Sách

Liên kết "3 nhà" để đưa sách đến với độc giả

Hạ Yến 21/04/2025 - 16:07

Ngày 21-4, tại Hà Nội, Chi hội Nhà văn Công nhân - Hội Nhà văn Việt Nam đã phối hợp cùng Công ty TNHH In Thanh Bình tổ chức tọa đàm "Nâng cao hiệu quả liên kết giữa nhà văn, nhà xuất bản và nhà in" nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ tư năm 2025.

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, nhà thơ Lê Tuấn Lộc cho biết: “Một tập hợp sáng tác văn thơ tiểu thuyết hay bất kỳ một vấn đề nghiên cứu nào của nhà văn, của các nhà khoa học sau một quá trình nghiên cứu sáng tạo và tích lũy đã được tập hợp thành một tập bản thảo. Vấn đề là làm thế nào để thành một cuốn sách. Đây là vấn đề trăn trở của nhà văn nói riêng và của nhà khoa học, nhà nghiên cứu nói chung”.

img_8938.jpeg
Tọa đàm thu hút sự tham gia của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu. Ảnh: H.Y

Theo nhà thơ Bằng Việt, từ trước đến nay, "ba nhà", là nhà văn, nhà xuất bản và nhà in, là những đối tác đơn lẻ, độc lập, ít chủ động liên hệ tìm hiểu công việc của nhau và chưa thể thành một hệ thống liên hoàn, cùng có trách nhiệm liên đới, cùng hỗ trợ nhau, từ đó tạo nên tiến trình hợp tác sản xuất hợp lý, hiệu quả.

Thực tế, phần lớn các tác giả hiện nay khi in sách vẫn hay nhờ các mối quan hệ làm khâu trung gian giữa tác giả và nhà xuất bản, nhà in. Trong khi nhiều nhà xuất bản, nhà in luôn chờ bản thảo của tác giả.

Nhà thơ Nguyễn Thị Mai cho rằng, vì không có mối liên kết giữa “ba nhà” nên “tình trạng những cá nhân hoặc một nhóm người đứng ra nhận in sách cho tác giả” diễn ra thường xuyên. Phải qua khâu trung gian nên kết quả là cả ba nhà trên “đều bị thiệt thòi”.

Cùng với nhà văn, nhà xuất bản, nhà in còn cần thêm nhà phát hành, PGS.TS Vũ Nho chia sẻ. Bởi ông cho rằng, giờ đây, việc in sách không khó, nhưng muốn in bao nhiêu cuốn, bán cho ai, tặng cho ai thì tác giả phải tự lo. Điều này không dễ với những tác giả trẻ hoặc những cây viết không có điều kiện về tài chính.

Các tham luận tại tọa đàm đều khẳng định tầm quan trọng của mối liên kết khăng khít giữa nhà văn, nhà xuất bản, nhà in - 3 đối tượng góp phần điều chỉnh và tham gia vào sự đọc của xã hội.