Hành trình từ chiến trường đánh Mỹ đến Giải thưởng Hồ Chí Minh của GS-TS Trương Hữu Chí
GS.TS Trương Hữu Chí, nguyên Viện trưởng Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp (Bộ Công Thương), là một trong các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực cơ khí – tự động hóa. Với tâm huyết và năng lực nghiên cứu xuất sắc, ông đã chủ trì và chỉ đạo thành công cụm công trình thiết bị cơ – điện – từ trong công nghiệp, góp phần hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm trong các ngành then chốt của nền kinh tế.

Những sáng kiến và ứng dụng của ông và đồng nghiệp không chỉ mang ý nghĩa khoa học – công nghệ mà còn có giá trị thực tiễn cao, phục vụ tích cực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với những cống hiến nổi bật, ông đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ – phần thưởng danh giá ghi nhận đóng góp to lớn của ông đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, trước khi trở thành nhà khoa học, ông Trương Hữu Chí cũng như bao thanh niên trước tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã xếp bút nghiên, viết đơn tình nguyện vào Nam chiến đấu. Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), Báo Hànộimới trân trọng trích đăng Hồi ký của GS.TS Trương Hữu Chí, nhằm giúp bạn đọc hiểu thêm về những ngày tháng hào hùng của dân tộc và những đóng góp của ông cùng đồng nghiệp cho sự phát triển sản xuất công nghệ cao ở Việt Nam.
Phần I: Từ nhà trường đến chiến trường
Tôi sinh ngày 20-9-1952 tại 55 phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Bố tôi là ông Trương Đắc Vinh, sinh năm 1905, là nhà thầu vận tải đường sông tại Hải Phòng, Quảng Ninh và Nam Định, nhưng đã bị phá sản khi quân đội Nhật phá hủy toàn bộ thiết bị vận chuyển trong đêm đảo chính Pháp năm 1945. Mẹ tôi bà Bùi Thị Thực, sinh năm 1919 tại Hà Nội.
Từ tháng 9-1960 đến tháng 5-1964, tôi theo học cấp 1 tại trường Lý Tự Trọng - Hà Nội. Từ tháng 9-1964 đến tháng 5-1965 tôi theo học lớp 5 tại trường Trưng Vương-Hà Nội. Từ tháng 9-1965 đến tháng 5-1966, tôi học lớp 6 tại trường cấp 2 xã Hồng Phong - huyện Thường tín - tỉnh Hà Tây. Từ tháng 9-1966 đến tháng 5-1967 tôi theo học lớp 7 tại trường cấp 2 xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Từ tháng 9-1967 đến tháng 5-1968 tôi theo học lớp 8 tại trường cấp 3 Thuận Thành - Bắc Ninh, sau khi kết thúc tốt cấp 2.
Từ tháng 9-1968 đến tháng 5-1970 tôi theo học 9B, 10B và kết thúc kỳ thi tốt nghiệp phổ thông với điểm cao nhất khoa tại trường cấp 3 Gang Thép tỉnh Thái Nguyên. Từ cuối năm 1970 đến tháng 3/1971 tôi phải điều trị dài ngày tại Bệnh viện tai mũi họng Hà Nội vì một khối u Sarcome xương tạo xương tại xoang sàng phải. Sau khi ra viện tôi đã ôn tập để dự thi Đại học năm 1971 và đã thi đỗ vào Đại học Bách Khoa Hà Nội và theo học lớp K16A CTM từ tháng 9/1971. Năm 1972 với khí thế hào hùng của đất nước tôi đã xung phong tham gia quân đội ngày 22/9/1972 và thật vinh dự tôi được kết nạp vào Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ngày 21/9/1972.
Mẹ và bố tôi
Mẹ tôi sinh năm 1919 tại ngõ Phất Lộc, quận Hoàn Kiếm - Hà Nội, nhưng lại lớn lên tại phố Hàng Thao, thành phố Nam Định. Năm 1937 kết hôn với ông Trương Đắc Vinh, một nhà thầu thành công tại vùng duyên hải và chuyển về sống tại ngõ Cố Đạo - thành phố Hải Phòng.
