Kinh tế

Linh hoạt điều hành để kiểm soát lạm phát

Hồng Sơn 20/04/2025 - 07:58

Trong tháng 3 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong cả nước giảm 0,03% so với tháng trước và CPI bình quân của quý I-2025 tăng 3,22% so với cùng kỳ năm 2024.

Như vậy, có thể nhận định, đến nay nguy cơ gia tăng bất thường, kích đẩy lạm phát tăng mạnh trong những tháng tới vẫn chưa quá cao. Tuy nhiên, kiểm soát lạm phát luôn là yêu cầu quan trọng hàng đầu nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội nên cần sự phân tích kỹ cũng như giải pháp điều hành phù hợp.

san-xuat-thep.jpg
Sắt, thép tăng là một trong những yếu tố làm CPI quý I-2025 tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất thép tại Công ty cổ phần Thép Hòa Phát.

Lạm phát trong tầm kiểm soát

Các yếu tố làm CPI quý I-2025 tăng so với cùng kỳ năm trước gồm: Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,78%, làm CPI chung tăng 1,27 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,11% (chủ yếu do giá vật liệu như xi măng, sắt, thép, cát và giá thuê nhà tăng) làm CPI chung tăng 0,96 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 14,4%, làm CPI chung tăng 0,78 điểm phần trăm và chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,16%, làm CPI chung tăng 0,1 điểm phần trăm.

Theo nhận định của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), trong bối cảnh diễn biến thị trường quốc tế phức tạp, bất ổn, ảnh hưởng đến cung - cầu hàng hóa, nhưng lạm phát của Việt Nam được kiểm soát ở mức phù hợp để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Cục Thống kê cũng nhận định, các giải pháp chủ động, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát đã phát huy hiệu quả. Hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ được bảo đảm thông suốt. Mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục được kéo giảm, đi đôi với thiết kế các gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ từng ngành, lĩnh vực ưu tiên, trong khi thị trường ngoại hối được giữ ổn định góp phần giảm chi phí đầu vào của hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ, với hàng loạt dự án hạ tầng lớn về đích đúng hẹn... Đặc biệt, diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu được theo dõi chặt chẽ và có biện pháp điều hành phù hợp. Kết quả là giá hàng hóa và dịch vụ trên thị trường nhìn chung không có biến động bất thường, duy trì mức lạm phát trong tầm kiểm soát.

Tình hình mới và giải pháp ứng phó

Song, tình hình đã xuất hiện yếu tố bất ngờ và rất bất lợi khi Hoa Kỳ quyết định áp thuế đối ứng ở mức cao với hàng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.

Hiện đã xuất hiện 2 cách đánh giá, xác định ảnh hưởng của việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng với lạm phát trong nước. Trước hết, dự báo áp lực lạm phát có thể sẽ giảm đáng kể, khi chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và các đối tác lớn như Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Canada… có thể đẩy kinh tế thế giới vào suy thoái, khiến sức cầu giảm. Một khi giảm sức mua trên diện rộng, tâm lý thắt chặt chi tiêu xuất hiện, tổng cầu yếu và tạo hiệu ứng ghìm giữ đà tăng giá, tức giảm áp lực lạm phát.

Ở góc nhìn ngược lại, đa số ý kiến nhận định, lạm phát đứng trước áp lực tăng khi Hoa Kỳ áp thuế đối ứng với không chỉ Việt Nam mà với nhiều nước trên thế giới. USD tăng giá càng làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước.

Đánh giá tổng quát, Trưởng ban Thống kê dịch vụ và giá (Cục Thống kê) Nguyễn Thu Oanh nhận định, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn ngày càng gay gắt hơn, đặc biệt chính sách thuế quan của Hoa Kỳ có thể ảnh hưởng đến lạm phát dài hạn khi các đối tác thương mại toàn cầu có hành động “trả đũa”. Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên giá hàng hóa trên thế giới ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành; tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên.

Cục Thống kê cho rằng, các cơ quan chức năng cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá trong nước. Đồng thời, bảo đảm thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và xung đột, căng thẳng địa chính trị. Thêm vào đó, các ngành cần thúc đẩy đầu tư nhiều và nhanh hơn cho mục tiêu tự chủ nguyên, phụ liệu để thay thế nhập khẩu, hướng tới chuỗi giá trị cao hơn.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị, tiếp tục đẩy mạnh và phát huy hiệu quả của động lực tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, vì vậy các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu cần có giải pháp cắt giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa, đồng thời tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường. Để thỏa mãn nhu cầu về nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước, doanh nghiệp nên theo sát diễn biến thị trường quốc tế, tranh thủ ký hợp đồng ở thời điểm giá “mềm” từ đó hạn chế tác động, có điều kiện giảm giá bán thành phẩm cuối cùng, góp phần kiềm chế lạm phát.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, Chính phủ cần linh hoạt, khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại đồng thời có giải pháp giảm thâm hụt thương mại giữa Hoa Kỳ với Việt Nam, qua đó góp phần kiểm soát lạm phát. Đây cũng là cách để tăng hiệu quả đàm phán, tiến tới giảm thuế suất áp vào hàng xuất khẩu của Việt Nam.