Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, nâng cao hơn nữa chất lượng thảo luận tại kỳ họp Quốc hội
Sáng 23-4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 71/2022/QH15 ngày 15-11-2022 của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội.

Trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, Ban soạn thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội đã khẩn trương xây dựng hồ sơ dự thảo Nghị quyết để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV theo quy trình, thủ tục rút gọn.
Trong đó, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội quy định về trường hợp thật cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn thì ngày khai mạc kỳ họp thường lệ của Quốc hội có thể khác với các thời điểm đã được ấn định trong Nội quy và do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Không thể hiện trong Nội quy kỳ họp Quốc hội về tên cụ thể các cơ quan của Quốc hội để phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và bảo đảm tính ổn định của Nội quy kỳ họp Quốc hội; không quy định cứng trong Nội quy kỳ họp Quốc hội về việc trình bày báo cáo thẩm tra…

Thảo luận tại phiên họp, về phương án quy định chủ thể giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và trình tự xem xét, thông qua đối với các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung quy định về chủ thể giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và trình tự xem xét, thông qua đối với các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội để bảo đảm tương thích với quy trình xem xét, thông qua các nội dung thuộc công tác lập pháp trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, cơ quan trình chịu trách nhiệm chủ trì tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với các nội dung về kinh tế - xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, cần bổ sung quy định về việc Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp có thể đề nghị Quốc hội quyết định rút ngắn thời gian phát biểu của mỗi đại biểu tại phiên họp toàn thể của Quốc hội trong trường hợp có nhiều đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu. Trong đó, rút ngắn thời gian phát biểu của mỗi đại biểu còn 5 phút để nâng cao trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong tổng hợp và trình bày ý kiến.

Đồng tình với ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, Quốc hội đang thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), trước mắt, kỳ họp thứ chín sắp tới không trình bày báo cáo thẩm tra; tiếp tục thực hiện quy định Chính phủ phải gửi báo cáo giải trình ý kiến thảo luận tại Tổ đến đại biểu Quốc hội trước khi Quốc hội thảo luận tại phiên họp toàn thể…
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu việc sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội cần nâng cao hơn nữa chất lượng thảo luận; tăng cường tương tác với cử tri; bảo đảm tính kỷ luật, kỷ cương của đại biểu Quốc hội; bảo đảm giám sát việc thực hiện Nội quy kỳ họp đối với các cơ quan của Quốc hội.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ chín sắp tới.