Việt Nam nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển(*)
Sáng 23-4, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “50 năm Thống nhất đất nước: Vai trò kiến tạo của Ngoại giao trong lịch sử và hiện tại”. Chủ tịch nước Lương Cường dự và có bài phát biểu định hướng quan trọng.
Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu:

- Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ!
- Thưa các đồng chí đại biểu, các vị khách quý!
- Thưa toàn thể Hội thảo!
Trong không khí hào hùng, sôi động của những ngày tháng Tư lịch sử của dân tộc Việt Nam, hôm nay, tôi rất vui mừng đến dự Hội thảo quốc tế “50 năm thống nhất đất nước: Vai trò kiến tạo hòa bình của ngoại giao trong lịch sử và hiện tại”.
Trước hết, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi trân trọng gửi tới các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương; các bậc lão thành cách mạng, nhân chứng lịch sử; các nhà khoa học; đại biểu đại diện các đoàn ngoại giao, tổ chức quốc tế, cùng toàn thể các đồng chí và các vị khách quý lời chào mừng nồng nhiệt và lời chúc tốt đẹp nhất.
Thưa các vị đại biểu, khách quý!
1. Mỗi quốc gia, dân tộc trên thế giới, dù lớn hay nhỏ, nói chung đều trải qua những thời khắc mang tính bước ngoặt, những ngã rẽ lịch sử quyết định vận mệnh và con đường phát triển của mình. Đối với Việt Nam, chiến thắng 30-4-1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam là một sự kiện vô cùng trọng đại trong lịch sử dân tộc. Từ đây, đất nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất, non sông thu về một mối; dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên lịch sử mới - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IV (năm 1976) đã khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp kháng chiến (chống Mỹ) cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang sử chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người”[1]. Trong chiến thắng lịch sử đó có đóng góp to lớn của ngoại giao Việt Nam.
Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng ý nghĩa lịch sử và những bài học sâu sắc từ chiến thắng 30-4-1975 đối với ngoại giao Việt Nam trong kiến tạo hòa bình, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta vẫn còn nguyên giá trị, mang tính dân tộc và tính thời đại sâu sắc.
2. Nhìn lại lịch sử cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, thống nhất đất nước của Nhân dân Việt Nam, chúng ta càng nhận thức rõ ràng hơn về vai trò rất quan trọng của công tác ngoại giao. Ngay khi đất nước giành được độc lập (năm 1945), Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã gửi nhiều điện, thư đến các vị nguyên thủ, ngoại trưởng của các nước Mỹ, Trung Quốc, Liên Xô và Liên hợp quốc, thể hiện rõ tinh thần “Việt Nam sẵn sàng làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”[2].
Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Việt Nam - một nước nhỏ, lạc hậu và bị chiến tranh tàn phá nặng nề, lại buộc phải bước vào cuộc chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Một lần nữa, sức mạnh của lòng yêu nước, ý chí quật cường, quyết tâm sắt đá với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của toàn dân tộc lại tỏa sáng. Trong cuộc chiến đấu không cân sức với quân xâm lược giàu mạnh hơn nhiều lần, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã sớm xác định, cần kết hợp chặt chẽ các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao. Trong Nghị quyết của Bộ Chính trị năm 1969 đã xác định: “Ngoại giao đã trở thành một mặt trận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược”[3]. Kể từ đây, ngoại giao đã trở thành công cụ quan trọng, góp phần phân hóa kẻ địch, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế và lan tỏa tính chính nghĩa về cuộc đấu tranh của Nhân dân Việt Nam tới thế giới.
Tầm nhìn và tư duy sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác đối ngoại đã được đưa ra đúng thời điểm, rất phù hợp với bối cảnh quốc tế khi đó. Đặc biệt, sự nổi lên của các “dòng thác cách mạng”, nhất là phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, phong trào công nhân quốc tế, cùng sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới là những điều kiện căn bản giúp ngoại giao Việt Nam kết hợp với sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
3. Vai trò kiến tạo hòa bình của ngoại giao Việt Nam được thể hiện xuyên suốt các giai đoạn lịch sử, từ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đến xây dựng và phát triển đất nước trong thời bình.
