Nông nghiệp - Nông thôn

Hà Nội: Tăng cường phối hợp trong kiểm soát nguồn gốc, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

Ánh Dương - Bạch Thanh 26/04/2025 - 15:34

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh đối với đàn gia súc, gia cầm, nhiều năm qua, Hà Nội và 24 tỉnh, thành phố phía Bắc đã phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, trao đổi, xác minh thông tin, kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý các trường hợp vận chuyển trái phép động vật - sản phẩm động vật theo quy định.

Qua đó, giúp ngăn chặn dịch bệnh lây lan, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn giá súc, gia cầm từ các tỉnh vào Hà Nội và ngược lại, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

thu-y-ha-noi-2.jpg
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thủy Sản và Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng phát biểu. Ảnh: Ánh Dương

Tích cực phòng, chống dịch bệnh động vật

Sáng 26-4, tại Hả Nội, Chi cục Chăn nuôi, thủy sản và Thú y Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả phối hợp với 24 tỉnh, thành phố trong công tác phòng, chống dịch bệnh; kiểm dịch, kiểm soát nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật năm 2024 và phương hướng trong thời gian tới.

Thông tin về tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và kiểm soát an toàn dịch bệnh trên địa bàn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thủy sản và Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng cho biết, Hà Nội hiện có 28.800 con trâu, 119.000 con bò, 1,25 triệu con lợn, 35,8 triệu con gia cầm và có 152.636 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, 6.736 trang trại chăn nuôi; trong đó có 94 trang trại quy mô lớn, 1.735 trang trại vừa, 4.907 trang trại quy mô nhỏ. Ngoài ra, Hà Nội còn có 24.700ha mặt nước đưa vào nuôi thủy sản, với sản lượng khoảng 130.700 tấn.

Hà Nội đã thực hiện tốt công tác kiếm soát và không để xảy ra lây lan, bùng phát dịch bệnh. Cụ thể, trong năm 2024 và quý I năm 2025, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố cơ bản ổn định. Về dịch bệnh thủy sản, năm 2024 cả nước bị thiệt hại khoảng 22.490ha và 4.993 lồng bè, bể nuôi có thủy sản bị thiệt hại do cá nước ngọt bị chết đột ngột vì yếu tố môi trường, mắc các bệnh xuất huyết, ký sinh trùng… Tại Hà Nội, thủy sản bị thiệt hại khoảng 12,5ha, với tổng sản lượng khoảng 7,5 tấn…

thu-y-ha-noi-1.jpg
Đại biểu đại diện các tỉnh, thành phố phía Bắc dự hội nghị. Ảnh: Ánh Dương

Hiện tại, Hà Nội có 29 cơ sở chăn nuôi gia súc an toàn dịch bệnh, trong đó có 3 cơ sở chăn nuôi trâu, bò; 2 cơ sở chăn nuôi dê, 10 cơ sở chăn nuôi lợn, 14 cơ sở chăn nuôi gia cầm. Ngoài ra, 12/12 quận (Thanh Xuân, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Long Biên, Hà Đông, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm) đã được Cục Chăn nuôi thú y cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh dại động vật.

Phối hợp chặt chẽ, kiểm soát nguồn gốc động vật

Theo số liệu của Chi cục Thống kê Hà Nội, sản lượng thịt các loại của Hà Nội ước đạt hơn 70.000 tấn, về cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt và sản phẩm từ thịt của người dân Thủ đô. Riêng lượng sản phẩm thủy sản, mới đáp ứng 58% nhu cầu người tiêu dùng, phần còn lại được nhập từ các tỉnh, thành phố khác, như: Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hải Phòng…

Tuy nhiên, do nhu cầu thị hiếu đa dạng, chất lượng cao, nên thị trường Hà Nội vẫn tiêu thụ một lượng lớn thực phẩm là đặc sản vùng miền và các sản phẩm thịt nhập khẩu. Đồng thời, Hà Nội cũng xuất lượng lớn các sản phẩm chế biến từ thịt, con giống đi các tỉnh, thành phố khu vực Bắc bộ và cả nước.

thu-y-ha-noi6.jpg
Đại diện các tỉnh, thành phố phía Bắc ký kết công tác phối hợp với Hà Nội về kiểm soát nguồn gốc, phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Ảnh: Ánh Dương

