Việt Nam – Điểm đến tiềm năng của dòng vốn đổi mới sáng tạo
Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư vốn tư nhân Việt Nam 2025 do Tổ chức Phát triển đầu tư vốn tư nhân Việt nam (VPCA), Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG) thực hiện, đã đưa ra một bức tranh toàn cảnh thuyết phục: Việt Nam không chỉ sẵn sàng đón nhận vốn đầu tư, mà còn sẵn sàng dẫn dắt cuộc chơi.
Dòng vốn vẫn duy trì trong bối cảnh thị trường thắt chặt

Bất chấp nền kinh tế toàn cầu suy giảm và thị trường vốn thắt chặt, Việt Nam vẫn ghi nhận 2,3 tỷ USD vốn đầu tư được giải ngân qua 141 thương vụ trong năm 2024.
Mức độ sôi động của các thương vụ được hỗ trợ bởi các yếu tố nền tảng vững chắc, cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vẫn được duy trì trong bối cảnh dòng vốn đầu tư mạo hiểm và vốn cổ phần tư nhân toàn cầu suy yếu.
Cùng với đó, Việt Nam còn có một tổ hợp các yếu tố thuận lợi hiếm có, như tăng trưởng GDP đạt 7,1% trong năm 2024, cao hơn phần lớn các nền kinh tế châu Á. Quy mô nền kinh tế dự kiến đạt 1.100 tỷ USD vào năm 2035, gấp 2,5 lần hiện tại; 25 tỷ USD vốn FDI được giải ngân trong năm 2024, tăng 9% so với cùng kỳ; tầng lớp trung lưu dự kiến chiếm 46% dân số vào năm 2030; kinh tế số hiện đóng góp 18,3% GDP, hướng tới 35% vào năm 2030…
Mặc dù tổng giá trị vốn tư nhân giảm 35%, mức độ tham gia của các nhà đầu tư vẫn rất tích cực. Gần 150 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động trong năm 2024. Các thương vụ dưới 500.000 USD tăng 73% cho thấy sức bật của hệ sinh thái khởi nghiệp…
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang nổi lên là điểm đến của các lĩnh vực công nghệ thế hệ mới, khi đầu tư vào khởi nghiệp AI tăng gấp 8 lần so với năm trước; đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tăng gấp 9 lần; số lượng thương vụ công nghệ xanh tăng gấp đôi…
Ông Ben Sheridan, Giám đốc Toàn cầu khối Đầu tư - Tài chính tại BCG chia sẻ: “Chúng ta đang bước vào giai đoạn hoàng kim của vốn tư nhân tại Việt Nam”.
Còn đại diện Tập đoàn Nvidia cho biết, Việt Nam được chọn là nơi đầu tư chiến lược của tập đoàn. Việt Nam đang thu hút rất nhiều doanh nghiệp lớn của thế giới, phát triển các nhà máy thông minh, ứng dụng AI vào giải quyết nhiều vấn đề lớn, như ùn tắc giao thông, phát triển y tế...
Hệ sinh thái sẵn sàng cho quy mô lớn

Ảnh: Thanh Hiền
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm, Chính phủ xác định, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là “xương sống” của công cuộc hiện đại hoá, thúc đẩy tăng trưởng. Vì thế, thu hút và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực tư nhân đầu tư cho công nghệ là góp phần thực hiện khát vọng đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Việt Nam đang thúc đẩy cải cách mạnh mẽ trong lĩnh vực tài chính, từ tái cấu trúc thị trường vốn, định hướng xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, đến hoàn thiện khung pháp lý cho công nghệ chuỗi khối. Những bước tiến này góp phần tăng cường tính minh bạch trong dòng vốn, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư nước ngoài và từng bước tiến đến mục tiêu nâng hạng tín nhiệm quốc gia.
Bà Lê Hoàng Uyên Vy, Chủ tịch VPCA kiêm Giám đốc điều hành Do Ventures chia sẻ, Việt Nam đã chuyển mình từ một thị trường tiềm năng thành một quốc gia sẵn sàng bứt phá, nổi lên như một điểm đến cho tăng trưởng bền vững, đổi mới sáng tạo. Việt Nam hoàn toàn có cơ hội dẫn dắt làn sóng tăng trưởng tiếp theo tại châu Á trong bối cảnh bất định toàn cầu.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc kết nối, khơi thông nguồn vốn đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là xu hướng của thế giới.
"Chúng ta có thể thấy được tiềm năng và cơ hội của thị trường Việt Nam, từ những kết quả đã công bố tại Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư tư nhân 2025 đến những cam kết mạnh mẽ của các quỹ đầu tư, doanh nghiệp công nghệ và đối tác quốc tế qua việc ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư.
Tuy nhiên, chúng ta cần hành động nhanh chóng và quyết liệt để biến những cam kết, biên bản ghi nhớ thành quyết định đầu tư, hợp đồng hợp tác; biến những tiềm năng, lợi thế thành hiệu quả kinh tế", Phó Thủ tướng nêu.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đề nghị, các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tiếp tục đề xuất về thể chế, chính sách, nhằm tạo điều kiện cởi mở, thuận lợi cho các quỹ đầu tư tư nhân hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là các quỹ có danh mục đầu tư ưu tiên cho công nghệ mới nổi, công nghệ cao, công nghệ chiến lược.
Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý nhằm khuyến khích sáng tạo, thử nghiệm và thương mại hóa công nghệ, đồng thời tăng cường hợp tác, kết nối và chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Các bộ, ngành, các viện nghiên cứu, trường đại học, các trung tâm đổi mới sáng tạo tiếp tục đóng vai trò là cơ quan hỗ trợ, thúc đẩy, tạo “sân chơi” thông thoáng, rộng mở cho các doanh nghiệp, quỹ và tổ chức, cá nhân đầu tư vào đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Ngày 22-4, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Diễn đàn đầu tư đổi mới sáng tạo Việt Nam (VIPC) 2025 đã diễn ra.
Diễn đàn do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC - Bộ Tài chính) phối hợp với Tổ chức Phát triển đầu tư vốn tư nhân Việt Nam (VPCA) tổ chức. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng dự sự kiện.
Với chủ đề “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khơi thông nguồn vốn tư nhân, đưa Việt Nam vào kỷ nguyên vươn mình”, diễn đàn quy tụ hơn 1.000 đại biểu đại diện bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và hơn 200 nhà đầu tư trong, ngoài nước.
Các đại biểu đã tập trung thảo luận về các ngành trọng tâm, chính sách và tầm nhìn của Việt Nam, chia sẻ về cơ hội thoái vốn, cơ hội phát triển xuyên biên giới trong các lĩnh vực fintech, AI và deep tech, sản xuất công nghệ cao, phát triển thị trường vốn và mở rộng doanh nghiệp xuyên biên giới.
Cũng tại diễn đàn, NIC và VPCA đã ký kết loạt biên bản ghi nhớ song phương với 3 hiệp hội đầu tư hàng đầu châu Á, gồm: Hiệp hội Đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc (KVCA), Hiệp hội Đầu tư mạo hiểm và tư nhân Singapore (SVCA) và Hiệp hội Đầu tư mạo hiểm và tư nhân Hồng Kông (Trung Quốc).
3 tổ chức này hiện đang quản lý tổng tài sản lên tới 5.000 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên các tổ chức gọi vốn tư nhân chính của châu Á chính thức liên kết, tạo nên một khối đầu tư khu vực với mục tiêu chung và hành động phối hợp.