''Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không'' - Bản hùng ca vang mãi

Đời sống - Ngày đăng : 10:18, 14/12/2022

Hà Nội mùa đông năm 1972 đã chứng kiến 12 ngày đêm khói lửa trong trận chiến "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không". Các phi công Sư đoàn Không quân 371 đã kiên cường đánh đuổi "pháo đài bay" B52 để bảo vệ vùng trời Hà Nội.

Máy bay B52 của Mỹ thời đó được mệnh danh là “Siêu pháo đài bay”, là một trong 3 vũ khí chiến lược của Mỹ để triển khai chiến tranh hiện đại, gồm: Máy bay ném bom B52, tàu ngầm nguyên tử và tên lửa hạt nhân. Đó là vũ khí chiến lược, hay còn gọi là “quả đấm thép” của Mỹ để triển khai cuộc chiến tranh hiện đại. Một chiếc B52 có thể “cõng” được 30 tấn bom, mỗi tốp 3 chiếc máy bay B52 có thể san bằng được một diện tích rộng chừng 2km2.

Máy bay B52 của Mỹ trong chiến dịch 12 ngày đêm đánh phá Hà Nội và các tỉnh, thành phố miền Bắc. Ảnh tư liệu

Mỗi lần B52 xuất kích còn có rất nhiều máy bay cường kích và tiêm kích khác bay cùng để yểm trợ như F4, F105... B52 cũng như các máy bay yểm trợ có hệ thống làm nhiễu sóng ra đa rất mạnh, đó là khó khăn rất lớn cho lực lượng Phòng không - Không quân của ta. Do che mắt được ta bằng hệ thống làm nhiễu như vậy, lại “cõng” được nhiều bom nên B52 được Mỹ tin tưởng về tính hiệu quả khi đưa ra miền Bắc đánh phá.

Thời điểm đó, mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh chiến dịch đưa ra, không quân phải cất cánh, tên lửa phải đánh, nếu không tiêu diệt được B52 thì phải xua đuổi, bằng mọi cách phải ngăn chặn để không cho máy bay địch vào Hà Nội; bảo vệ mục tiêu là trên hết.

Với tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất, chỉ trong 12 ngày đêm, từ ngày 18 đến 30-12-1972, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Chiến thắng đã buộc Chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Paris (27-1-1973) về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”, tạo bước ngoặt đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn, thực hiện trọn vẹn tư tưởng Hồ Chí Minh “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”; đồng thời, tỏa sáng bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Trong số 81 máy bay của không lực Mỹ bị bắn rơi khi đó, có tới 34 chiếc B52 bị quân dân các địa phương hạ gục; riêng quân và dân Thủ đô bắn rơi 23 chiếc. 

Chiếc máy bay B52 đầu tiên bị Tiểu đoàn 59, Trung đoàn Tên lửa 261 bắn rơi trên cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, huyện Đông Anh (Hà Nội) vào 20h13 ngày 18-12-1972. Ảnh tư liệu

Và cái tên Phạm Tuân đã đi vào lịch sử khi máy bay tiêm kích MIG-21 F96 mang số hiệu 5121 do ông lái đã bắn hạ siêu pháo đài bay B52 của Mỹ. Phạm Tuân đã trở thành phi công đầu tiên bắn rơi một máy bay B52 của Mỹ và trở về an toàn. 

Với chiến công làm rạng danh Không quân Việt Nam, ngày 3-9-1973, Phạm Tuân được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Khi ấy, ông mới 26 tuổi, mang quân hàm Thượng úy, Trung đoàn 921, Sư đoàn Không quân 371.

Trung tướng Phạm Tuân (đứng ở bìa trái) trò chuyện với giặc lái B52 của Mỹ. (Ảnh: TTXVN)

Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về những ngày này 50 năm trước như vẫn còn nguyên vẹn trong lòng người dân Thủ đô, trong đó có cựu phi công từng tham gia chiến đấu, bắn rơi máy bay Mỹ để bầu trời mãi xanh - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân. Nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng ký ức của ông về trận chiến 12 ngày đêm lịch sử trên bầu trời Hà Nội năm 1972 là ký ức hào hùng nhất.

Kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, trong Chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt "Bản hùng ca chiến thắng" lúc 20h ngày 17-12-2022, từ điểm cầu Cột cờ Hà Nội, Trung tướng Phạm Tuân sẽ chia sẻ nhiều câu chuyện xúc động về những tháng ngày lịch sử hào hùng đó.

Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh H1, H2; sóng phát thanh FM 90MHz; đồng thời, trực tuyến trên các nền tảng số của Đài Hà Nội vào lúc 20h ngày 17-12-2022.

Với sự kết hợp của nhiều loại hình nghệ thuật và báo chí, chương trình chính luận “Bản hùng ca chiến thắng” được xây dựng theo hình thức cầu truyền hình từ 3 điểm cầu: Cột cờ Hà Nội, Đài tưởng niệm Khâm Thiên, Trận địa tên lửa Chèm.

Chương trình sẽ đưa khán giả đi theo tiến trình lịch sử: Từ “Sự kiện vịnh Bắc Bộ” vốn được xem là “cái cớ” để Mỹ dùng không quân tiến hành đánh phá miền Bắc, đến những thời khắc đầy cam go tại Hội nghị Paris. Từ âm mưu quay lưng lại “tấm thảm” xanh bên bàn đàm phán đến âm mưu tạo ra những “tấm thảm” bom B52 đẫm máu. Trước đau thương mất mát, người Hà Nội tự tay cầm từng viên gạch ở Khâm Thiên, Bạch Mai, An Dương, Mễ Trì, Đông Anh… còn rớm máu và nóng hơi bom để xây đắp nên bức tường quyết thắng của lòng mình. 

Theo Vương Ngọc/HanoiTV