Thế giới

Kinh tế Đức nguy cơ trì trệ năm thứ 3 liên tiếp

Thương Nguyệt (Theo RT, Tân Hoa xã) 23/04/2025 - 17:22

Nước Đức đang phải đối mặt với năm thứ 3 liên tiếp trì trệ kinh tế sau động thái áp thuế đối ứng của Mỹ, cũng như sự bất ổn ngày càng tăng trong chính sách thương mại của xứ Cờ hoa.

Đầu tháng 4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế 20% đối với hàng hóa của Liên minh châu Âu (EU), 25% đối với các mặt hàng thép, nhôm và ô tô nhập khẩu để giải quyết tình trạng mất cân bằng trong lĩnh vực thương mại giữa hai bên.

Trong khi EU lên kế hoạch trả đũa bằng cách áp thuế 25% đối với nhiều hàng hóa của Mỹ, Tổng thống Donald Trump bất ngờ tuyên bố tạm hoãn chính sách thuế đối ứng trong 90 ngày để đàm phán. Tuy nhiên, mức thuế cơ sở 10% vẫn được áp dụng.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Đức đã điều chỉnh dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2025 của nước này xuống 0%, giảm so với mức 0,3% được đưa ra hồi tháng 1.

kinhteduc.jpg
Kinh tế Đức đối mặt viễn cảnh ảm đạm trong bối cảnh thương mại toàn cầu bất ổn do chính sách thuế quan của Mỹ. Ảnh: Tân Hoa xã

Đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử nền kinh tế lớn nhất EU không tăng trưởng trong 3 năm liên tiếp, sau khi suy giảm ở các năm 2023 và 2024. Chính phủ Đức kỳ vọng, kinh tế quốc gia này sẽ có sự phục hồi nhẹ vào năm 2026, với mức tăng trưởng hiện được dự báo là 0,9%, giảm so với ước tính 1,1% trước đó.

Dữ liệu từ Cục Thống kê Liên bang cho thấy, Mỹ là quốc gia đối tác thương mại hàng đầu của Đức ở năm 2024, khiến những tác động tiềm tàng trong chính sách thuế quan của Washington trở nên đặc biệt đáng lo ngại.

Trước đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đã giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế Đức năm 2025 xuống mức 0%, dự đoán quốc gia này sẽ là nền kinh tế G7 duy nhất trì trệ ở năm nay do các ngành công nghiệp xuất khẩu của Đức đặc biệt dễ bị tổn thương trước căng thẳng thương mại toàn cầu.

Sự không chắc chắn về thuế quan đã thúc đẩy các công ty Đức trì hoãn đầu tư cho đến khi tình hình trở nên rõ ràng hơn, dẫn đến những thay đổi trong các dự báo. Nếu mức thuế quan 20% của Mỹ chính thức được ban hành, tăng trưởng kinh tế Đức có thể giảm xuống mức thấp hơn nữa. Viện Kinh tế thế giới Kiel và Viện Nghiên cứu kinh tế Ifo trước đó ước tính, kinh tế Đức có thể suy giảm 0,3% theo kịch bản này.

Viện Kinh tế Đức (IW) cũng từng cảnh báo, chính sách thuế quan của Mỹ có thể khiến sản lượng kinh tế Đức giảm 290 tỷ euro (tương đương 330 tỷ USD) trong 4 năm, đồng thời dự báo, GDP hằng năm của nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ thiệt hại 1,6% ở năm 2028.

IW thúc giục EU phản ứng quyết liệt, cho rằng, sự trả đũa có thể mở rộng ngoài hàng hóa để bao gồm các công ty kỹ thuật số của Mỹ và những lĩnh vực dịch vụ khác. Với thặng dư dịch vụ đáng kể giữa Mỹ và EU, các biện pháp như vậy có thể hiệu quả hơn, thay vì chỉ nhắm vào thương mại hàng hóa.

Hiệu suất kinh doanh kém đã làm tăng thêm sự u ám đối với nền kinh tế Đức. Tuy nhiên, một số bất ổn có thể giảm bớt sau khi Quốc hội Đức phê duyệt quỹ cơ sở hạ tầng trị giá 500 tỷ euro (tương đương 570 tỷ USD) và thông qua các biện pháp cải cách phanh nợ (cơ chế kiểm soát nợ công và thâm hụt) hồi giữa tháng 3.

Những dự báo về kinh tế Đức thời gian tới có thể sẽ thay đổi tùy vào động thái tiếp theo của Tổng thống Donald Trump, cũng như kết quả các cuộc đàm phán giữa EU và Mỹ.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen từng đề xuất một thỏa thuận “0% đổi 0%”, tức không thuế đối ứng đối với hàng hóa công nghiệp giữa EU và Mỹ. Dù vậy, Tổng thống Donald Trump đã từ chối với lập luận đề xuất này là chưa đủ và yêu cầu EU mua 350 tỷ USD năng lượng của Mỹ để đổi lấy việc được giảm thuế.