Công nghiệp văn hóa

Cảm nhận nhịp điệu của Sở hữu trí tuệ

Thụy Du 21/04/2025 - 07:33

Tối 20-4, chương trình giao lưu với chủ đề “Sở hữu trí tuệ và âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của sở hữu trí tuệ” chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26-4) đã diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, thành phố Hồ Chí Minh).

vinh-danh-nghe-si.jpg
Vinh danh các tác giả, nghệ sĩ, nhạc sĩ có nhiều đóng góp cho âm nhạc Việt Nam và bản quyền. Ảnh: COV

Ngày Sở hữu trí tuệ năm 2025 với chủ đề “Sở hữu trí tuệ và âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của sở hữu trí tuệ” do Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tổ chức. Tại đây, có các hoạt động hội thảo khoa học và tổ chức biểu diễn nghệ thuật nhằm tuyên truyền, giới thiệu về các cơ chế, chính sách cũng như nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực âm nhạc.

Đây cũng là cơ hội giao lưu, kết nối, hợp tác, chia sẻ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, nắm bắt thông tin, cập nhật những xu hướng mới…, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

doi-thoai-shtt.jpg
Chương trình đối thoại về cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc. Ảnh: COV

Theo Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng, chương trình giới thiệu, giao lưu về bản quyền trong lĩnh vực âm nhạc là diễn đàn để trao đổi nhiều nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan; góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Đặc biệt, trong thời đại kỷ nguyên số, điều này cần thiết để thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, bảo hộ thành quả sáng tạo và phát triển ngành công nghiệp âm nhạc nói riêng, công nghiệp văn hóa nói chung.

Nói về ý nghĩa và thông điệp của Ngày Sở hữu trí tuệ năm nay, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Phạm Thị Kim Oanh cho biết, âm nhạc và sở hữu trí tuệ có mối liên hệ mật thiết. Bản quyền âm nhạc là động lực cho sự sáng tạo và phát triển bền vững. Nếu thực hiện tốt vấn đề bảo vệ bản quyền sẽ khuyến khích sáng tạo, động viên các nhạc sĩ, nghệ sĩ, các nhà đầu tư tập trung nhiều hơn nữa cho các sản phẩm âm nhạc. Hơn nữa, trong nền kinh tế số, âm nhạc không chỉ là nghệ thuật mà còn là một lĩnh vực kinh tế có thể đem lại những giá trị to lớn.

tiet-muc-nghe-thuat-shtt.jpg
Tiết mục biểu diễn trong chương trình. Ảnh: COV

Tại chương trình, Ban tổ chức đã vinh danh và tri ân 34 tác giả, nghệ sĩ, nhạc sĩ có nhiều đóng góp cho âm nhạc Việt Nam và bản quyền; các đơn vị kinh doanh âm nhạc thực hiện tốt về bản quyền âm nhạc; tặng quà các tác giả, đại diện gia đình các tác giả, nghệ sĩ, nhạc sĩ có hoàn cảnh khó khăn, tuổi cao, sức yếu.

Khán giả có dịp nghe những chia sẻ của các nhạc sĩ Đức Trí, Hoài An; luật sư Phan Vũ Tuấn; nhạc sĩ - nhà sản xuất âm nhạc Kai Đinh về cách thức họ vượt qua những thách thức nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình; những suy nghĩ, góc nhìn sâu sắc về trách nhiệm của cộng đồng đối với bảo vệ sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, các nghệ sĩ cũng đem đến nhiều tiết mục đặc sắc, trong đó có những ca khúc mới viết về thành phố Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất; các ca khúc mang thông điệp rõ ràng về giá trị và ý nghĩa của việc bảo vệ quyền tác giả.