Do đó, công tác phối hợp phòng, chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật với các tỉnh, thành phố khác luôn được Hà Nội chú trọng. Từ hàng chục năm nay, Hà Nội và 24 tỉnh, thành phố phía Bắc luôn bảo đảm cung cấp thông tin hằng ngày, hằng tuần, kịp thời và đầy đủ các số liệu về việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh theo quy định. Các tỉnh, thành phố cũng phối hợp chặt chẽ trong công tác truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật khi có các trường hợp nghi ngờ nguy cơ lây lan dịch bệnh và mất an toàn thực phẩm.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, chăn nuôi và Thú y Hải Phòng Bùi Văn Luyện cho biết, Hải Phòng hiện có 6.139 con bò, 4.129 con trâu, 150.001 con lợn và 7.996.380 con gia cầm; diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 8.219ha. Từ đầu năm đến nay, đàn gia súc, gia cầm, thủy sản của Hải Phòng phát triển ổn định, không phát hiện các ổ dịch truyền nhiễm nguy hiểm của động vật trên địa bàn thành phố. Đáng chú ý, qua công tác phối hợp, trao đổi thông tin, liên kết giữa Hải Phòng và Hà Nội đã kịp thời thông báo, giúp các địa phương chủ động nắm tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật; kiểm soát vận chuyển, ngăn chặn và hạn chế tối đa việc vận chuyển động vật mắc bệnh từ tỉnh này sang tỉnh khác.

Phó Trưởng phòng Chăn nuôi, thú y và Thủy sản Điện Biên (Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Điện Biên) Phạm Văn Phúc thông tin, hiện ngành chăn nuôi tỉnh Điện Biên có bước tiến trong thay đổi tư duy chăn nuôi, phương thức chăn nuôi, chuyển đổi từ nhỏ lẻ, thả rông sang chăn nuôi tập trung, có kiểm soát; hình thành chuỗi giá trị liên kết sản xuất hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững. Trên cơ sở quy chế phối hợp với Chi cục Chăn nuôi, thuỷ sản và Thú y Hà Nội, đơn vị đã chủ động thực hiện các nội dung trao đổi, cung cấp đầy đủ thông tin, kịp thời về công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm tại địa bàn; quản lý giết mổ, kiểm dịch vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh... Từ năm 2024 đến nay, tỉnh Điện Biên đã thực hiện kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đến thành phố Hà Nội với tổng số 16.356kg thịt trâu, bò, lợn sấy; 60 con dê...

Riêng tỉnh Thái Bình, địa phương có tổng đàn chăn nuôi khá lớn, với gần 60.400 con trâu, bò, sản lượng trâu, bò hơi xuất chuồng khoảng 10.878 tấn; gần 708.000 con lợn, sản lượng hơi xuất chuồng khoảng 178.000 tấn; 14,95 triệu con gà, vịt, sản lượng hơi xuất chuồng hơn 75.000 tấn và gần 350 triệu quả trứng. Công tác kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển động vật luôn được cơ quan chuyên môn của tỉnh thực hiện đúng quy trình, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông sản phẩm chăn nuôi. Năm 2024, Chi cục Chăn nuôi, thủy sản và Thú y Thái Bình đã kiểm tra và cấp chứng nhận kiểm dịch động vật cho hơn 7 triệu con gia súc, gia cầm các loại và 318.435kg sản phẩm động vật chuyển đi Hà Nội.

Bên cạnh những thuận lợi và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa 24 tỉnh, thành phố với Hà Nội trong công tác phòng, chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật, vẫn còn một số khó khăn. Do việc bãi bỏ kiểm dịch nội tỉnh, nên động vật, sản phẩm động vật từ các địa phương giáp ranh chuyển vào địa bàn các tỉnh với danh nghĩa là lưu thông nội tỉnh khó quản lý, khó kiểm tra và xử lý các vi phạm. Một số tỉnh chưa xây dựng được cơ sở giết mổ tập trung, bảo đảm an toàn thực phẩm, chủ yếu là giết mổ nhỏ lẻ, gây khó khăn cho việc kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, dẫn đến tỉ lệ sản phẩm động vật có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển vào Hà Nội thấp. Đội ngũ thú y cơ sở chưa kiện toàn đủ, công tác phối hợp giữa các ngành chưa thường xuyên, nên công tác quản lý, kiểm soát số lượng động vật, sản phẩm động vật, thủy sản hằng ngày nhập về, xuất đi từ Hà Nội gặp khó khăn…

thu-y-ha-noi.jpg
Phó Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư Nhữ Văn Cẩn phát biểu. Ảnh: Ánh Dương