Sau sự cố Nhật đảo chính Pháp, bố mẹ tôi cùng gia đình về sống tại 1 Hàng Chuối - Hà Nội và năm 1946 tản cư về thôn Khe Hồi, xã Hồng Phong, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Năm 1947, gia đình tôi về lại Hà Nội và mẹ tôi mở cửa hiệu “Phúc Hòa” để kinh doanh và sống tại 55 phố Huế. Bố tôi do sức khỏe yếu nên chỉ ở nhà giúp đỡ mẹ tôi trong việc kinh doanh và chăm lo cho các con đi học. Tháng 1/1959 bố tôi mất vì căn bệnh ung thư và mẹ tôi từ đó phải nuôi sống và chăm lo cho 8 người con “5 trai 3 gái” (cậu út Trường Chí Trung lúc đó 2 tuổi rưỡi, sau này là Thứ trưởng Bộ Tài chính từ 2002).
Đặc biệt khó khăn từ năm 1960 để thực hiện chính sách cải tạo thương nghiệp của Hà Nội, mẹ tôi phải nhường cửa hàng tại 55 phố Huế cho tổ khu phố làm lớp mẫu giáo và sống bằng nghề đan len sau đó làm tại tổ phục vụ khu phố, từ 1961 đến 1965, 5 anh chị em của tôi đều phải bỏ học đi làm để hỗ trợ mẹ nuôi 3 em ăn học. Cuộc sống quá vất vả nên mẹ tôi đã thay đổi rất nhanh từ người phụ nữ khỏe mạnh, xinh đẹp thành một bà già lưng còng tuy mới 53 tuổi (năm 1972). Sự hy sinh lớn lao của mẹ chính là động lực để 8 anh em chúng tôi luôn cố gắng để sống tốt hơn và thành công hơn.

Huấn luyện chiến đấu
10 giờ ngày 22/9/1972 chúng tôi được tham dự lễ giao quân tại chợ Bầu, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Các sinh viên và giáo viên đại học Bách Khoa Hà Nội được biên chế vào Đại đội 1 tiểu đoàn 495 thuộc trung đoàn 568 quân khu Tả Ngạn. Tiểu đoàn 495 có cán bộ khung đầy đủ mọi cấp từ Tiểu đội trưởng, có kinh nghiệm để huấn luyện bộ binh bổ sung cho các mặt trận. Sau lễ bàn giao chúng tôi phải hành quân bộ 35km về huyện Việt Yên gần thành phố Bắc Giang. Đến 21giờ chúng tôi mới đến nơi. Cả ngày bận rộn và hành quân xa mà chúng tôi chỉ có dép đi trong thành phố nên hai chân rất đau đến giường là mọi người lăn ra ngủ. Sáng hôm sau, chúng tôi nhận quân trang. rất may đơn vị được nghỉ hai ngày để nhận thêm tân binh bổ sung từ Bắc Giang nên chúng tôi có thời gian để sửa lại quần áo và viết thư cho gia đình. Trước mắt chúng tôi là một chuyến hành quân bốn ngày từ Việt Yên đến Ma Xiu khoảng 100km với quân trang, quân dụng 30kg trên vai.
Ngày thứ ba lại ít hơn chút nữa và ngày thứ tư chúng tôi đã đến được Ma Xíu. Đó là phương pháp rèn luyện mà chúng tôi phải tập luyện hàng tuần để sau này chúng tôi hành quân bộ vai mạng nặng từ Quảng Bình đến Tây Ninh trong sáu tháng và trong chiến trường không bao giờ thấy lại cảm giác như ngày đầu tiên này. Từ ngày 1/10/1972 đến ngày 20/11/1972 bên cạnh việc rèn luyện và học chính trị chúng tôi được học chiến thuật tác chiến cũng như sử dụng thành thạo các vũ khí của bộ binh đánh bộc phá hàng rào ngày 3/11, ném lưu đạn thật ngày 9/11 và bắn đạn thật bằng súng AK tôi bắn được 10,9 và 8 điểm và điểm xạ hai loạt mỗi loạt hai viên.
