Chính trị

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025): Thủ đô Hà Nội - Hậu phương lớn trọn nghĩa, vẹn tìnhBài cuối: Hà Nội trong ngày vui đại thắng

Tiến sĩ Hoàng Thị Phương - Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong 26/04/2025 - 06:41

“Đúng 11 giờ 30 phút, quân ta tiến vào Sài Gòn, đánh chiếm Dinh Độc Lập. Bộ Tổng tham mưu ngụy - Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện... Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng”.

Bản tin chiến thắng đầu tiên vang lên trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam ngày 30-4-1975 mãi khắc ghi thời khắc lịch sử trọng đại: Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài 21 năm của dân tộc Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.

bao.jpg
Trang nhất Báo Hànộimới ngày 1-5-1975 đưa tin “Chiến dịch Hồ Chí Minh” đã toàn thắng.

1. Tại Hà Nội, trong những ngày tháng lịch sử hào hùng ấy, người dân Thủ đô luôn dõi theo mọi bước tiến của đoàn quân chiến thắng. Trên Báo Hànộimới cuối tháng 3, đầu tháng 4-1975, ngày nào cũng có tin, ảnh thắng trận gửi về, khiến nhân dân Hà Nội tin tưởng ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam đến rất gần.

Ngày 26-3-1975, Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin quân ta đã giải phóng hoàn toàn thành phố Huế. Loa truyền thanh công cộng trên các con phố của Hà Nội phát đi phát lại bài hát “Bình Trị Thiên khói lửa” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, còn người dân Hà Nội thì vô cùng hân hoan vì giờ khắc chiến thắng đang đến thật gần. Cùng với đó, Hiệu sách Hà Nội - Huế - Sài Gòn ở phố Tràng Tiền chuẩn bị nhiều đầu sách về miền Bắc, về Hà Nội, cùng đĩa hát, tranh ảnh, chờ cấp trên cho phép sẽ mang vào tặng Huế. Ngành Giáo dục Hà Nội trước đó đã cử nhiều giáo viên vào dạy tại vùng giải phóng Quảng Trị, thời điểm này sẵn sàng cử giáo viên vào giúp Huế mở lại trường học khi được lệnh của cấp trên. Có thể nói, cả Hà Nội háo hức với tin chiến thắng từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 trên chiến trường miền Nam.

Sang tháng 4-1975, không khí náo nức mừng chiến thắng lan khắp phố phường của Hà Nội. Đoàn xe diễu hành cổ động bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp có thêm các khẩu hiệu “Quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, “Hoan hô quân giải phóng miền Nam Việt Nam anh hùng”. Pa nô, áp phích được giăng quanh hồ Hoàn Kiếm và khu vực Nhà hát Lớn...

Ngay sau khi nhận được tin Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, không một mệnh lệnh, không ai bảo ai, cờ Tổ quốc xuất hiện nhanh chóng trên các đường phố Thủ đô. Từ khách sạn Thống Nhất, khách nước ngoài đổ ra cửa, vẫy chào người qua lại phố Ngô Quyền, chia sẻ niềm vui ngày đại thắng với nhân dân Hà Nội.

Báo Nhân Dân số ra ngày 1-5-1975, cùng với nhiều tin, bài quan trọng về chiến thắng 30-4-1975 đã đăng bài “Hà Nội chung niềm vui lớn với Sài Gòn”… Bên cạnh đó, trong số ra ngày 1-5-1975, Báo Hànộimới đăng nhiều tin, bài về niềm vui ngày đại thắng. Báo nổi bật với dòng chữ màu đỏ chạy suốt 8 cột báo “Thành phố Sài Gòn hoàn toàn giải phóng”.

Trong bài xã luận “Thành phố Hồ Chí Minh càng rực rỡ tên vàng”, Báo Hànộimới viết: “Trong không khí hào hùng của ngày hội lao động, cả nước hân hoan hướng về thành phố Hồ Chí Minh trong niềm phấn khởi tự hào tràn ngập mọi con tim. Cả Hà Nội tưng bừng nhộn nhịp nhiệt liệt chào mừng chiến công vô cùng hiển hách của Sài Gòn. Sài Gòn đại thắng đánh dấu một trang chói lọi trong pho sử đấu tranh lâu dài, gian khổ, anh dũng tuyệt vời chống giặc cứu nước vĩ đại của dân tộc ta…”.

Cùng với không khí sục sôi trên những trang báo, ngay từ sáng sớm ngày 1-5-1975, cả thành phố Hà Nội rợp bóng cờ hoa, khẩu hiệu, băng rôn xuất hiện dày đặc với những dòng chữ: “Tổ quốc Việt Nam anh hùng muôn năm”, “Không có gì quý hơn độc lập - tự do”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”… Đến tối 1-5-1975, hơn 500 đại biểu ưu tú đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô đã dự mít tinh tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Sau lễ chào cờ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đọc lời khai mạc, nêu rõ: “… Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc chống Mỹ, cứu nước với đỉnh cao của nó là chiến thắng vĩ đại ngày 30-4-1975 sẽ đi vào lịch sử như một bản anh hùng ca mãi mãi làm nức lòng mọi người yêu chuộng chính nghĩa và công lý, độc lập và tự do. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động và nhân dịp mừng chiến thắng lớn của dân tộc, chúng ta gửi đến những người anh em và bạn bè khắp bốn biển năm châu đã từng ủng hộ và giúp đỡ với biết bao nhiệt tình cuộc chiến đấu chính nghĩa và tất thắng của chúng ta lời chào mừng nồng thắm nhất và lời cảm ơn chân tình nhất…”. Kết thúc cuộc mít tinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhấn mạnh: “Giờ đây, được cổ vũ bằng thắng lợi vừa qua, nhân dân Việt Nam ta luôn hướng về phía trước tiếp tục cuộc đấu tranh cách mạng kiên cường của mình, tiến lên giành những thắng lợi to lớn hơn nữa vì lợi ích của Tổ quốc, vì lợi ích của sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới. Đó là tinh thần tư tưởng, tình cảm của nhân dân ta trong giờ phút lịch sử tuyệt đẹp này của dân tộc Việt Nam”.

