Tọa đàm “Viết tiếp bản hùng ca” chia sẻ câu chuyện của phóng viên chiến trường
“Viết tiếp bản hùng ca” chia sẻ câu chuyện của những phóng viên chiến trường kể về những năm tháng gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi tự hào của những người làm báo.
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), chiều 24-4, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tổ chức chương trình gặp mặt, tọa đàm với chủ đề “Viết tiếp bản hùng ca” nhằm tri ân đội ngũ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên và nhân viên của TTXVN đã từng tham gia các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế ở Lào và Campuchia.

Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cùng các đại biểu và 430 cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên và nhân viên của TTXVN tham gia kháng chiến chống Mỹ, các cuộc chiến bảo vệ biên giới và làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào, Campuchia.
Chương trình được kết nối trực tuyến tại 3 điểm cầu: Trung tâm Thông tấn quốc gia tại Hà Nội; Trung tâm Thông tin TTXVN khu vực miền Trung - Tây Nguyên tại Đà Nẵng và Trung tâm Thông tin TTXVN khu vực phía Nam tại thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại gặp mặt, tọa đàm, Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang cho biết, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các phóng viên Việt Nam thông tấn xã ở miền Bắc luôn bám sát thực tiễn sản xuất, chiến đấu. Tại miền Nam, ngày 12-10-1960, bản tin đầu tiên của Thông tấn xã Giải phóng đã đánh dấu sự ra đời của tiếng nói chính thức từ chiến trường, góp phần quan trọng trong việc truyền tải thông tin, cổ vũ phong trào cách mạng.

Từ năm 1960-1975, Thông tấn xã Giải phóng đã nhận được hơn 450 lượt cán bộ, phóng viên chi viện từ Việt Nam thông tấn xã, sát cánh cùng các lực lượng vũ trang, liên tục phát đi những bản tin khẩn, tiếp thêm ý chí cho đồng bào, chiến sĩ ở cả hậu phương và tiền tuyến.
Đỉnh cao là ngày 30-4-1975 - một dấu mốc lịch sử thiêng liêng khi Việt Nam thông tấn xã đã vinh dự phát đi những hình ảnh, dòng tin đầu tiên về thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do và thống nhất đất nước.
“Để có mùa xuân lịch sử ấy, gần 260 cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên của TTXVN đã hy sinh hoặc mang thương tật. Những mất mát đó mãi mãi được khắc ghi trong lịch sử vẻ vang của ngành”, nhà báo Vũ Việt Trang chia sẻ.
Bước sang thời kỳ đổi mới và hội nhập, kế thừa truyền thống hào hùng, các thế hệ TTXVN tiếp tục xông pha ở những điểm nóng, sự kiện trọng đại của đất nước và thế giới, với tinh thần đổi mới, sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, tạo nên các sản phẩm báo chí hiện đại, chất lượng cao, được vinh danh ở các giải thưởng lớn. Với hơn 1.000 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên hoạt động toàn diện trên các nền tảng, TTXVN đang cung cấp hơn 60 sản phẩm thông tin đa dạng, đóng góp tích cực cho sự phát triển của nền báo chí nước nhà.
Chương trình gặp mặt, tọa đàm “Viết tiếp bản hùng ca” gồm hai phần. Phần thứ nhất là những câu chuyện của chính những phóng viên chiến trường kể về những năm tháng gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi tự hào của những người làm thông tấn cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cũng là để tưởng nhớ các liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Phần thứ hai, các đại biểu chia sẻ về thời kỳ đất nước thống nhất và bước vào giai đoạn mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện nghĩa vụ quốc tế “giúp bạn là giúp mình” tại Lào và Campuchia. Các đại biểu cũng chia sẻ những câu chuyện về sự hy sinh thầm lặng và nhiệt huyết của những người làm báo thông tấn trong những hoàn cảnh đầy thử thách như đại dịch Covid-19, cơn bão Yagi...

Tại buổi gặp mặt và tọa đàm đã diễn ra Lễ trao tặng kỷ vật chiến trường cho phòng Truyền thống của TTXVN. Những kỷ vật giản dị ấy đã theo dấu chân của các phóng viên, kỹ thuật viên trên các chiến trường từ Nam ra Bắc, minh chứng cho sự hy sinh, cống hiến và tình yêu Tổ quốc, yêu nghề của các thế hệ đi trước.
Nhân dịp này, Nhà xuất bản Thông tấn đã ra mắt cuốn sách ảnh song ngữ Việt - Anh “80 năm Thông tấn xã Việt Nam”.