Phần thưởng của lãnh đạo Trung đoàn là chúng tôi được nghỉ phép từ 21/11 đến 1/12 để chia tay gia đình và Hà Nội chuẩn bị lên đường ra chiến trường.
Vượt dãy Trường Sơn
Ngày 31/12/1972 chúng tôi tạm biệt Ma xíu và chiều 8/1/1973 chúng tôi tạm biệt những người thân tại ga Thường Tín để vào miền đông Nam Bộ cùng Đoàn 2004.
18g ngày 8/1/1973 tàu hỏa đưa chúng tôi, Đoàn 2004 gồm 4 đại đội của tiều đoàn 495 cũ từ ga Thường Tín đến gần thành phố Ninh Bình lúc 11h30 và chúng tôi phải chuyển sang xe ô tô lên đường 15 đến trạm giao liên gần thị xã Thanh Hóa ngày 9/1/1973. tại đây chúng tôi được nghỉ ba ngày để nhận quân trang, vũ khí, thuốc chống sốt rét và thực phẩm khô (2kg ruốc + 1 lạng mì chính + lương khô). Tôi được nhận khẩu AK 47 kèm 2 băng đạn và 2 quả lựu đạn. Như vậy là chúng tôi đủ khả năng chiến đấu khi gặp địch trên đường dây 559.
Lúc này máy bay Mỹ vẫn bắn phá từ vĩ tuyến 20 trở vào nên chúng tôi phải đêm đi, ngày nghỉ qua những địa danh nổi tiếng trong chiến tranh như cầu Bến Thủy ngày 13/1, bến phà Linh Cảm, ngã ba Đồng Lộc ngày 15/1. Từ ngày 19/1, Mỹ không ném bom miền Bắc và chúng tôi bắt đầu được hành quân bằng ô tô ban ngày trên quốc lộ 1 từ Đức Thọ qua đèo Ngang tới Quảng Yên. Đi trên những đoạn đường quốc lộ 1 đầy thương tích mới thấy được sự vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Bắc. Ngày 21/1, chúng tôi đến Bố Trạch và ngày 25/1/1973, chúng tôi bắt đầu chặng đường dài “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” thì nhận được thông báo của Chính phủ về ký hiệp định đình chiến.
Sau 1 ngày hành quân trên đường mòn Hồ Chí Minh. Tất cả chúng tôi đều không ngủ được để nghe những văn kiện đặc biệt của Bộ Ngoại giao và chuẩn bị tinh thần cho những ngày hành quân vượt ngang Trường Sơn sang Lào. Ngày 27/1/1973 là ngày ký chính thức Hiệp định Paris, nhưng chúng tôi Đoàn 2004 vẫn tiếp tục hành quân để vượt cổng trời ngày 30/1 sang Tây Trường Sơn và tạm biệt miền Bắc thân yêu!

Hành quân qua Lào và Campuchia
Sau 5 ngày hành quân bộ từ trạm 2 (Đông Trường Sơn) ngày 31/1/1973, chúng tôi đã đến trạm 6 tại Tây Trường Sơn thuộc tỉnh Xavanakhét của nước bạn Lào. Từ khi vượt cổng trời khi hành quân trên đất Lào, chúng tôi luôn bị theo dõi bởi máy bay trinh sát OV10 của không quân Mỹ nhưng do đường hành quân phía Tây Trường Sơn được rừng rậm bao phủ và chúng tôi tối không đốt lửa, ngày không tạo khói cộng với sự bảo vệ của nhân dân Lào và bộ đội của đoàn 559 nên chúng tôi đã đón Tết âm lịch đầu tiên xa nhà vào ngày 3/2/1973.
Chúng tôi vượt đường số 9 ngày 12/2/1973 trạm 33 và 34 đến trạm 67 đã chuyển rừng rậm Trường Sơn sang rừng Khộc. Nhiều đồng đội trong đơn vị đã lên cơn sốt rét phải đi cấp cứu nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục hành quân đến điểm tập kết an toàn tại trạm 79 bên sông Sekong trong rừng Khộc gần thị trấn Attapeu ngày 14/3/1973 từ trạm 79 chúng tôi hành quân đêm bằng ca nô tối ngày 4/4/1973 tới trạm 83, ngày 5/4 chúng tôi tiếp tục hành quân đêm bằng ca nô tới trạm 84A thuộc tỉnh Stung Treng Campuchia.
