Hà Nội nâng cao hiệu quả mô hình giáo dục chất lượng cao:Bài 2: Những vướng mắc cần tháo gỡ
Thực tế, sau nhiều năm hoạt động, cơ sở vật chất của các trường chất lượng cao bị xuống cấp, chưa tạo ra sự vượt trội so với các trường công lập cùng địa bàn được đầu tư xây dựng mới.
Việc liên kết đào tạo với nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn về thủ tục cũng như cơ chế, chính sách. Một số trường khả năng thu hút học sinh, bảo đảm chỉ tiêu và nguồn thu duy trì hoạt động tự chủ về tài chính còn hạn chế…

Chưa được tự chủ về bộ máy
Ghi nhận qua giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố Hà Nội, trường chất lượng cao chưa được tự chủ về bộ máy và hiện chưa có cơ chế tuyển dụng giáo viên, thuê giáo viên nước ngoài để chủ động tuyển dụng phục vụ việc giảng dạy các chương trình bổ sung, nâng cao về ngoại ngữ, song ngữ, một số môn khoa học cơ bản.
Nguyên nhân do thành phố chưa ban hành cơ chế đặc thù để các trường công lập chất lượng cao có thể tự chủ về nhân sự. Về chương trình giảng dạy, cũng chưa xây dựng đồng bộ hệ thống các trường chất lượng cao từ mầm non đến trung học phổ thông, chưa có cơ chế liên thông về chương trình, tuyển sinh… trong hệ thống trường chất lượng cao trên cùng địa bàn.
Tại buổi làm việc của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố với một số địa phương, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo cũng nêu một số khó khăn thực tại, đối với trường mầm non chất lượng cao chưa có sự thống nhất trong quy định vị trí việc làm của giáo viên âm nhạc, thể chất, tạo hình giữa quy định về đội ngũ trường chất lượng cao và quy định vị trí việc làm trong trường mầm non dẫn đến khó thu hút và ổn định đội ngũ có chuyên môn cao. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong biên chế lâu năm chiếm tỷ lệ cao đòi hỏi quỹ lương lớn. Thu nhập tăng thêm của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên còn thấp chưa tương xứng với hiệu suất lao động trong mô hình trường chất lượng cao theo Nghị quyết số 15/2013-HĐND ngày 17-7-2013 của HĐND thành phố Hà Nội về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô đã đề ra (thu nhập tăng thêm tối đa không quá 2 lần quỹ tiền lương cấp bậc, chức vụ trong năm).
Đặc biệt, với trường chất lượng cao, việc liên kết đào tạo với nước ngoài để tiếp cận những nền giáo dục tiên tiến, hiện đại và cung cấp phương pháp giảng dạy tích cực, trau dồi ngoại ngữ hoặc đào tạo song bằng là rất cần thiết. Tuy nhiên, những nội dung này đang gặp nhiều khó khăn về thủ tục cũng như cơ chế, chính sách. Hiện nay, theo quy định tại Điều 6, Chương II Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 6-6-2018 của Chính phủ Quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, các trường công lập chất lượng cao không là đối tượng thực hiện liên kết giáo dục và thực hiện chương trình giáo dục tích hợp.
Cùng với đó, theo quy định tại Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30-6-2024 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (Nghị định số 73/2024/NĐ-CP): Với mức lương cơ sở tăng 30% và kinh phí thực hiện chế độ tiền thưởng bằng 10% tổng quỹ tiền lương. Tuy nhiên, các trường chất lượng cao hiện đang thực hiện mô hình đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, nên theo quy định ngân sách nhà nước không cấp kinh phí để thực hiện các chế độ theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP (sử dụng nguồn thu của đơn vị để thực hiện). Mặt khác khả năng tiết kiệm kinh phí để thực hiện chế độ tiền lương và tiền thưởng theo quy định tại Nghị định số 73/2024/NĐ-CP của các trường gặp nhiều khó khăn do các năm học gần đây bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mức thu học phí của các trường hầu như giữ nguyên hoặc tăng ở mức thấp. Do đó, việc tạo nguồn kinh phí để thực hiện các chế độ quy định tại Nghị định số 73/2024/NĐ-CP của các trường bị hạn chế.
Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Đỗ Thị Thúy Hà cho biết, khó khăn ở quận khi áp dụng mô hình này chính là các trường công lập chất lượng cao chưa thực sự nổi trội, khang trang, mức học phí thấp so với sự phát triển của xã hội. Hằng năm, mức lương cơ sở tăng, trượt giá (tiền điện nước và các chi phí khác), nếu tăng học phí để bảo đảm chi thường xuyên thì số lượng học sinh tuyển sinh hằng năm sẽ bị giảm. Nguồn tài chính hiện tại trên số học sinh hiện có chưa thể bảo đảm thu nhập cho đội ngũ, phù hợp với cường độ lao động và khuyến khích đội ngũ tâm huyết, cống hiến. Việc trả lương theo ngạch bậc, không khuyến khích được đội ngũ trẻ, có năng lực.
Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Văn Chiến cũng cho biết, thực tiễn trên địa bàn quận, số lượng trường đạt tiêu chí chất lượng cao còn ít so với nhu cầu học tập của học sinh. Kèm theo đó, mức thu học phí chưa đạt mức trần, ảnh hưởng đến khả năng đầu tư và phát triển mô hình trường chất lượng cao. Đặc biệt, việc thu hút và giữ chân giáo viên giỏi còn gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ chế đãi ngộ phù hợp.
Khó cạnh tranh trong công tác tuyển sinh
Qua giám sát ở các quận cho thấy, khả năng thu hút học sinh, bảo đảm chỉ tiêu tuyển sinh và nguồn thu duy trì hoạt động tự chủ về tài chính còn hạn chế. Chưa kể, từ năm học 2025-2026, dự kiến học sinh cấp học mầm non và cấp học phổ thông sẽ được miễn học phí theo quy định của Chính phủ, do vậy việc triển khai thu học phí tại các trường công lập chất lượng cao sẽ gặp nhiều khó khăn vì cha mẹ học sinh sẽ có những chất vấn, so sánh và lựa chọn trường học phù hợp khả năng đóng góp. Trong khi các trường công lập chất lượng cao là đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị nhóm 2) nguồn thu để bảo đảm các hoạt động dạy và học của trường hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn thu học phí từ người học.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tràng An (Hoàn Kiếm) Trần Thị Bích Liên chia sẻ thêm khó khăn, trường nằm trong khu phố cổ, dân cư giảm do chuyển ra các chung cư sinh sống. Cùng với đó, trên cùng tuyến phố Nhà Chung có 2 trường tiểu học sát cạnh nhau nên khó tuyển sinh, vì thế hằng năm, nhà trường tuyển sinh không đủ chỉ tiêu so với kế hoạch tuyển sinh.
“Trường tiểu học chất lượng cao, tự chủ về tài chính nhưng vẫn thực hiện theo quy định tuyển sinh của Sở Giáo dục và Đào tạo, không được tuyển sinh sớm như các trường dân lập nên khi nhà trường thông báo tuyển sinh thì học sinh đã nhập học vào trường dân lập. Khi nhập học thì phụ huynh đã đóng chi phí lớn ở trường dân lập nên đến khi trường tuyển sinh thì phụ huynh không thể rút được hồ sơ và tiền từ trường dân lập để nhập học vào trường”, chị Trần Thị Bích Liên nhấn mạnh.
Hiệu trưởng Trường Mầm non 20-10 (Hoàn Kiếm) Vũ Thị Kim Thanh cũng bày tỏ sự khó khăn từ thực tiễn của đơn vị. Trước đây khi chưa được công nhận mô hình chất lượng cao, nhà trường tuyển sinh 1.000 học sinh/năm, nhưng nay áp dụng mô hình chất lượng cao thì chỉ tuyển sinh 340 học sinh. Việc này là phía học sinh có lợi, nhưng gánh nặng cho cán bộ quản lý khi nguồn tài chính thu từ phụ huynh học sinh chưa bảo đảm thu nhập cho đội ngũ giáo viên và khuyến khích đội ngũ này tâm huyết, cống hiến.
Qua nắm bắt thực tiễn, mô hình chất lượng cao đối với trường mầm non cũng còn nhiều trở ngại, bởi trên cùng một địa bàn phường có nhiều trường mầm non công lập và ngoài công lập được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, đạt chuẩn quốc gia với mức học phí thấp hơn nhiều lần so với trường mầm non chất lượng cao. Các trường chất lượng cao tăng học phí theo lộ trình để bảo đảm cân đối thu - chi, dẫn đến tuyển học sinh giảm. Cùng với đó, khả năng cạnh tranh với các trường ngoài công lập, trường có yếu tố nước ngoài còn hạn chế do chưa được sử dụng chương trình giáo dục bản quyền nước ngoài. Các trường tự chủ về tài chính áp dụng nộp thuế thu nhập như một doanh nghiệp cũng thêm khó khăn cho các trường.
(Còn nữa)