Sữa "cỏ", sữa giả tràn lan "chợ" mạng
Vừa qua, Bộ Công an đã phát hiện và công bố một đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng lớn, gây chấn động dư luận.
Trong thời gian dài, sản phẩm của gần 600 nhãn hiệu sữa giả đã được bán ra thị trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Vụ việc đang tiếp tục được làm rõ, song, trên các trang mạng, sàn thương mại điện tử, các loại sữa “cỏ” (sữa không có thương hiệu), nhái, không nguồn gốc xuất xứ vẫn được rao bán tràn lan.
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều tài khoản bán sữa trên sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki hoặc trên mạng xã hội Facebook, Tiktok vẫn đăng tải những hình ảnh, clip ghi lại lời các bác sĩ, chuyên gia tư vấn về dinh dưỡng nhằm thu hút khách hàng. Những sản phẩm sữa này đều được đặt những cái tên rất lạ, ghi nguồn gốc không rõ ràng trên bao bì. Chẳng hạn, sữa bổ sung canxi Colosmil, sữa xương khớp Galaxy, Pixilac xương khớp, sữa Goldlay Sure Gold, Galaxy xương khớp… có trọng lượng 900g mà chỉ có giá từ 150.000-190.000 đồng/hộp.

Dựa theo giới thiệu của người bán, đặc điểm chung của các sản phẩm sữa này đều ghi sản xuất tại Việt Nam, nguyên liệu nhập khẩu trực tiếp từ New Zealand, có lượng protein chất lượng cao, 28 vitamin và khoáng chất thiết yếu giúp cơ thể khỏe mạnh, giàu canxi, phosphor, vitamin D giúp xương chắc khỏe… Đối tượng mà các nhãn sữa này nhắm đến là trẻ em và người già, người đau ốm, với quảng cáo giúp người dùng tăng chiều cao, cân nặng, giảm tiểu đường, tốt cho tim mạch, bổ sung canxi…
Tại sàn thương mại điện tử Shopee, phóng viên dễ dàng đặt mua các sản phẩm sữa với giá rẻ hơn rất nhiều so với nhiều sản phẩm có thương hiệu. Cụ thể, sữa hạt Dr Ensure Gold organic 900g chỉ có giá 116.000 đồng/hộp, sữa bột Obisure sữa non tổ yến 900g giá 111.000 đồng/hộp… Tương tự, tại mạng xã hội Tiktok, sữa Goldlay canxi sure 900g giá 165.000 đồng/hộp, sữa gầy Gain Plus 900g giá 140.000 đồng/hộp, sữa hạt Dr Ensure gold organic 900g giá 127.000 đồng/hộp….
Chia sẻ với phóng viên, chị Lê Thị Diệp (quận Nam Từ Liêm), một nạn nhân của sữa “cỏ” cho biết, sau khi xem quảng cáo trên mạng xã hội Tiktok, chị đã mua 4 hộp sữa Pixilac xương khớp với giá chưa đến 200.000 đồng/hộp. Tuy nhiên, uống được 3 hộp, chị bị đau nhức chân, đi khám thì phát hiện cơ thể thiếu canxi nghiêm trọng. Trước đó, chị đi khám tổng quát, đã được cảnh báo là thiếu canxi, cần bổ sung bằng cách uống thuốc. Song do tin tưởng vào lời quảng cáo hàm lượng canxi trong sữa Pixilac cao, chị đã không uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ mà thay thế bằng 3 cốc sữa mỗi ngày.
Còn chị Nguyễn Thị Ngà (quận Hoàng Mai) dù đã được cảnh báo về nguồn gốc, chất lượng sữa giá rẻ nhưng vẫn tin vào lời truyền miệng. Được bạn bè rủ mua chung 5 thùng sữa hạt Dr Ensure Gold Organic để được giá rẻ, với quảng cáo đây là sản phẩm của hãng Abbott (Hoa Kỳ), mẫu mã chính hãng nên chị rất yên tâm sử dụng. Tuy nhiên, khi có nhiều người cảnh báo, chị Ngà điện thoại đến đại diện Abbott tại Việt Nam, mới biết hãng này không có loại sữa hạt đó và không có sản phẩm sữa nào có giá rẻ như vậy.
Các chuyên gia cho biết, từ nhiều năm qua, tình trạng sữa giả, sữa “cỏ”, sữa nhái các thương hiệu nổi tiếng đã trở thành vấn đề nhức nhối, nhưng việc kiểm tra, phát hiện của cơ quan chức năng vẫn còn bất cập.
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), công nghệ làm giả sữa ngày càng tinh vi khiến người tiêu dùng dù cẩn trọng cũng có thể bị lừa. Do đó, biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất là người tiêu dùng cần mua hàng tại các chuỗi sản xuất, phân phối chính hãng, tránh hàng “xách tay” hoặc mua tại gian hàng không được xác minh trên mạng.
“Quan trọng hơn, khung quản lý từ Nhà nước cần đủ mạnh và hiệu quả. Phải nhìn nhận thực tế là khâu thực thi và hậu kiểm còn yếu. "Cuộc chiến" chống sữa giả đòi hỏi sự vào cuộc toàn diện, trong đó, cần kiểm soát tốt năng lực hậu kiểm. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm xã hội cao hơn. Các nhà chuyên môn cần nâng cao đạo đức nghề nghiệp và người tiêu dùng cần trang bị kiến thức cho bản thân”, bác sĩ Hoàng nói.
Trước vụ việc sữa giả, mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành công điện hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là các sản phẩm sữa; kiến nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi phát ngôn, quảng cáo sai sự thật. Trước mắt, việc cần làm ngay là kiểm soát các loại sữa giả, nhái, sữa “cỏ” đang được bán tràn lan, rộng rãi, công khai trên “chợ” mạng để bảo vệ sức khỏe người dân.