Đêm 13/4/1973 trên đường đến trạm 86 ca nô chúng tôi bị mắc cạn trên thác và bị mấy máy bay C130 phát hiện chúng tôi nhảy xuống sông đẩy ca nô 5 đồng đội bị chân vịt gây thương tích nặng nhưng ca nô đã kịp dạt vào bờ để chúng tôi kịp phân tán. Ngày 5/5/1973 chúng tôi đã vượt sông Mê Kông kết thúc cuộc hành quân bằng ca nô từ Attapeu đến trạm 97A tỉnh Kratie của Campuchia.
Đến nơi tập kết của chiến trường B2 ngày 5/6/1973 là rừng cao su (đồn điền cao su của Pháp tiếng Việt gọi là Sở 3) thuộc tỉnh Campong Chàm, Vương quốc Campuchia gần sát tỉnh Tây Ninh. Căn cứ này nằm trong vùng oanh tạc của không quân Mỹ nên hầu như ngày nào tôi cũng nhìn thấy các tốp bay B52 rải thảm ở khu rừng bên cạnh (6 hoặc 9 chiếc B52 bay thấp to bằng con trâu xịt khỏi đen, những ánh chớp và tiếng nổ liên hoàn như sấm rền những cột khói nhìn thấy được khoảng 5km) và ấn tượng khủng khiếp hơn những ngày B52 tấn công vào Hà Nội 12/1972.
Chiến trường Đông Nam Bộ
11g46 ngày 6/7/1973 sau 187 ngày hành quân dọc Trường Sơn Vượt qua các núi cao và hiểm nguy trên đường mòn Hồ Chí Minh trên đất Lào và Campuchia, những người lính sinh viên đoàn 2004 đã bước qua trạm gác biên giới của Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam tại huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.
Từ ngày 11/7/1973 đến 29/11/1973 cả bốn đại đội của đoàn 2004 được giao nhiệm vụ hàn gắn con đường chiến lược (Lộ đỏ) từ Lộc Ninh - Catum - Thiện Ngôn Xa mất đoạn từ cầu Bổ Túc - Catum - suối Nước Trong-ngã ba Đồng Pan, công việc đơn giản nhưng rất vất vả vì máy bay của quân Sài Gòn ném bom phá hoại ngày 30/11/1973 đoàn 2004 được điều động bổ sung cho Trung đoàn 271 tại mặt trận Quảng Đức (nay là tỉnh Đăk Nông) chiều ngày 4/12/1973 chúng tôi được giao về các đơn vị để ra chốt ngay tối hôm đó.
Tiểu đội 2 B1C1 của tôi chỉ có 4 người (tiểu đội có 12 người khi huấn luyện, 5 người được giữ lại đào tạo tiếp trong quân đội và ba người bị sốt rét phải điều trị trên đường 559), anh Bùi Hữu Thi, anh Lê Hòa và anh Nguyễn Hoàng Phương về tiểu đoàn 2. Tôi về trung đội vệ binh. Tối hôm đó chúng tôi xuất phát lúc 18g từ đồi chè (Quảng Trực) đến ngã ba Tuy Đức lúc 19g30. Chúng tôi đi ngược hướng với các thương binh của các đơn vị E271 dưới làn đại bác 155 trên quốc lộ 14 tới ngã ba Daksong. cách chốt của C19 khoảng 3km chúng tôi đến chốt của Trung đội vệ binh lúc 22g30 ở bên trái quốc lộ 14. Tôi được phân công một mình giữ hầm gần suối. Tôi nằm cả đêm không ngủ được vì nghe tiếng pháo bắn, đạn rít, nổ ở xung quanh và những suy nghĩ vẩn vơ trong đêm đầu tiên ra mặt trận.