Trước hết, ngoại giao đã huy động được sự ủng hộ to lớn cả vật chất và tinh thần từ các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân tiến bộ trên thế giới, tạo nên phong trào quốc tế rộng lớn chưa từng có ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Nhân dân Việt Nam. Qua các hoạt động ngoại giao tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc, Lào, Campuchia, các nước xã hội chủ nghĩa và bạn bè quốc tế đã dành cho nhân dân Việt Nam sự ủng hộ, giúp đỡ chí nghĩa, chí tình. Hàng triệu người từ những nhà lãnh đạo, chính khách như Chủ tịch Cuba Fidel Castro, Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme cho đến cả người dân ở chính nước Mỹ, đã xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Cùng với đồng bào trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài đã nêu cao tinh thần yêu nước, tham gia kháng chiến với nhiều hình thức. Nhiều bà con đã tình nguyện hồi hương, đem kiến thức và tài sản của mình góp phần cứu nước. Trong lịch sử thế kỷ XX, hiếm có cuộc đấu tranh của dân tộc nào lại quy tụ được sự ủng hộ rộng khắp và mạnh mẽ cả ở trong và ngoài nước như dân tộc Việt Nam chúng ta.
Hai là, ngoại giao đã phối hợp nhuần nhuyễn, chặt chẽ với mặt trận quân sự và chính trị, mở ra cục diện “vừa đánh, vừa đàm”, qua đó giành thắng lợi từng bước, tạo tiền đề đưa sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đi đến toàn thắng. Với những chiến thắng to lớn của ta trên các chiến trường, đặc biệt là chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12-1972), buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Những cuộc đấu trí cam go trên bàn đàm phán Hội nghị Geneva năm 1954, Hội nghị Paris (từ năm 1968 - 1973) của các nhà chính trị, ngoại giao Việt Nam, tiêu biểu như đồng chí Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Duy Trinh, Xuân Thủy… đã đi vào sử sách, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, khiến đối phương phải nể phục. Hiệp định Paris năm 1973 đã trở thành đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam ở thời đại Hồ Chí Minh, hoàn thành một giai đoạn của cuộc kháng chiến là “Đánh cho Mỹ cút”[4]. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ngoại giao tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy các bên thực hiện Hiệp định, nhất là buộc Mỹ rút quân khỏi Việt Nam, tạo tiền đề quan trọng “Đánh cho Ngụy nhào”[5] vào ngày 30-4-1975, giành chiến thắng trọn vẹn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Ba là, ngoại giao đã góp phần quan trọng trong tái thiết đất nước, triển khai thắng lợi đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới, mở ra cục diện đối ngoại thuận lợi cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Khi đất nước vẫn chìm trong khói lửa đạn bom, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng trải thảm đỏ và rắc hoa cho Mỹ rút”[6]. Việc Việt Nam đối xử nhân đạo với các tù binh Mỹ, tiến hành trao đổi tù binh trong quá trình thực hiện Hiệp định Paris, tạo điều kiện thuận lợi để phía Mỹ di tản công dân, nhân viên quân sự trong những ngày cuối tháng 4-1975, và hợp tác tìm kiếm người Mỹ mất tích… là những cử chỉ thiện chí, tạo tiền đề để hai bên nối lại nhịp cầu hợp tác. Sau này, chính những cựu binh Mỹ đã từng tham chiến ở Việt Nam như John MacCain, John Kerry[7] là những người năng nổ và tích cực nhất trong thúc đẩy bình thường hóa và phát triển quan hệ với Việt Nam.
Sau 30-4-1975, ngoại giao tiếp tục làm rõ tính chính nghĩa của nhiệm vụ quốc tế cao cả của Việt Nam giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng; từng bước phá thế bao vây, cấm vận, góp phần đưa đất nước bước ra khỏi khó khăn về kinh tế - xã hội.
Trong 40 năm Đổi mới, ngoại giao đã có nhiều đóng góp thiết thực vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một đất nước lạc hậu, bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, đến nay Việt Nam nằm trong tốp 35 nền kinh tế hàng đầu về quy mô GDP, tốp 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Từ một nước bị bao vây, cô lập, Việt Nam nay đã có quan hệ ngoại giao với 194 nước, thiết lập được mạng lưới 34 nước có quan hệ đối tác toàn diện trở lên, trong đó có đầy đủ các nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, toàn bộ các thành viên G7, 18/20 nền kinh tế G20, tất cả các nước ASEAN.
Nếu như trong thời chiến, nhiệm vụ hàng đầu của công tác đối ngoại là đóng góp hết sức mình vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, thì trong thời bình, đối ngoại tham gia đi đầu trong kiến tạo hòa bình, bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, mở rộng không gian phát triển của đất nước và gắn kết quan hệ hữu nghị bền chặt, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi giữa Việt Nam với các quốc gia, đối tác quốc tế.
