Hà Nội kết nối

Tuyên án phúc thẩm vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Bị cáo Trương Mỹ Lan được giảm án từ chung thân xuống 20 năm tù ở tội “Lừa đảo”

Thanh Tàu 21/04/2025 12:0

Ngày 21-4, Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh tuyên án phúc thẩm đối với các bị cáo trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền”, “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn vị liên quan (giai đoạn 2).

48288.jpg
Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: Văn Tiến

Theo Hội đồng xét xử, trong vụ án này, bị cáo Trương Mỹ Lan (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) có vai trò chủ yếu trong cả 3 tội danh gồm: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, những đồng phạm còn lại giúp sức cho bị cáo Lan thực hiện hành vi phạm tội.

Tòa phúc thẩm xác định bản án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm là đúng người, đúng tội, không oan sai. Cụ thể, với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bị cáo Trương Mỹ Lan là người nắm giữ phần lớn cổ phần tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB đã đồng ý với đề xuất phát hành trái phiếu để xử lý khó khăn tài chính cho SCB. Bị cáo Lan tổ chức họp với lãnh đạo chủ chốt của Vạn Thịnh Phát và SCB, thống nhất phát hành trái phiếu thông qua 4 công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát gồm: Công ty An Đông, Công ty Quang Thuận, Công ty Sunny World và Công ty Setra, đồng thời, huy động 5 công ty khác đứng tên mua sơ cấp nhằm tạo dòng tiền khống.

Nhóm bị cáo thuê người lập khống chứng từ, thực hiện các giao dịch giả (nộp, rút tiền mặt, chuyển khoản), hạch toán khống để hợp thức dòng tiền ảo gần 31.000 tỷ đồng. Số tiền này được sử dụng để mua gần 309 triệu trái phiếu, hợp thức hóa tư cách trái chủ sơ cấp. Sau đó, bà Lan và các đồng phạm bán 25 gói trái phiếu khống cho hơn 35.800 nhà đầu tư.

Hội đồng xét xử xác định, bị cáo Lan giữ vai trò chủ mưu, chỉ đạo cấp dưới thực hiện hàng loạt hành vi gian dối, tạo dòng tiền ảo, che giấu nguồn gốc tài sản, sử dụng vào mục đích cá nhân. Việc lừa đảo hoàn tất khi các trái chủ không còn quyền kiểm soát tài sản.

Tương tự, đối với tội “Rửa tiền”, từ năm 2018 đến 2022, bị cáo Lan chỉ đạo thuộc cấp chuyển hơn 415.000 tỷ đồng, số tiền tham ô từ SCB (giai đoạn 1) ra khỏi hệ thống SCB, rút tiền mặt hoặc chuyển cho các cá nhân, pháp nhân nhằm che giấu nguồn gốc và tránh bị phát hiện. Cộng với số tiền chiếm đoạt từ phát hành trái phiếu, tổng số tiền rửa lên đến hơn 445.000 tỷ đồng. Ngoài ra, bà Lan và đồng phạm còn bị xác định đã vận chuyển trái phép hơn 4,5 tỷ USD qua biên giới.

Tính đến ngày 31-3-2025, cơ quan chức năng đã thu hơn 8.600 tỷ đồng. Đồng thời, các cá nhân, tổ chức phải trả cho bị cáo Lan hơn 21.000 tỷ đồng. Hội đồng xét xử xác định, số tiền đã thu hồi và dự kiến thu hồi rất lớn, đây được xem là tình tiết mới. Bên cạnh đó, bị cáo Lan có nhiều tình tiết giảm nhẹ, đã ăn năn hối cải, thể hiện thái độ mong muốn khắc phục hậu quả nên tòa xét thấy cần giảm nhẹ hình phạt tù chung thân xuống tù có thời hạn cho bị cáo…

Từ đó, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan 20 năm tù về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (sơ thẩm tuyên án chung thân); 12 năm tù về tội “Rửa tiền”; 8 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Tổng hợp với bản án tử hình ở giai đoạn 1 của vụ án, buộc bị cáo Lan phải chấp hành hình phạt chung là tử hình.

Đối với kháng cáo của ông Võ Tấn Hoàng Văn (nguyên Tổng Giám đốc SCB), Hội đồng xét xử không chấp nhận, tuyên y án 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 5 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Tổng hợp hình phạt với bản án giai đoạn 1, bị cáo Văn phải chấp hành hình phạt tù chung thân.

3028.jpg
Bị cáo Trương Huệ Vân là cháu ruột của bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: Văn Tiến

Hội đồng xét xử bác kháng cáo của Bùi Anh Dũng (nguyên Chủ tịch Ngân hàng SCB), giữ nguyên hình phạt 10 năm tù. Tổng hợp hình phạt với bản án giai đoạn 1, bị cáo phải chấp hành hình phạt tù chung thân. Các bị cáo còn lại, tòa chấp nhận kháng cáo giảm nhẹ một phần hình phạt.

Đối với bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bị cáo Trương Mỹ Lan), Hội đồng xét xử xét thấy, mặc dù không kháng cáo nhưng tại cấp phúc thẩm bị cáo vẫn tiếp tục nộp thêm 5 tỷ đồng vào hậu quả chung của vụ án. Bên cạnh đó, xét thấy tòa án cấp sơ thẩm tuyên hình phạt đối với bị cáo này là chưa công bằng so với các bị cáo khác khi xét về tính chất, mức độ và hậu quả gây ra, nên cần giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Cơ để thể hiện chính sách khoan hồng của pháp luật. Từ đó, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Chu Lập Cơ 1 năm tù về tội “Rửa tiền” (cấp sơ thẩm tuyên phạt 2 năm tù).

Trước đó, tháng 10-2024, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt Trương Mỹ Lan mức án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 12 năm tù về tội “Rửa tiền” và 8 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, tổng hợp hình phạt là tù chung thân. 33 bị cáo còn lại bị tòa sơ thẩm tuyên phạt từ 2 đến 23 năm tù về các tội trên. Về trách nhiệm dân sự, buộc bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi thường hơn 30.000 tỷ đồng cho hơn 35.000 bị hại.