Trong lúc đang mơ mơ màng màng tôi đứng bật dậy vì một tràng tiểu liên cùng với tiếng hô của Trung đội trưởng biệt kích. Trời vẫn tối đen nên ngoài khẩu AK tôi để thêm hai quả lưu đạn trên cửa hầm đề phòng trường hợp phải đánh giáp lá cà. Yên lặng được 1 tiếng thì trời đã sáng rõ chúng tôi được lệnh rút quân về phía sau. Khi Trung đội vượt qua suối lên quả đổi phía sau thì pháo bắn cấp tập vào đội hình. Đồng chí trinh sát dẫn đường bị thương nặng, chân phải bị cắt cụt đến gần bẹn. Chúng tôi không có thiết bị kẹp động mạch chủ nên phải dùng dây cao su và 1 khúc cây đè và buộc chặt vào động mạch cảnh nhưng máu vẫn chảy nhỏ.
Ngày 29/1/1974 tôi được điều động về A1B1C3 tiều đoàn 8 chốt ở cao điểm 904 để chuẩn bị đánh trận phục kích tại đường từ Đức An sang lộ 8B Trung đội 1 C3 có một nửa là lính cũ và một nửa là tân binh mọi người đều hăng hái tham gia và quyết tâm chiến thắng vì đây là lần đầu tiên được chủ động tấn công. Tối 30/1/1974 có 3 đại đội bộ binh.1 đại đội súng cối 60, xuất phát từ cao điểm 904 lúc19g theo hướng lộ 8B đến 23g nghỉ và hôm sau ngày 31/1 cũng như ngày 1/2/1974 đến địa điểm chốt gần lộ 8B lúc 23g, chúng tôi phải đào hai người 1 hầm chữ z 1m+2,4m+1m chiều sâu 2,4m xong trước 5g ngày 2/2/1974.
Công việc đã hoàn thành đúng giờ và 5g30 ngày 2/2/1974 chúng tôi xuống phục kích tại lộ 8B theo phương án tác chiến C3 chặn đầu, C1 khóa đuôi còn C2 đánh vận động ở giữa. Địch ở trên xe còn sống sẽ phải chạy về phía bìa rừng cỏ cây xấu hổ sẽ bị cối 60 của C4 tiêu diệt hết. Phương án hoàn hảo như vậy nhưng ngày 2/2/1974 không có xe nào hơn nữa. Chiều ngày 2/2 hai đồng chí lính mới đưa cơm ra chỗ phục kích về, bị lạc đường không có tung tích. Rất may ngày hôm sau lúc 10g30 có 1 xe CMC chở lính lọt vào ổ phục kích. Chúng tôi được lệnh bắn. Anh Thạo mở đầu bằng phát B40, tôi cũng bắn hết một băng AK47.
Trận này chúng tôi đã diệt được một xe và 22 quân địch. Ngày 4 và 5/2/1974 chúng tôi ở lại chốt dã ngoại để tìm tung tích ba đồng chí bị lạc. Trong hai ngày này chúng tôi không có được thông tin gì về 3 đồng chí và đã và chạm với lực lượng biệt kích với hai người bị thương và hy sinh một người. Trung đoàn cho phép kết thúc chiến dịch tập kích lộ 8B và ngày 6/2/1974 toàn tiểu đoàn 8 đã rút về 904 an toàn. 3 đồng chí bị lạc tại cao điểm 900 đã được đại đội công binh C19 E271 tìm được và an toàn về chiến đấu tại tiểu đoàn 8 tháng 2/1974.
Ngày 27/2/1974, tôi bị sốt rét được gửi đến quân y Trung đoàn K23 điều trị, từ đây ngày 6/3/1974 tôi được chuyển đến điều trị tại K20 bệnh viện tiền phương của Miền tại Quảng Đức. Ngày 11/4/1974, Hội đồng bác sĩ của trung đoàn 271 trên cơ sở xem xét kết luận và chuyển tôi đến điều trị tại bệnh viện tai mũi họng trung ương ở Hà Nội trong thời gian sớm nhất!
(còn tiếp)