4. Nửa thế kỷ đã trôi qua, song cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã để lại cho ngoại giao nhiều bài học quý báu.
Đối với Việt Nam, đó là bài học về vận dụng sáng tạo tư tưởng và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh; nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; bám sát phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, luôn kiên định về mục tiêu chiến lược độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, song rất linh hoạt về sách lược; bài học về coi trọng sự phối chặt chẽ giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh, kinh tế và các lĩnh vực trọng yếu khác trong bảo vệ và xây dựng Tổ quốc; bài học về phát huy vai trò của người Việt Nam ở nước ngoài - bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam chúng ta.
Đối với bạn bè quốc tế, chiến thắng lịch sử 30-4-1975 và sự hồi sinh, phát triển mạnh mẽ của Việt Nam là hình mẫu điển hình của một dân tộc kiên cường, bất khuất, yêu chuộng hòa bình; hòa hiếu và rất nhân văn nhân nghĩa, nhân đạo, nhân tình.
Trong thắng lợi vĩ đại và những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ mới của dân tộc Việt Nam. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ, trân trọng, biết ơn sâu sắc đối với sự ủng hộ, đồng hành của bạn bè và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, trong đó có cả người dân Mỹ, đã sát cánh cùng Nhân dân Việt Nam đấu tranh vì hòa bình, lẽ phải và chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Thưa quý vị đại biểu, khách quý!
5. Thế giới đang chứng kiến nhiều thay đổi bước ngoặt, có tính lịch sử. Môi trường kinh tế, chính trị - an ninh quốc tế đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Xung đột, chiến tranh quy mô lớn vẫn đang xảy ra ở nhiều nơi, gây ra nhiều tổn thất cho người dân. Giữ vững hòa bình, đẩy lùi và ngăn ngừa chiến tranh, xung đột trở thành đòi hỏi cấp bách của thời đại.
Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng tương lai, vận mệnh của đất nước gắn liền với hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới. Bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, thịnh vượng, Việt Nam nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; nhất quán chính sách quốc phòng “4 không”; sẵn sàng đóng góp tích cực và chủ động vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu và nền văn minh nhân loại.
Với tinh thần đó, tôi kỳ vọng hội thảo hôm nay sẽ góp phần nhìn nhận, làm rõ những nhân tố, bài học, vai trò, và cả những đóng góp to lớn, nổi bật của ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất và phát triển đất nước. Đồng thời, gợi mở những hướng đi thiết thực để Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế chung tay kiến tạo và gìn giữ hòa bình bền vững ở khu vực và trên thế giới.
Thưa quý vị đại biểu, khách quý!
6. Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc là một sự kiện chính trị trọng đại, là thắng lợi mang ý nghĩa lịch sử của dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng là thắng lợi chung của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới; thể hiện khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc. Năm tháng dù trôi qua, tính thời đại và thời sự sâu sắc của “câu chuyện Việt Nam” vẫn vẹn nguyên, tỏa sáng những giá trị cao đẹp của hành trình tìm kiếm hòa bình bền vững, đối thoại, hàn gắn vết thương chiến tranh, hòa hợp dân tộc, tái thiết và phát triển.
Một lần nữa, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc những cống hiến to lớn, không mệt mỏi của các bậc lãnh đạo tiền bối, các đồng chí lão thành cách mạng, các thế hệ công chức, viên chức ngành Ngoại giao Việt Nam và đồng bào, đồng chí, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang nhân dân đã có đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.
Kính chúc các quý vị đại biểu tham dự Hội thảo mạnh khỏe, hạnh phúc.
Chúc Hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp.
Trân trọng cảm ơn!
---------------------------------------------------------------------------
[1] Văn kiện Đảng, Toàn tập, Tập 37, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.457.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.256
[3] Bộ Ngoại giao, Mặt trận ngoại giao với cuộc đàm phán Paris về Việt Nam, XXB Chính trị quốc gia H.2004
[4] Bài thơ chúc Tết Kỷ Dậu – 1969 của Chủ tịch Hồ Chí Minh
[5] Bài thơ chúc Tết Kỷ Dậu – 1969 của Chủ tịch Hồ Chí Minh
[6] Hồ Chí Minh, Tiểu sử. NXB LLCT. H2006. Tr 603-604.
[7] John MacCain, Thượng Nghị sỹ Hoa Kỳ từ 1987 – 2018; John Kerry, Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ nhiệm kỳ 2013 - 2017
(*) Đầu đề là của Báo Hànộimới