Chuyển đổi “xanh” - cơ hội "vàng" nâng tầm du lịch ViệtBiến nhận thức thành hành động cụ thể
Phát triển du lịch “xanh” không chỉ là xu thế tất yếu của thế giới mà còn là đòi hỏi cấp thiết đối với Việt Nam nếu muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững và xây dựng thương hiệu quốc gia.
Đó là quan điểm được nhiều chuyên gia đồng thuận và trao đổi với phóng viên Hànộimới Cuối tuần.

Chủ tịch Liên Chi hội Du lịch Xanh Việt Nam Phùng Quang Thắng:

Phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất
Trong bối cảnh ngành Du lịch thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững, việc chuyển đổi sang du lịch “xanh” không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc nếu các doanh nghiệp Việt Nam muốn tồn tại và cạnh tranh ở thị trường trong nước lẫn quốc tế, nhất là khi khách quốc tế ngày càng có yêu cầu cao về trách nhiệm môi trường và xã hội.
Chuyển đổi sang du lịch “xanh” là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự chuẩn bị nghiêm túc từ mọi phía, gồm: Cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân và du khách. Mỗi bên giữ một vai trò riêng biệt nhưng gắn bó chặt chẽ, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong, trực tiếp triển khai các hoạt động thực tiễn.
Điều quan trọng là phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, từ quy trình quản lý, cách vận hành, cho đến ứng dụng công nghệ. Tất cả cần phù hợp với điều kiện thực tế của từng loại hình doanh nghiệp. Nếu không bắt đầu ngay hôm nay, du lịch Việt Nam sẽ bị bỏ lại phía sau trong khi các quốc gia khác đang tiến nhanh trong quá trình chuyển đổi bền vững.
Điểm mấu chốt là Việt Nam cần xây dựng Bộ tiêu chí du lịch “xanh” phù hợp với điều kiện thực tế. Hiện có rất nhiều tiêu chuẩn “xanh” quốc tế, nhưng nếu áp dụng dàn trải, không chọn lọc, sẽ dẫn đến hiệu quả thấp và khó triển khai trên diện rộng. Bộ tiêu chí cần thiết thực, dễ áp dụng và có thể mở rộng theo năng lực từng doanh nghiệp. Cùng với đó là vai trò của đội ngũ nòng cốt, gồm các doanh nghiệp có năng lực, định hướng rõ ràng để lan tỏa thông điệp “xanh” và truyền cảm hứng trong toàn ngành. Việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), cũng được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả chuyển đổi, từ tự động hóa quy trình, kiểm soát vận hành, đến đo lường cụ thể các chỉ số tiết kiệm năng lượng, giảm rác thải, tiết kiệm tài nguyên.
Có một thực tế là phần lớn doanh nghiệp du lịch Việt Nam hiện đã nhận thức được tầm quan trọng của du lịch “xanh”. Tuy nhiên, để biến nhận thức thành hành động cụ thể là chặng đường đầy thách thức. Sự chuyển đổi này phải bắt đầu từ người đứng đầu doanh nghiệp - những người có tầm nhìn, có khả năng dẫn dắt toàn bộ hệ thống cùng hướng đến mục tiêu “xanh”.
Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Quốc Trí:

Chưa có "nhạc trưởng" điều phối tổng thể
Dù nhiều địa phương, doanh nghiệp đã hành động nhưng bản đồ điểm đến “xanh” ở Việt Nam hiện vẫn còn rời rạc, thiếu sự kết nối và chưa hình thành một hệ sinh thái chung. Ai cũng nói cần một "nhạc trưởng", nhưng đến nay vẫn chưa có ai đứng ra điều phối tổng thể.
Hiện nay, dù đã có những doanh nghiệp tiên phong trong phong trào chuyển đổi du lịch “xanh”, nhưng số lượng doanh nghiệp thực sự hướng tới phát triển “xanh” vẫn chỉ là thiểu số. Vì vậy, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã ban hành Bộ tiêu chí “xanh” và vinh danh những đơn vị thực hiện tốt nhằm tạo ra một “sân chơi” chung và hình thành cộng đồng doanh nghiệp “xanh”. Mục tiêu trước mắt mà Hiệp hội đề ra là đến cuối năm 2025, ít nhất 50% doanh nghiệp du lịch có kế hoạch “xanh hóa”, bước đầu đặt nền móng cho hệ sinh thái du lịch bền vững.
TS Phạm Hà, Chủ tịch kiêm CEO Lux Group:

Cần tạo ra chuỗi giá trị “xanh”
Chuyển đổi “xanh” hay xây dựng “điểm đến xanh” đã trở thành một trong những hướng đi trọng tâm nhằm phát triển du lịch bền vững. Khái niệm chuyển đổi “xanh” không chỉ giới hạn trong nội bộ một doanh nghiệp mà phải là sự chuyển đổi toàn diện của cả điểm đến.
Điểm đến là một hệ sinh thái gồm: Cơ sở lưu trú, vận chuyển, nhà hàng, điểm tham quan, hướng dẫn viên... Tất cả cùng cấu thành nên một sản phẩm du lịch tổng thể. Do đó, việc xây dựng điểm đến “xanh” phải là nỗ lực đồng bộ giữa các bên, trong đó doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt. Đồng thời, người đánh giá cuối cùng chính là du khách. Khi du khách cảm nhận được sự khác biệt, thân thiện và trách nhiệm từ điểm đến, hiệu quả chuyển đổi “xanh” mới thực sự rõ ràng.
Tuy nhiên, để thực hiện chuyển đổi “xanh”, không thể chỉ dừng ở một vài hành động. Một doanh nghiệp muốn tham gia phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bắt đầu từ tầm nhìn của lãnh đạo. Mục tiêu “xanh” phải được đưa vào chiến lược dài hạn, kế hoạch phát triển, và sau đó là triển khai đến từng bộ phận, từng nhân viên. Quan trọng hơn, cần tạo ra một “chuỗi giá trị xanh”, tức là toàn bộ hành trình của du khách đều trải nghiệm dịch vụ “xanh” một cách đồng bộ. Điều này rất khó, bởi nếu chỉ một vài mắt xích “xanh” sẽ tạo cảm giác chắp vá. Xây dựng chuỗi giá trị xanh đòi hỏi sự cam kết lớn từ nhiều phía, và tinh thần đồng hành của các bên liên quan trong điểm đến.
Bản thân doanh nghiệp phải bắt đầu từ sự chuyển đổi thật sự từ bên trong. Nếu chỉ tham gia các chương trình mang tính hình thức, như dán nhãn “xanh” nhưng nội bộ chưa chuyển đổi, hiệu quả sẽ không cao. Doanh nghiệp phải đặt mục tiêu “xanh” trong chiến lược dài hạn, từ việc đầu tư vào công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng, đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường và cộng đồng.
Để phát triển du lịch “xanh” bền vững, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách nhà nước, đặc biệt là những chính sách khuyến khích đầu tư vào sản phẩm “xanh”, hỗ trợ truyền thông, quảng bá quốc tế.
Vai trò của điểm đến “xanh” trong việc thu hút khách quốc tế chi tiêu cao là cực kỳ rõ ràng. Ngày nay, du khách cao cấp không chỉ tìm kiếm sự tiện nghi, mà còn quan tâm đến trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường và giá trị văn hóa bản địa. Khi Việt Nam xây dựng được hình ảnh một điểm đến “xanh”, thân thiện, có trách nhiệm sẽ tạo dựng được lòng tin và sự yêu mến của du khách toàn cầu. Đó cũng chính là đòn bẩy để thương hiệu du lịch Việt Nam vươn tầm, cạnh tranh hiệu quả hơn trong khu vực và thế giới.