; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, hoàn thuế; chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế, đôn đốc thu nộp kịp thời vào ngân sách nhà nước, qua đó, tác động tích cực đến số thu ngân sách nhà nước.

Nhìn vào cơ cấu thu, thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 36,2% dự toán, tăng 19,9% so cùng kỳ năm 2024; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 45,1% dự toán, tăng 36%; riêng thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 28,9% dự toán, nhưng giảm 7,6% cho thấy, hai khu vực kinh tế đóng góp quan trọng nhất cho bảo đảm nguồn thu trong quý I là khu vực kinh tế tư nhân trong nước và khu vực doanh nghiệp FDI.

Với cơ cấu như trên, thu ngân sách từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt rất cao, mới quý I mà đã đạt 45,1% dự toán là điều chưa từng thấy trước đây. Khối kinh tế tư nhân trong nước hoạt động xuất khẩu không nhiều mà chủ yếu cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho thị trường trong nước. Kết quả trên cho thấy, thị trường trong nước vẫn là thị trường rất quan trọng của nền kinh tế. Vì vậy, cần chú trọng khai thác để vừa bảo đảm tăng trưởng chung của nền kinh tế, vừa bảo đảm nguồn thu ngân sách.

- Theo ông, từ nay đến cuối năm 2025, thu ngân sách nhà nước có những khó khăn, thuận lợi gì?

- Mặc dù đạt kết quả khả quan trong quý I nhưng công tác thu ngân sách từ nay đến cuối năm 2025 vẫn còn tiềm ẩn khó khăn, thách thức. Đó là thị trường thế giới còn nhiều biến động khó lường, đặc biệt là căng thẳng thuế quan. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam, khi bị nước này áp thuế cao sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu, ảnh hưởng đến cân đối thuế xuất, nhập khẩu và ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, tình hình địa chính trị trên thế giới còn phức tạp, khó lường sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường xuất khẩu, chuỗi cung ứng và giá cả vật tư, nguyên liệu đầu vào nhập khẩu của doanh nghiệp, đặc biệt là giá xăng dầu trên thế giới và áp lực lạm phát từ thị trường bên ngoài vẫn còn rất lớn với nền kinh tế trong nước, nhất là biến động của giá vàng. Thời gian qua, giá vàng tăng phi mã, chưa biết khi nào là đỉnh. Giá vàng tăng mạnh gây áp lực lớn đến tỷ giá USD/VND, tạo áp lực lạm phát.

Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, thách thức, nhìn vào toàn cảnh tình hình kinh tế và thu ngân sách quý I-2025 thấy có một số thuận lợi và lạc quan. Đó là đà tăng trưởng về thu ngân sách trong quý I tốt thì những quý sau sẽ thuận lợi hơn.

- Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế là trên 8%. Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, cần thực hiện những giải pháp gì, thưa ông?

- Tổng dự toán thu ngân sách năm 2025 là khoảng 1.966.000 tỷ đồng, tăng 15,6% so với dự toán năm 2024. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, con số này được xem là rất lớn. Để đạt được mục tiêu, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, cơ quan thuế phải tăng cường các biện pháp để quản lý chặt các cái nguồn thu, nhất là thu thuế liên quan đến đất đai, khai thác tài nguyên khoáng sản.

Cùng với đó là tăng cường các biện pháp để chống thất thu, khai thác tối đa các nguồn thu tiềm năng như thu thuế từ hoạt động kinh doanh vàng cá nhân, thu thuế từ kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh online…

Đặc biệt, cơ quan thuế và ngành Tài chính cần kịp thời có những đề xuất với Quốc hội, Chính phủ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn đột xuất đặt ra đối với các doanh nghiệp do diễn biến khó lường và phức tạp của nền kinh tế thế giới, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế trong nước để vừa bảo đảm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, vừa nuôi dưỡng nguồn thu.

- Trân trọng cảm ơn ông!