Hà Nội: 100% vụ ngộ độc thực phẩm tại các trường đại học được điều tra, xử lý kịp thời
UBND thành phố Hà Nội có kế hoạch về chuyên đề "Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể, căng tin trong các trường đại học, học viện, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp" trên địa bàn thành phố năm 2025.

Theo đó, các đối tượng triển khai chuyên đề gồm: Các bếp ăn tập thể, căng tin, các cơ sở, đơn vị cung cấp suất ăn cho bếp ăn tập thể, căng tin, trong các trường đại học, học viện, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp (các trường); cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, thực phẩm cung cấp nguồn nguyên liệu chế biến thực phẩm cho bếp ăn tập thể tại các trường; lãnh đạo nhà trường, người quản lý bếp ăn tập thể, căng tin và chủ cơ sở, người quản lý an toàn thực phẩm của đơn vị cung cấp suất ăn, cung cấp nguyên liệu chế biến thực phẩm cho bếp ăn tập thể, căng tin. Đối tượng triển khai còn có: Người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm, sinh viên sử dụng dịch vụ ăn uống tại bếp ăn tập thể, căng tin trong các trường.
Để làm tốt việc này, thành phố sẽ tiến hành đánh giá điều kiện về cơ sở vật chất, điều kiện trang thiết bị, điều kiện con người, điều kiện bảo quản, vận chuyển và nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm; đánh giá kiến thức, thái độ, thực hành của người lãnh đạo quản lý, người chế biến kinh doanh, người tiêu dùng tại bếp ăn tập thể, căng tin trong các trường đại học, học viện, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp; xét nghiệm nhanh một số mẫu đánh giá chế độ vệ sinh dụng cụ, nguyên liệu chế biến thực phẩm.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về an toàn thực phẩm thông qua các chương trình truyền thông qua mạng xã hội và website của nhà trường, Facebook, Zalo, Instagram; phát sóng video, clip về nội dung trên phát trên các màn hình trong trường, tại các khu vực ăn uống, thư viện hoặc trên các nền tảng trực tuyến của nhà trường và trong các môn học liên quan đến dinh dưỡng, sức khỏe cộng đồng, khoa học đời sống...
Thành phố cũng triển khai thực hiện công tác tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm và hướng dẫn khám sức khỏe cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm/cam kết an toàn thực phẩm; công tác kiểm tra giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Song song đó, tăng cường công tác xử lý vi phạm và công khai kết quả kiểm tra; công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm, bảo đảm 100% các vụ ngộ độc thực phẩm, sự cố về an toàn thực phẩm được điều tra xử lý kịp thời, không để tử vong do ngộ độc thực phẩm. Truy xuất nguồn gốc gây ra ngộ độc thực phẩm, thực hiện ghi chép sổ theo dõi thống kê ngộ độc thực phẩm theo qui định. Cung cấp đường dây nóng tiếp nhận phản ánh sự cố an toàn thực phẩm, mất an ninh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.
UBND thành phố giao Sở Y tế là cơ quan thường trực thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm định kỳ, đột xuất tại bếp ăn tập thể, căng tin trong các trường đại học, học viện, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp trên địa bàn thành phố; đề xuất xử lý vi phạm theo quy định; hướng dẫn, giám sát kiểm tra, đôn đốc quận, huyện, thị xã phối hợp tổ chức triển khai, thực hiện chuyên đề theo kế hoạch; cung cấp các thông tin, phối hợp xây dựng nội dung truyền thông về an toàn thực phẩm để thực hiện truyền thông.