WHO cảnh báo bùng phát những bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin
Ngày 24-4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo việc cắt giảm tài trợ y tế toàn cầu đang dẫn đến sự gia tăng các đợt bùng phát dịch bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin.
WHO, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Liên minh vắc xin Gavi lo ngại, nỗ lực tiêm chủng ngày càng bị đe dọa trước những thông tin sai lệch, gia tăng dân số, khủng hoảng nhân đạo và cắt giảm tài trợ. Tình trạng này đang tác động đến hàng triệu trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành.
Bệnh sởi đang quay trở lại khi số ca mắc đã tăng kể từ năm 2021, một phần do hoạt động tiêm chủng bị ảnh hưởng trong và sau đại dịch Covid-19. Số ca mắc căn bệnh này ước tính lên đến 10,3 triệu ca trong năm 2023, tăng 20% so với năm 2022.

Xu hướng này có khả năng tiếp tục xảy ra ở năm 2025, khi các đợt bùng phát gia tăng trên toàn thế giới. Trong 12 tháng vừa qua, 138 quốc gia đã báo cáo các trường hợp mắc sởi, với 61 quốc gia trải qua những đợt bùng phát lớn.
Các trường hợp viêm màng não ở châu Phi cũng tăng mạnh trong năm 2024 và tiếp tục tăng trong năm 2025. Chỉ riêng 3 tháng đầu năm nay, hơn 5.500 trường hợp nghi mắc và gần 300 ca tử vong đã được báo cáo tại 22 quốc gia.
Số ca mắc sốt vàng da ở châu Phi cũng đang gia tăng, với 124 ca được xác nhận ở 12 quốc gia vào năm 2024. Khu vực châu Mỹ cũng ghi nhận các đợt bùng phát căn bệnh này kể từ đầu năm nay, với tổng cộng 131 ca ở 4 quốc gia.
Nhìn chung, các đợt bùng phát những căn bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin như sởi, viêm màng não và sốt vàng da đang gia tăng trên toàn cầu. Trong khi đó, các bệnh như bạch hầu, vốn đã được ngăn chặn từ lâu hoặc hầu như biến mất ở nhiều quốc gia, cũng có nguy cơ bùng phát trở lại.
Những đợt bùng phát này xảy ra trong bối cảnh cắt giảm tài trợ y tế toàn cầu. WHO cho biết, gần một nửa trong số những quốc gia thu nhập thấp và trung bình thấp đang phải đối mặt với tình trạng gián đoạn các chiến dịch tiêm chủng và tiếp cận nguồn cung. Hoạt động giám sát dịch bệnh, bao gồm những bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin, cũng bị ảnh hưởng ở hơn một nửa số quốc gia.
Số lượng trẻ em không được tiêm vắc xin định kỳ cũng đã tăng trong những năm gần đây, với ước tính 14,5 triệu trường hợp ở năm 2023, tăng từ mức 13,9 triệu được ghi nhận năm trước đó. Hơn một nửa số trẻ em này sống tại những quốc gia nhiều bất ổn, nơi việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản thường bị gián đoạn.
Để ứng phó, UNICEF, WHO và Gavi đang kêu gọi sự chú ý, cùng đầu tư khẩn cấp và bền vững, để tăng cường các chương trình tiêm chủng và bảo vệ những tiến bộ đáng kể đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em 50 năm qua.
Việc tiếp tục đầu tư vào “Sáng kiến Big Catch-Up” được công bố năm 2023 nhằm hỗ trợ những trẻ em chưa được tiêm vắc xin trong đại dịch Covid-19, cũng như các chương trình tiêm chủng thường xuyên khác, được đánh giá đóng vai trò rất quan trọng.
(Theo WHO, United Nations)