Hà Nội kết nối

Hải trình Trường Sa

Tuấn Lương - Trọng Sức 19/04/2025 - 06:27

7 ngày hải trình Trường Sa có lẽ chưa đủ dài, nhưng với rất nhiều thành viên trong đoàn công tác số 6, Khối Dân chính đảng các cơ quan trung ương và địa phương, trong đó có nhiều người lần đầu được đến Trường Sa - thực sự là chuyến đi của cuộc đời. Đi để càng thấy thiêng liêng hơn hai tiếng Tổ quốc…

Thôi thúc Trường Sa

Đã từ lâu lắm, tôi ước một lần đến với Trường Sa. Để được hiên ngang đứng bên thềm cột mốc khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam. Đến được nơi sử sách gọi tên những anh hùng chiến sĩ, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh để giữ từng tấc đất, mét biển của cha ông… Nên khi đã được đứng trên boong tàu 571 xuất phát từ Cảng quốc tế Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), lòng tôi không khỏi chộn rộn.

Người ta vẫn bảo “Tháng 3 bà già đi biển” để chỉ thời tiết thuận lợi. Nhưng Biển Đông vừa có đợt gió mùa Đông Bắc nên biển động, sóng cao. Quá nửa thành viên đoàn công tác là những người lần đầu được ra thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các đảo và nhà giàn thuộc quần đảo Trường Sa, chưa quen với sóng gió nên khá nhiều người say sóng. Bữa cơm đầu tiên trên tàu, gần nửa số người bỏ ăn.

Phải mất tới 5-6 giờ khởi hành, mọi người mới bắt đầu quen với nhịp rung lắc của tàu sau mỗi lần đè sóng tiến về Trường Sa. Những bước chân đã vững hơn khi leo lên boong tàu ngắm biển, ngắm sóng. Biển trời mênh mông, không thấy đâu là bến, là bờ, thấp thoáng bóng những con tàu của ngư dân vươn khơi bám biển. Đã nghe đâu đó ngân nga câu hát “Biển trời quê ta, đẹp như gấm hoa”. Anh Nguyễn Hiếu, văn công trong đoàn ôm ghi-ta lên boong tàu, chỉ một lúc đã tụ được hàng chục người say mê đồng thanh hát những ca khúc về biển đảo quê hương…

Phải mất hơn một ngày lênh đênh trên biển, đoàn mới cập đảo Song Tử Tây, ai cũng phấn chấn. Cán bộ, chiến sĩ và người dân đã đợi sẵn từ lâu. Những nụ cười hồn hậu với cái bắt tay thật chặt. Những thùng quà giá trị và rất thiết thực như thuốc men, sách vở… mang hơi ấm đất liền nhanh chóng được lực lượng hải quân vận chuyển lên đảo.

Dù còn không ít khó khăn nhưng tinh thần “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, “Quân với dân một ý chí” luôn toát lên sống động trong mỗi hành động của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Song Tử Tây cũng như các đảo Sinh Tồn, Đá Tây A, Trường Sa…

Điều kiện còn hạn chế, không được như đất liền, các lớp học trên các đảo ở đây rất đặc biệt, được tổ chức thành lớp ghép trình độ học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, ngồi chung một phòng. Trên bảng, những nội dung học từng lớp được ngăn cách bởi vạch phấn kẻ dọc. Giữa mênh mông sóng gió, các thầy giáo ngày ngày dạy dỗ, bồi đắp tri thức cũng như kiến thức về chủ quyền biển đảo thiêng liêng cho học sinh.

Thầy Lưu Quốc Thịnh (điểm Trường Tiểu học Đá Tây A) chia sẻ: “Các thày giáo trên đảo đều là người Khánh Hòa, viết đơn xung phong ra đảo dạy học. Vất vả, nhưng ở đây, tôi thấy việc dạy học của mình có ý nghĩa hơn”.

tr-sa2.jpg
Lớp học ghép trên đảo Đá Tây A.

Ra đảo công tác đến nay đã được 2 năm, thầy Trương Hồng Lĩnh (đảo Sinh Tồn) kể, điểm trường đảo Sinh Tồn có 2 thầy giáo hằng ngày dạy 11 học sinh, gồm cả bậc tiểu học và mầm non, với các độ tuổi khác nhau. Giáo viên phải dạy tất cả các môn, từ mỹ thuật, âm nhạc, thể dục thể thao cho đến tiếng Anh, tin học và kỹ năng sống… Khó nhất nhưng cũng vui nhất là khi các thầy phải dạy các con tập múa, tập hát. Hay như môn công nghệ lớp 5 phải học về quạt gió, máy phát điện. Mô hình, giáo cụ trực quan không có, các thầy phải mày mò, tự chế tạo thiết bị để việc dạy và học sinh động hơn, giúp học sinh dễ tiếp thu hơn. Từ đó các con học hết lớp 5 hoàn toàn đủ kiến thức để về đất liền học tiếp lên lớp 6.

Trong đoàn công tác số 6 có một nhân viên "đặc biệt" của Công ty cổ phần Ngọc Trang Xanh - đơn vị đang tham gia tích cực vào chương trình trồng cây nhằm xanh hóa Trường Sa, đó là vợ của Trung tá Cấn Ngọc Sơn, Chỉ huy đảo. Vợ chồng Trung tá Cấn Ngọc Sơn tranh thủ nói chuyện với nhau chưa đầy chục phút rồi phải “gác tình riêng” để anh yên tâm công tác. Không ít người len lén lau nước mắt khi chứng kiến giây phút vợ chồng anh chị chia tay.