2. Trong không khí tràn đầy phấn khởi của nhân dân cả nước, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định tổ chức lễ mừng chiến thắng một cách trọng thể trong cả nước. Ngày 5-5-1975, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị hướng dẫn tổ chức ngày lễ mừng thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Ngày 10-5-1975, Hội đồng Chính phủ ra quyết định tổ chức lễ mừng chiến thắng trong cả nước vào ngày 15-5-1975. Ngày 13-5-1975, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Chủ tịch Tôn Đức Thắng dẫn đầu vào dự lễ mừng chiến thắng tại Sài Gòn.

Trước đó, ngày 5-5-1975, đồng chí Lê Thế Hùng, Chính trị viên Đoàn Quân nhạc được Bộ Tư lệnh Thủ đô giao nhiệm vụ: Cử một đội mạnh nhất thay mặt cho đoàn vào thành phố Hồ Chí Minh phục vụ lễ mừng giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam và đồng bào chiến sĩ trong đó. Ngày 8-5-1975, đồng chí Trần Mễ, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô xuống kiểm tra giao nhiệm vụ lần cuối cho đội Quân nhạc.

Sáng 15-5-1975, lễ mừng chiến thắng được tổ chức trọng thể tại Quảng trường “Dinh Độc Lập”. Khán đài được dựng công phu đối diện với đường Thống Nhất. Ảnh Bác Hồ cỡ lớn được treo cao trên lễ đài. 6 giờ ngày 15-5-1975, lễ khai mạc mừng chiến thắng bắt đầu. Cả quảng trường và các khu vực xung quanh lặng đi trong tiếng nhạc Quốc ca hùng tráng. Ba mươi loạt đại bác thể hiện nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tròn 30 tuổi, rền vang hòa quyện cùng tiếng kèn, tiếng trống Quân nhạc. Cùng với toàn thể đồng bào, trên lễ đài, Chủ tịch Tôn Đức Thắng, các đồng chí trong Bộ Chính trị; Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, cùng các bậc nhân sĩ, trí thức biểu lộ niềm xúc động và tự hào về thắng lợi vĩ đại vừa giành được, một chiến thắng “mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

Sau các bài diễn văn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, luật sư Nguyễn Hữu Thọ và Thượng tướng Trần Văn Trà - Chủ tịch Ủy ban quân quản thành phố, lễ duyệt binh bắt đầu. Đoàn quân hùng mạnh với các loại xe cơ giới, xe tăng, pháo binh, tên lửa cùng lực lượng vũ trang quần chúng và các khối nhân dân đại diện cho hàng triệu đồng bào Sài Gòn diễu qua lễ đài, thể hiện sức mạnh, niềm vui, niềm tự hào của toàn Đảng, toàn quân và toàn thể dân tộc Việt Nam.

Cùng với Sài Gòn, từ sáng sớm ngày 15-5-1975, Thủ đô Hà Nội và nhiều địa phương khác trên mọi miền Tổ quốc bước vào ngày hội lớn mừng chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Hơn lúc nào hết, thành phố Hà Nội ngập tràn trong sắc đỏ. Đâu đâu cũng có cờ đỏ sao vàng bay phấp phới. Đó là chưa kể đến hàng nghìn cờ đỏ sao vàng trên tay của hơn 70 vạn người diễu hành đi qua năm cửa ô, các tuyến phố chính đổ về các địa điểm mít tinh mừng chiến thắng: Sân vận động Thủ đô (nay là Sân vận động Hà Nội), Quảng trường Nhà hát Lớn, Công viên Thống Nhất, gò Đống Đa, Vườn hoa Hàng Đậu… Sau lễ mít tinh đến cuộc diễu hành của các khối đại biểu công - nông binh - trí thức cùng với màn biểu diễn văn nghệ của học sinh Thủ đô làm cho không khí thêm tưng bừng, náo nhiệt.

50 năm trôi qua, nhưng không khí Hà Nội - Sài Gòn trong ngày vui đại thắng vẫn còn vang vọng mãi. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội vinh dự, tự hào về chiến công oanh liệt của dân tộc Việt Nam và luôn làm hết sức mình vì nền độc lập, tự do của dân tộc. “Hà Nội vì cả nước, Hà Nội cùng cả nước” là truyền thống quý báu và đã được biểu hiện rực rỡ trong Đại thắng mùa Xuân 1975.