Hà Nội nâng cao hiệu quả mô hình giáo dục chất lượng caoBài cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn, đưa giáo dục "mũi nhọn" vượt trội
Luật Thủ đô năm 2024 xác định: “Phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo để Thủ đô là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế” (Khoản 1, Điều 22).
Để tiếp tục thúc đẩy nâng cao chất lượng mô hình giáo dục cao tại Hà Nội, thời gian tới thành phố cần sớm ban hành chính sách cho phù hợp, tháo gỡ “điểm nghẽn”, đưa giáo dục “mũi nhọn” thực sự vượt trội so với giai đoạn trước đây.
Đề xuất được tuyển sinh sớm

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thanh Bình cho biết, những điểm mới về giáo dục và đào tạo trong Điều 22 Luật Thủ đô năm 2024 đã thể hiện rõ ý nghĩa sâu sắc, khẳng định tính kế thừa, sự nhất quán trong quan điểm của Đảng, Nhà nước nói chung và Hà Nội nói riêng. Đó là, luôn đề cao vai trò, vị trí của giáo dục và đào tạo, coi đây là quốc sách hàng đầu nhằm thúc đẩy, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô nhanh, bền vững.
Đồng thời, Luật Thủ đô cũng trao quyền cho thành phố Hà Nội chủ động hơn trong cơ chế tài chính, hỗ trợ học phí cho người học trên địa bàn thành phố không phân biệt trường công lập, dân lập và tư thục cũng như nhiều lĩnh vực khác để bảo đảm Thủ đô là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương, để tháo gỡ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện để các trường chất lượng cao phát triển, thời gian tới, Hà Nội cần có quy định, hướng dẫn cụ thể về cơ chế đặc thù đối với trường chất lượng cao về tài chính, danh mục trang thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ chơi; tuyển dụng và sử dụng nhân sự; chế độ đãi ngộ, thu hút nhân tài; cơ chế liên thông về chương trình, tuyển sinh…
Ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong xã hội và phụ huynh học sinh về phát triển mô hình trường chất lượng cao (đối với cấp học mầm non mô hình trường chất lượng cao là duy trì ổn định); thành phố cũng cần chú trọng đầu tư trang thiết bị dạy học hiện đại; trang bị kiến thức cho các nhà quản lý giáo dục về giáo dục số, giáo dục chất lượng cao, xu hướng phát triển giáo dục trên thế giới, nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý giáo dục, giáo viên ngày càng tiệm cận với tiêu chuẩn của khu vực, quốc tế.
Theo nhận định của nhiều cán bộ quản lý các trường chất lượng cao trên địa bàn thành phố, mô hình này rất cần duy trì và thúc đẩy phát triển thêm nữa, vì thực sự có triển khai đào tạo “mũi nhọn” mang nguồn lợi lớn, đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh học sinh và cả thực tiễn yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô trong tương lai. Tuy nhiên, để bảo đảm duy trì tốt hoạt động của các trường, các cán bộ quản lý đề xuất, về cơ sở vật chất được Nhà nước hỗ trợ 100%; cho phép các trường được tuyển sinh sớm so với trước đây.
Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nam Từ Liêm Hoàng Thị Yến mong muốn Nhà nước hỗ trợ chi đầu tư, nâng cấp cải tạo, sửa chữa lớn (5 năm/lần) bằng nguồn ngân sách; cho phép trường được thu lệ phí tuyển sinh đầu vào (theo nguyên tắc thu bù chi). Đồng thời, đề nghị giảm bớt thủ tục về việc lập đề án quản lý, sử dụng tài sản công vào hoạt động liên kết nhằm tổ chức một số hoạt động phục vụ trực tiếp học sinh (tổ chức ăn bán trú, dạy ngoại ngữ với người nước ngoài, dạy kỹ năng) và không áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp đối với giáo dục, vì bản chất vẫn là thu từ người học.
Cần cơ chế tự chủ về nhân sự
Xác định đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên là then chốt cho chất lượng giáo dục toàn diện, nhiều trường đang áp dụng mô hình chất lượng cao đồng tình với kiến nghị, thời gian tới, UBND thành phố có quy định lộ trình cụ thể cơ chế tự chủ về nhân sự đối với các trường công lập chất lượng cao. Ngoài chức năng nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nhà nước, có cơ chế cho phép hiệu trưởng trường công lập chất lượng cao được quyền ký hợp đồng lao động với các chuyên gia (trong và ngoài nước), các giáo viên có kinh nghiệm, các tổ chức giáo dục, liên kết với các cơ sở giáo dục khác theo yêu cầu thực tế và theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, các trường cũng đề nghị có hệ thống liên thông đối với các trường chất lượng cao, thống nhất sử dụng chương trình giáo dục quốc tế từ đối với bậc học phổ thông để bảo đảm tính hệ thống, liên cấp, đủ khả năng cạnh tranh với các mô hình khác. Nhà nước có cơ chế hỗ trợ ngân sách mua bản quyền chương trình quốc tế và thuê chuyên gia nước ngoài đào tạo cán bộ giáo viên nâng cao trình độ tiếng Anh; đào tạo đội ngũ cán bộ, giáo viên có chứng chỉ quốc tế nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng xu thế phát triển giáo dục trong giai đoạn hiện nay, nhằm tạo sự khác biệt giữa trường công lập và trường công lập chất lượng cao, giúp nhà trường thu hút học sinh.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Luật Thủ đô năm 2024 kế thừa quy định về giáo dục tại Luật Thủ đô năm 2012, đồng thời bổ sung quy định một số chính sách đặc thù nhằm phát triển giáo dục và đào tạo của Thủ đô.
Cụ thể, cho phép cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông công lập của Thủ đô được thực hiện liên kết giáo dục với cơ sở giáo dục nước ngoài và giao Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện, trình tự, thủ tục, chương trình giáo dục, việc cấp văn bằng, chứng chỉ (Khoản 3, Điều 22). Pháp luật hiện hành mới chỉ cho phép các cơ sở giáo dục tư thục thực hiện việc liên kết đào tạo. Quy định mới này của Luật Thủ đô năm 2024 là nhằm tạo cơ sở pháp lý để thúc đẩy phát triển các loại hình liên kết đào tạo trong nước - quốc tế trong các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập, nâng cao chất lượng đào tạo của giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông công lập Thủ đô, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, trẻ em được tiếp cận với giáo dục chất lượng cao.
Luật Thủ đô 2024 cũng phân quyền cho HĐND thành phố quy định một số chính sách đặc thù, khác với pháp luật hiện hành về phát triển giáo dục, đào tạo trên địa bàn thành phố. Quy định cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, cơ sở giáo dục công lập có nhiều cấp học, cơ sở giáo dục công lập thực hiện liên kết giáo dục với cơ sở giáo dục nước ngoài (Điểm a, Khoản 4, Điều 22). Hỗ trợ học phí cho học sinh phổ thông và trẻ em mầm non trên địa bàn thành phố không phân biệt trường công lập, dân lập và trường tư thục; hỗ trợ học phí học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng cho người học thường trú tại Hà Nội (điểm b, Khoản 4, Điều 22).
Ngành Giáo dục Thủ đô cần phải đi trước cả nước, giữ vững vị trí “đầu tàu". Hy vọng, sau đợt giám sát, thời gian tới, HĐND thành phố sẽ có những quyết sách đặc thù để Hà Nội nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; từng bước xây dựng Thủ đô thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, đưa Luật Thủ đô 2024 vào đời sống sâu sắc, kịp thời.