Cà phê cuối tuần: Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt
Giải trí - Ngày đăng : 05:24, 13/11/2022
Và những ví dụ mà tác giả bài báo này đưa ra quả thật khiến người đọc vừa thấy buồn cười, vừa giận. Chẳng hạn như trong bộ phim “Đồng tiền đen” của nước ngoài được phát trên kênh HTV2, có những đoạn thoại được dịch một cách ngô nghê như “máy dịch”: Thay vì "bất diệt" thì lời thoại lồng tiếng Việt lại là "tinh thần đánh mãi không chết"! Tương tự, trong những clip quảng cáo, người ta dễ dàng thấy những lỗi sai trong cách dùng từ, như: “Giữ cho giọng nói trong sáng hơn” (lẽ ra nên dùng từ "trong trẻo") hay “Êm mượt đến tận khẩu vị”...
Thực tế, không chỉ trên sóng truyền hình mà việc sử dụng ngôn ngữ nói một cách quá thoải mái, thiếu sự biên tập chỉn chu trên các phương tiện truyền thông nói chung cũng đã nhiều lần khiến người xem phản ứng. Chẳng hạn như cách dùng tiếng Anh xen lẫn tiếng Việt một cách vô tội vạ đang ngày càng phổ biến; thường thấy cách giật tít mập mờ gây hiểu nhầm nhằm “câu view” của báo mạng...
Việc sử dụng tiếng Việt một cách tùy tiện còn diễn ra phổ biến trong nhiều lĩnh vực khác. Có thể nhận ra điều này qua nhiều ca khúc đang thịnh hành trong giới trẻ. Người nghe nhiều khi không khỏi nhăn mặt, cảm thấy khó lọt tai vì ca từ được viết quá dễ dãi, ngây ngô, tùy tiện, khó hiểu, thậm chí vô nghĩa, cùng một thứ ngữ pháp lủng củng.
Đáng buồn là bên cạnh những bạn đọc cảm thấy khó chịu trước điều nói trên thì có một bộ phận không nhỏ độc giả dường như đã bị "dị hóa"; không phân biệt được lỗi dùng từ sai đã đành, họ dần dễ dãi trong cách sử dụng từ ngữ trong đời sống hằng ngày. Sự sai từ văn bản chuyển vào đời sống, gây ảnh hưởng xấu tới sự học của trẻ em cũng như quá trình trưởng thành của chúng...
Chính vì vậy, mỗi chúng ta cần quan tâm nhiều hơn nữa đến vấn đề sử dụng ngôn ngữ, luôn trau dồi tình yêu và ý thức bảo vệ tiếng mẹ đẻ, để cùng nhau trả lại vẻ đẹp trong sáng cho tiếng Việt.