Cả nước có khoảng 8.700 dự án khởi nghiệp đến từ học sinh
Giai đoạn 2020-2024, cả nước ghi nhận khoảng 8.700 dự án khởi nghiệp đến từ học sinh phổ thông.
Ngày 19-4, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của học sinh từ các hoạt động tư vấn nghề nghiệp, việc làm”.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII; đồng thời là hoạt động tổng kết Đề án 1665 của Chính phủ về “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đánh giá cao các chuyển biến tích cực trong công tác giáo dục khởi nghiệp. Ông Đỗ Đức Quế, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, trong giai đoạn 2020-2024, cả nước ghi nhận khoảng 8.700 dự án khởi nghiệp đến từ học sinh phổ thông, đây là một con số thể hiện sự chuyển biến rõ rệt trong tư duy và hành động của học sinh.
Tương tự, ông Trần Văn Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ Học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định, đội ngũ giáo viên giữ vai trò nòng cốt trong việc định hướng, truyền cảm hứng và trang bị kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh. Việc nâng cao năng lực giáo viên về tư vấn nghề nghiệp và khởi nghiệp là điều kiện tiên quyết để triển khai hiệu quả hoạt động này trong nhà trường.

Tiến sĩ Lê Thị Duyên, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) kiến nghị xây dựng cơ chế hợp tác cụ thể giữa nhà trường và doanh nghiệp trong hoạt động tư vấn, hướng nghiệp và khởi nghiệp.
Còn Tiến sĩ Vũ Đình Bảy, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục thành phố Hồ Chí Minh đề xuất phương pháp tư vấn hướng nghiệp cá nhân hóa, phù hợp với đặc điểm, năng lực và nguyện vọng của từng học sinh.
Phát biểu kết thúc hội thảo, ông Đỗ Đức Quế, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông cho biết, năm học 2024-2025 là mốc hoàn thành chu kỳ đầu tiên của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Sau quá trình tổng kết, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục triển khai các kế hoạch phát triển chương trình một cách bài bản, sâu sắc và hiệu quả hơn, trong đó hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu khoa học và giáo dục khởi nghiệp tiếp tục là những trụ cột quan trọng giúp học sinh phát triển toàn diện.