Khoa học - Công nghệ

Hà Nội thúc đẩy tiêu dùng xanh

Tin và ảnh Thu Hằng 22/04/2025 - 12:52

Sáng 22-4, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội phối hợp với Hội Nữ Trí thức Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học “Tiêu dùng xanh - Dán nhãn sản phẩm trong lĩnh vực thực phẩm và hàng tiêu dùng”.

2b.jpg
Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Thanh phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Thanh cho biết, tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt phổ biến tại các nước phát triển và đang lan tỏa mạnh mẽ sang các nước đang phát triển có thu nhập ở mức trung bình trở lên. Ở Việt Nam, tiêu dùng xanh là một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu tổng quát của chiến lược là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa cacbon và góp phần để Việt Nam đạt Net Zero vào năm 2050.

Thủ đô Hà Nội là một trong hai trung tâm kinh tế lớn và có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu 100% quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức về lối sống, tiêu dùng bền vững; 100% các khu, cụm công nghiệp và 70% các làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững; 70 - 80% các chợ truyền thống; 100% các siêu thị, trung tâm thương mại không sử dụng túi nilon khó phân hủy...

1a.jpg
Quang cảnh buổi hội thảo

Để đạt được các mục tiêu trên, thành phố tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác truyền thông; thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, phát triển hệ thống phân phối bền vững. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai hỗ trợ cung cấp thông tin, hướng dẫn, phổ biến cho người tiêu dùng về các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm được dán nhãn sinh thái, thân thiện môi trường; tiếp tục tổ chức chương trình liên kết, hợp tác bền vững giữa cơ sở phân phối bán lẻ với các nhà cung ứng về sản phẩm thân thiện môi trường kết hợp với phát động tiêu dùng xanh, bền vững.

Cuộc hội thảo được tổ chức nhằm hưởng ứng nội dung chỉ đạo của thành phố trong năm 2025 và chia sẻ góc nhìn khoa học trong một số vấn đề như: Tiêu dùng xanh trong lĩnh vực thực phẩm, hàng tiêu dùng; thực trạng và thách thức trong việc dán nhãn sản phẩm xanh tại Hà Nội và Việt Nam; vai trò của phụ nữ, hộ gia đình và cộng đồng, khu dân cư trong thúc đẩy tiêu dùng xanh...

5.jpg
TS. Phạm Thị Liên trình bày tham luận

Theo TS. Phạm Thị Liên (Hội Nữ Trí thức Hà Nội), xu hướng tiêu dùng xanh đang dần hình thành và phát triển tại Hà Nội qua các hành vi như: Lựa chọn thực phẩm hữu cơ, sử dụng bao bì phân hủy sinh học, hạn chế rác thải nhựa và tiêu dùng sản phẩm tái chế. Sự thay đổi này bắt nguồn từ nhóm cư dân trẻ, có trình độ học vấn cao, quan tâm đến sức khỏe và sẵn sàng chi trả cao hơn cho các sản phẩm bền vững.

Tiêu dùng xanh đã góp phần giảm gánh nặng lên hệ thống môi trường đô thị, nâng cao sức khỏe người dân, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong sản xuất và hỗ trợ hình thành nền kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, tiêu dùng xanh còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sống, góp phần xây dựng lối sống văn minh, có trách nhiệm và gắn kết cộng đồng.

TS Liên cho rằng, Hà Nội có đầy đủ tiềm năng để trở thành hình mẫu tiêu biểu trong việc phát triển tiêu dùng xanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều này, cần một chiến lược dài hạn, sự phối hợp đồng bộ và các giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những rào cản đang tồn tại. Ngoài những kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước, với doanh nghiệp, nhà sản xuất, với các tổ chức xã hội và cơ sở giáo dục, TS Liên mong muốn người tiêu dùng hãy chủ động tìm hiểu, lựa chọn sản phẩm xanh và ủng hộ các thương hiệu có trách nhiệm môi trường. Bên cạnh đó cần thay đổi thói quen tiêu dùng theo hướng tiết kiệm, tái sử dụng giảm thiểu rác thải và lan tỏa hành vi sống xanh trong xã hội.

“Việc đồng hành của toàn xã hội – từ nhà nước, doanh nghiệp đến người dân – chính là chìa khóa để xây dựng một Hà Nội xanh, bền vững và đáng sống trong tương lai” – TS Liên chỉ rõ.

7.jpg
TS. Nguyễn Văn Hải trình bay tham luận

TS. Nguyễn Văn Hải (Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng) cho rằng, một trong những công cụ hữu hiệu để thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh là hệ thống dán nhãn sản phẩm xanh. Điều này không chỉ giúp người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường mà còn tạo động lực cho doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm xã hội, cải tiến quy trình sản xuất và hướng tới phát triển bền vững.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai hệ thống nhãn xanh tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn gặp rào cản trong tiếp cận thông tin, thủ tục đăng ký và duy trì chứng nhận nhãn xanh do thiếu kiến thức chuyên môn, chi phí đầu tư cao và quy trình phức tạp. Bên cạnh đó, hệ thống pháp lý liên quan đến quản lý và giám sát các loại nhãn xanh còn thiếu đồng bộ và chưa có cơ chế kiểm tra hậu kiểm chặt chẽ, tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp lợi dụng để đánh bóng hình ảnh môi trường một cách sai lệch.

Theo TS Hải, Việt Nam cần sớm thực hiện các giải pháp cải cách toàn diện và đồng bộ, từ quy chuẩn pháp lý, hệ thống quản lý, cơ chế giám sát đến hỗ trợ doanh nghiệp và truyền thông xã hội, để nhãn sản phẩm xanh phát huy vai trò là công cụ thúc đẩy tiêu dùng bền vững, bảo vệ môi trường và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa xanh hiện nay.