Phát biểu tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư Nhữ Văn Cẩn đánh giá cao công tác phối hợp của Hà Nội với 24 tỉnh, thành phố phía Bắc. Đồng thời nhấn mạnh, thời gian tới, Hà Nội và các tỉnh cần chủ động tổ chức giám sát dịch bệnh, nhất là trên các loài thủy sản chủ lực có sản lượng lớn ở miền Bắc, như tôm, nhuyễn thể 2 mảnh vỏ…; hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở xây dựng các vùng, cơ sở nuôi thủy sản an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; thực hiện tốt công tác thống kê, cập nhật tình hình dịch bệnh và báo cáo về Cục Thủy sản và Kiểm ngư; tăng cường công tác kiểm dịch giống thủy sản khi lưu thông giữa các tỉnh để hạn chế dịch bệnh…

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thủy sản và Thú y tỉnh Hải Dương Vũ Văn Hoạt: Bảo đảm lưu thông sản phẩm chăn nuôi an toàn

thu-y-hai-duong.jpg

Những năm qua, công tác phối hợp giữa Chi cục Chăn nuôi, thủy sản và Thú y tỉnh Hải Dương và Chi cục Chăn nuôi, thủy sản và Thú y Hà Nội được duy trì thường xuyên, hiệu quả. Việc trao đổi thông tin giữa hai đơn vị được thực hiện liên tục qua văn bản, thư điện tử, góp phần kiểm soát tốt tình hình vận chuyển, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật, nhất là trong bối cảnh nguy cơ dịch bệnh luôn tiềm ẩn.

Kinh nghiệm của Hải Dương cho thấy, việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh và áp dụng nguyên tắc “vào sạch - ra sạch”; giống khi ra khỏi cơ sở sản xuất, ương dưỡng phải qua kiểm dịch, có ghi nhật ký vận chuyển. Bởi, nếu không có kiểm soát giống đầu vào nghiêm ngặt thì rất dễ bùng phát dịch bệnh, gây thiệt hại lớn. Đồng thời, nên công khai danh sách các cơ sở sản xuất giống uy tín, đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản để người dân thuận tiện lựa chọn. Đây là cơ sở quan trọng để hình thành chuỗi sản xuất giống an toàn, chất lượng, hạn chế rủi ro ngay từ đầu vào.

Thời gian tới, tỉnh Hải Dương tiếp tục đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, tăng năng suất - chất lượng - giá trị con giống, phát triển mô hình tuần hoàn, kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ và mở rộng các chuỗi liên kết. Đặc biệt, coi trọng mối quan hệ phối hợp với các tỉnh, thành phố như Hà Nội để bảo đảm lưu thông sản phẩm chăn nuôi an toàn, minh bạch về nguồn gốc, góp phần phát triển ngành chăn nuôi bền vững, phục vụ tốt hơn cho tiêu dùng của người dân Thủ đô và cả nước.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh Chu Thị Thu Thủy: Nâng cao hiệu quả kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc

thu-y-quang-ninh2.jpg

Để phối hợp hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật lưu thông giữa tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hà Nội, hằng năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh và Chi cục Chăn nuôi, thủy sản và Thú y Hà Nội đã tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác. Nội dung phối hợp tập trung vào bốn nhóm chính: Trao đổi thông tin, chia sẻ chính sách quản lý chăn nuôi và thú y; kiểm soát vận chuyển, giết mổ; kết nối sản xuất - tiêu thụ và phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị.

Hai đơn vị thường xuyên chia sẻ thông tin về dịch bệnh, kiểm dịch, chính sách phát triển chăn nuôi, kinh nghiệm xây dựng hệ thống thú y cơ sở, vùng/cơ sở an toàn dịch bệnh... thông qua các báo cáo định kỳ và các chuyến khảo sát, tham quan thực tế. Đặc biệt, Quảng Ninh đã giới thiệu các giống vật nuôi bản địa, như lợn Móng Cái, gà Tiên Yên đến Hà Nội, phục vụ các dự án chăn nuôi sạch, chất lượng.

