Xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân:Lành mạnh hóa quyền cá nhân trên không gian số
Lộ, lọt, đánh cắp, buôn bán thông tin cá nhân trên không gian mạng vẫn diễn ra. Nhận thức về bảo vệ dữ liệu cá nhân còn hạn chế. Do vậy, việc xây dựng luật bảo vệ dữ liệu cá nhân là rất cần thiết.
Đánh cắp, buôn bán thông tin cá nhân tràn lan trên mạng

Theo Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 - Bộ Công an), người dùng còn nhận thức hạn chế về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Nhiều người vô tư chia sẻ thông tin cá nhân, đăng hình ảnh trên mạng mà không biết rằng có thể trở thành “mồi” cho hệ thống thu thập tình báo mạng… Cục A05 nhận được rất nhiều phản ánh của người dân bị lừa đảo qua mạng. Trong đó, có trường hợp bị lừa đảo số tiền rất lớn.

Qua vụ sữa giả mà cơ quan công an vừa khởi tố, điều tra, một câu hỏi đặt ra là tại sao đối tượng làm hàng giả lại biết được thông tin từng nhóm khách hàng, như người có tuổi, phụ nữ có thai hay đang nuôi con nhỏ, để liên hệ, dụ dỗ…? Điều này cho thấy, tình trạng lộ, lọt, đánh cắp, buôn bán thông tin cá nhân trên không gian mạng vẫn đang diễn ra.
Cũng theo đại diện Cục A05, ngày càng nhiều chủ thể thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu cá nhân cho mục đích khác nhau nhưng không thông báo cho khách hàng hoặc để xảy ra hành vi vi phạm về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Nhiều dịch vụ trên không gian mạng mới xuất hiện, có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích thông tin, dữ liệu cá nhân nhưng không có cơ chế quản lý dữ liệu người dùng.

Theo Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục A05, an ninh dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân gắn kết chặt chẽ với an ninh con người, an ninh quốc gia và chủ quyền dữ liệu quốc gia. Do vậy, việc xây dựng và hoàn thiện Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là yêu cầu cấp bách, góp phần bảo vệ bí mật cá nhân, quyền con người, quyền công dân, an ninh mạng, đồng thời bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Ông Nguyễn Minh Chính cũng cho biết, Bộ Công an đã khẩn trương tham mưu Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV tháng 5-2025.
Để dự thảo luật bảo đảm phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số

Thiếu tá Đào Đức Triệu, Phó Tổng thư ký Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA) thông tin, dự thảo Luật Dữ liệu cá nhân được định hướng xây dựng trên tinh thần tiếp nối Nghị định số 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhưng ở cấp độ cao hơn, đồng bộ và mang tính nền tảng.
Đồng tình với việc luật hóa quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân, đại diện Ban Pháp chế (Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội - Viettel) cho biết, Viettel hiện có 75 đơn vị phụ thuộc và 15 công ty thành viên, trong đó, có 10 đơn vị có hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ gắn với khách hàng cá nhân.
Vì vậy, các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân có thể tác động rất lớn đến doanh nghiệp về nguồn lực con người cũng như tài chính.
Viettel ước tính, năm 2025 doanh thu của tập đoàn và các đơn vị dự kiến giảm khoảng 1.300 tỷ đồng, tương đương 30%. Dự kiến đến năm 2030, doanh thu giảm 8.800 tỷ đồng, tương đương khoảng 46% doanh thu các dịch vụ có sử dụng dữ liệu cá nhân. Chưa kể, trong thời gian nâng cấp hệ thống, việc cung cấp dịch vụ có thể bị gián đoạn, ảnh hưởng không đo đếm được. Do đó nên cân nhắc chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi luật thực thi.
Bên cạnh đó, đại diện Viettel đề xuất bổ sung cơ chế kiểm soát việc lạm dụng quyền của chủ thể dữ liệu, cho phép thỏa thuận thời hạn thực hiện quyền yêu cầu của chủ thể dữ liệu, thu phí hợp lý, và từ chối yêu cầu vô lý; quy định rõ: “Dữ liệu cá nhân không được mua, bán trừ trường hợp chủ thể dữ liệu đồng ý”. Ngoài ra cho phép doanh nghiệp tự quyết biện pháp kỹ thuật mã hóa dữ liệu cá nhân phù hợp thông lệ quốc tế.
Thiếu tá Đào Đức Triệu cho hay, tinh thần, quan điểm đầu tiên trong việc xây dựng dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là lành mạnh hóa quyền cá nhân trên không gian số, góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số, khắc phục vấn đề bất cập.
“Chúng tôi đã tiếp thu góp ý của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để hoàn thiện dự thảo luật”, Phó Tổng thư ký NCA cho biết.
Sáng 23-4, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA) tổ chức tọa đàm “Góp ý dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân” với mục tiêu hoàn thiện dự thảo Luật, trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tháng 5-2025.
Dự thảo Luật gồm 7 chương, với 69 điều, quy định đầy đủ về nguyên tắc xử lý dữ liệu, quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu và bên liên quan, chuyển dữ liệu ra nước ngoài, đánh giá tác động dữ liệu, xếp hạng tín nhiệm bảo vệ dữ liệu, xử lý vi phạm và cơ chế kiểm tra, giám sát.
Dự thảo cũng đề xuất điều chỉnh cả các tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động thu thập, xử lý dữ liệu công dân Việt Nam.