Nhà giàn xa mà gần, gần mà xa...

Theo kế hoạch, sáng 9-4, đoàn công tác số 6 sẽ lên thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ trên Nhà giàn DK1/14 (Tư Chính). Tối hôm trước, trời quang mây tạnh, mặt biển dịu êm. Nhà giàn hiện ra cách mũi tàu không xa. Thượng úy Lương Việt Tiến, Phó thuyền trưởng tàu 571 khẳng định, xuồng sẽ trung chuyển đoàn từ tàu cập nhà giàn thuận lợi. Các chiến sĩ nhà giàn rất mong hơi ấm từ đất liền.

Mặt trời vừa ló rạng, rất đông thành viên trong đoàn đã sẵn sàng trên boong tàu chờ giây phút xuống xuồng. Nhưng trời không chiều lòng người, gió đột nhiên thổi mạnh, những cột sóng đánh cao cả mét. Xuồng tiền trạm mấy lần sắp vào được đến chân nhà giàn lại phải vòng ra vì sóng như muốn hất tung. Để bảo đảm an toàn, Đại tá Nguyễn Duy Thiều - Phó Chủ nhiệm Cục Hậu cần - Kỹ thuật Quân chủng Hải quân, Trưởng đoàn công tác số 6 đã quyết định cả đoàn ở lại trên tàu.

Nhà giàn ngay trước mắt, gần lắm. Những chiến sĩ hải quân vẫn hiên ngang đứng đó, giữa biển trời quê hương. Cờ Tổ quốc trên nóc nhà giàn, cờ Tổ quốc trên tay các anh vẫn quật cường tung bay trong gió. Nhưng biển trời cách mặt nên những cái ôm nghĩa tình thật chặt, những bàn tay trao gửi tin yêu không thể nắm lấy bàn tay. Và những ánh mắt sẻ chia không thể chạm vào ánh mắt… Nhưng không vì thế hơi ấm từ đất liền không thể trao gửi tới nhà giàn. Những chiến sĩ hải quân trên tàu 571, sử dụng xuồng chuyên dụng quyết tâm đè sóng để chuyển những món quà thiết thực, đầy ý nghĩa từ đất liền đến cán bộ, chiến sĩ trên Nhà giàn DK1.

Xuồng chuyên dụng trung chuyển quà tặng từ đất liền gửi tới các chiến sĩ trên Nhà giàn DK1.
Xuồng chuyên dụng trung chuyển quà tặng từ đất liền gửi tới các chiến sĩ trên Nhà giàn DK1.

Không thể tiếp cận, tàu chạy vòng quanh nhà giàn hai vòng để chào cán bộ, chiến sĩ. Từ trên tàu, những bàn tay vẫy những bàn tay, thay lời chia sẻ, động viên… Những tiếng hô vang: “Cả nước vì Trường Sa!”, “Chúc các đồng chí khỏe!” vang vọng trên mặt biển. Một không khí thật xúc động, hùng tráng…

Hải trình từ Cảng quốc tế Cam Ranh đến huyện đảo Trường Sa không ti vi, không internet, không điện thoại để lướt Facebook, Zalo, lướt web…, cuộc sống như chậm lại. Nhưng 7 ngày trên biển đã giúp chúng tôi nhận lại nhiều giá trị mà ta đã để quên đâu đó. Con người sống gần nhau hơn, sẻ chia hơn. Là viên thuốc chống say, là gói lương khô hay hộp sữa từ các thành viên trong đoàn leo mấy tầng cầu thang để kịp thời chuyển cho ai đó đang cần. Nhóm bác sĩ Bệnh viện Châm cứu trung ương trong đoàn công tác sẵn sàng vật lý trị liệu ngay trên sàn tàu cho những người mỏi mệt. Là những câu chuyện về gia đình, quê hương cùng lời mời hạnh ngộ được gửi tới nhau, dù mới chỉ gặp lần đầu…

“Càng đi mới càng thấy đất nước mình đẹp quá! Tình yêu nước càng nhân thêm bội phần”, bác sĩ Ngô Chiến Thuật (Bệnh viện Châm cứu trung ương) xúc động thốt lên.

Đại tá Nguyễn Duy Thiều - Phó Chủ nhiệm Cục Hậu cần - Kỹ thuật Quân chủng Hải quân (Trưởng đoàn công tác số 6), chia sẻ: “Hằng năm, được sự nhất trí của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức các đoàn đi thăm cán bộ chiến sĩ và nhân dân quần đảo Trường Sa. Mục đích là để nắm tình hình sản xuất chiến đấu, bảo vệ chủ quyền biển đảo và động viên cán bộ, chiến sĩ khắc phục khó khăn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Các thành viên đoàn công tác đã thấy được điều kiện khó khăn, khắc nghiệt mà cán bộ, chiến sĩ, người dân nơi đây cần phải vượt qua, từ đó hiểu và thêm chia sẻ với những khó khăn, vất vả của bộ đội và nhân dân đang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc".

Sáng ngày tàu hướng về đất liền, nắng lấp lánh trên mặt biển Trường Sa tiễn đoàn. Tàu 571 rúc hồi còi dài chào đảo. Những cánh tay xao xuyến vẫy những cánh tay. Ngày mai, cuộc sống thường nhật đầy bộn bề, lo toan sẽ trở lại, nhưng trong sâu thẳm mỗi chúng tôi, nơi ấy Trường Sa, những cái tên đảo, tên người đã trở nên thân thương, gần gụi. Để tự nhắc mình, sống sao cho xứng với chiếc huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa” vừa mới được gửi trao…