Thực tế triển khai cho thấy, từ khi có cơ chế phối hợp, giữa hai địa phương không phát sinh vụ việc vi phạm lớn liên quan đến phòng dịch, kiểm dịch, giết mổ. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, như việc bãi bỏ kiểm dịch nội tỉnh, khiến nhiều sản phẩm động vật từ địa phương giáp ranh đưa vào Hà Nội theo dạng “lưu thông nội tỉnh”, gây khó khăn trong công tác giám sát và xử lý vi phạm. Trong thời gian tới, sự phối hợp giữa Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh với Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc tiếp tục được duy trì và mở rộng, nhất là trong kiểm soát dịch bệnh, nâng cao hiệu quả kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững, bảo đảm an toàn thực phẩm cho vùng Thủ đô và khu vực lân cận.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Giang Hoàng Văn Dư: Tăng cường trao đổi kinh nghiệm

thu-y-bac-giang.jpg

Bắc Giang là một trong những tỉnh có ngành chăn nuôi phát triển mạnh của cả nước, với tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt hơn 310.000 tấn/năm. Sản phẩm chăn nuôi của Bắc Giang không chỉ đáp ứng nhu cầu nội tỉnh, mà phần lớn được xuất bán ra các tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… Do vậy, việc phối hợp với các địa phương, nhất là Hà Nội - thị trường tiêu thụ trọng điểm, luôn được Bắc Giang chú trọng.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Giang thường xuyên cập nhật thông tin dịch bệnh từ Cục Thú y, cơ quan Thú y vùng II và các chi cục địa phương qua hệ thống VAHIS. Việc phối hợp thông tin, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ giữa Bắc Giang và Hà Nội được duy trì thường xuyên, có sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Môi trường và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn. Nhờ đó, không chỉ bảo đảm an toàn dịch bệnh, mà còn tạo điều kiện cho sản phẩm động vật của Bắc Giang lưu thông thuận lợi, đúng quy định pháp luật.

Nhiều chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp Bắc Giang và Hà Nội đã được hình thành, nhất là sản phẩm “gà đồi Yên Thế” được tiêu thụ ngày càng nhiều tại Thủ đô.

Để nâng cao hiệu quả quản lý ngành chăn nuôi, Bắc Giang kiến nghị tiếp tục duy trì và mở rộng hợp tác với Chi cục Chăn nuôi, thủy sản và Thú y Hà Nội trong các lĩnh vực: Kiểm soát dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch - giết mổ - chế biến sản phẩm động vật. Đồng thời, tăng cường trao đổi kinh nghiệm, tập huấn chuyên môn, thúc đẩy hình thành các trung tâm giết mổ, sơ chế, đóng gói có kiểm soát theo chuỗi.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hà Giang Trịnh Văn Bình: Cần có chính sách đặc thù cho các tỉnh miền núi

thu-y-ha-giang7.jpg

Với địa bàn rộng lớn, dân cư phân tán, Hà Giang đang đối mặt với nhiều thách thức trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Toàn tỉnh có đường biên giới dài 277km, cư dân gồm 19 dân tộc sinh sống, được chia thành 3 vùng địa lý rõ rệt. Chăn nuôi là ngành sản xuất quan trọng với hơn 6,4 triệu con gia cầm và gần 1 triệu con trâu, bò, lợn. Hà Nội hiện là thị trường tiêu thụ chính các sản phẩm đặc sản chăn nuôi của tỉnh.

Sự phối hợp giữa Hà Giang và các cơ quan của Hà Nội đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực, mở ra cơ hội đưa các sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao đến với người tiêu dùng Thủ đô. Tuy nhiên, công tác kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh tại tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hệ thống cán bộ thú y rất mỏng, chủ yếu là kiêm nhiệm, bán chuyên trách, không có đủ thời gian để thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi, kiểm dịch và bảo vệ đàn vật nuôi. Đáng lo ngại, sắp tới thực hiện sáp nhập địa giới hành chính, xóa cấp huyện, sáp nhập tỉnh để tinh gọn bộ máy, nhiều vấn đề về phòng, chống dịch bệnh sẽ phát sinh. Mô hình quản lý cấp xã sau sáp nhập đồng nghĩa với việc địa bàn quản lý mở rộng, lực lượng cán bộ thú y buộc phải di chuyển xa, có khi hàng trăm cây số để kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh.

Với nhân lực mỏng, địa hình hiểm trở và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, công tác kiểm dịch, phòng, chống dịch bệnh khó khăn hơn rất nhiều. Vì vậy, Hà Giang kiến nghị, cần có chính sách đặc thù cho các tỉnh miền núi, biên giới như Hà Giang để bảo đảm tổ chức bộ máy phù hợp, duy trì lực lượng chuyên môn đủ mạnh, đủ gần dân, thực hiện hiệu quả công tác kiểm dịch, phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ ngành chăn nuôi bền vững.