Họa sĩ Phạm Lực:“Cây cọ được Chúa cầm tay”
Phạm Lực là một trong những họa sĩ tiêu biểu của mỹ thuật Việt Nam hiện đại.
Gắn bó với quân đội ngay từ những ngày đầu sáng tác, ông đã dùng cây cọ của mình ghi lại những khoảnh khắc chân thực của chiến tranh, khắc họa đời sống người lính và tôn vinh vẻ đẹp con người Việt Nam trong những thời khắc quan trọng của lịch sử. Với phong cách nghệ thuật độc đáo, đậm chất dân tộc, vừa gần gũi, vừa sâu sắc, họa sĩ Phạm Lực đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng yêu nghệ thuật.

Cội nguồn của tài năng
Sinh ra tại quê nội, vùng đất cố đô Huế giàu truyền thống văn hóa, nhưng toàn bộ tuổi thơ của Phạm Lực lại gắn bó với quê ngoại Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Cha ông, cụ Phạm Khắc Hiếu, từng là một vị quan trong triều đình nhà Nguyễn. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cụ được bổ nhiệm làm Tri huyện Nghi Xuân. Chính tại mảnh đất này, cụ đã nên duyên cùng một người con gái địa phương, và Phạm Lực là con trai thứ ba của ông bà.

Từ thuở bé Phạm Lực đã bộc lộ năng khiếu hội họa. Cậu "thèm" vẽ đến mức chỉ cần có trong tay hòn than, viên đá hay que củi là lại hí hoáy vẽ lên bất cứ đâu, nền đất, nền nhà, tường nhà mình, thậm chí cả tường nhà hàng xóm. Những bức tranh trẻ con của cậu bé Lực đã khiến nhiều người thích thú, thậm chí có người còn kéo đến tận nhà chỉ để xem cậu vẽ. Nhờ tài vẽ khéo, Phạm Lực trở thành cậu học trò đặc biệt trong mắt thầy cô. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, năm 1959 ông thi đỗ vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội. Tốt nghiệp thủ khoa năm 1962, mười năm sau, năm 1972 ông tiếp tục theo học tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam) và tốt nghiệp năm 1977.

Họa sĩ Phạm Lực xúc động nhớ lại những tháng ngày ấu thơ ở quê mẹ: “Nghe các cụ kể lại, đến năm ba tuổi tôi vẫn chưa biết nói, nhưng lại rất thích lê la chơi ở những chỗ có đất cát để vẽ... Có lẽ đam mê hội họa đã nhen nhóm từ rất sớm trong tôi. Ba mươi lăm năm trong quân ngũ giúp tôi rèn luyện khả năng vẽ trên nhiều chất liệu khác nhau, từ giấy bản, bao tải, cho đến bất cứ thứ gì có thể vẽ được. Tranh của tôi bây giờ đã nhiều không đếm xuể. Có lẽ vì thế mà hầu hết mọi người chỉ biết đến tôi với tư cách một họa sĩ, ít ai biết mẹ tôi, bà Nguyễn Thị Chương, chính là chắt của cụ tổ Nguyễn Du. Tính ra, tôi là đời chít của cụ”.
Khi nghệ sĩ cũng là chiến sĩ
Nhiều năm phục vụ trong quân đội, họa sĩ Phạm Lực đã in dấu chân qua nhiều địa danh lịch sử gắn liền với những thời khắc ác liệt nhất của chiến tranh như cầu Hàm Rồng, vĩ tuyến 17, đường mòn Hồ Chí Minh và cả chuyến đi thực tế vào Sài Gòn ngay sau ngày giải phóng năm 1975. Trực tiếp chứng kiến, cảm nhận thực tế khốc liệt nơi chiến trường đã giúp Phạm Lực có rất nhiều tác phẩm về đề tài chiến tranh.

Thời gian trong quân ngũ, trải qua nhiều vùng chiến sự khác nhau, thiếu thốn về vật liệu, Phạm Lực đã sáng tạo bằng cách vẽ trên bao tải, sử dụng các chất liệu như phấn màu, bột vôi và cả kem đánh răng để tạo màu trắng. Những tác phẩm này không chỉ phản ánh chân thực cuộc sống và chiến đấu của người lính, mà còn thể hiện sự sáng tạo, tinh thần vượt khó của ông.
Tranh về người lính của Phạm Lực phản ánh sâu sắc trải nghiệm cá nhân của ông trong những năm tháng chiến tranh. Đời sống thường nhật của bộ đội và nữ dân quân hiện lên mộc mạc, giản dị qua các tác phẩm như “Cùng tắm cho nhau”, “Đọc thư nhà cho bạn”, “Ngủ vùi sau trực chiến”, “Nữ dân quân gặt lúa”, “Mời nước các chiến sĩ”... Bên cạnh đó, ông dành nhiều tâm huyết tái hiện những trận đánh ác liệt, các chiến dịch quan trọng qua lối vẽ mạnh mẽ, đầy kịch tính: “Trận chiến Hàm Rồng”, “Bộ đội vượt Trường Sơn”, “Giải phóng Sài Gòn”, “Người mẹ chiến binh”... Một chủ đề khác được ông thể hiện thành công là tình đồng đội và đời sống tinh thần của người chiến sĩ qua loạt tranh đầy xúc cảm như “Quan họ đến Trường Sơn”, “Chải tóc cho đồng đội”, “Giấc ngủ yên lành”... Đặc biệt, Phạm Lực không né tránh mặt tối của chiến tranh, mà đối diện và khắc họa sâu sắc nỗi đau, sự mất mát qua những tác phẩm giàu tính nhân văn như “Anh ơi, đừng chết!”, “Giỗ chồng”, “Hai anh thương binh”, “Tiễn chồng ra trận”..., như một lời nhắc nhở lặng lẽ nhưng day dứt về giá trị thiêng liêng của hòa bình.

Họa sĩ Phạm Lực xuất ngũ với quân hàm Đại tá. Thời gian nhập ngũ và phục vụ với tư cách là một họa sĩ quân đội đã tạo cho ông nguồn cảm hứng bất tận và giúp họa sĩ phát triển phong cách nghệ thuật đặc trưng, góp phần đưa tên tuổi Phạm Lực nổi danh trong làng mỹ thuật Việt Nam.
“Họa sĩ quốc dân”
Họa sĩ Phạm Lực được nhiều người yêu nghệ thuật gọi thân mật và đầy kính trọng là “họa sĩ quốc dân” bởi tài năng, nhân cách và ảnh hưởng rộng khắp của ông. Phạm Lực không đơn thuần chỉ là một họa sĩ, ông chính là một người kể chuyện lịch sử dân tộc Việt bằng hội họa. Từ hình ảnh người lính trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc đến người mẹ tảo tần, người dân quê chân chất, cho đến những khoảnh khắc đời thường, tất cả đều được ông khắc họa bằng những nét bút đầy cảm xúc và chân thực.

Chính yếu tố phong phú trong màu sắc cũng như tâm trạng mà vẫn luôn làm nổi bật được vẻ đẹp ở bất kỳ đề tài nào đã khiến tranh Phạm Lực luôn thu hút người yêu tranh và nhà sưu tầm. Không chỉ nổi tiếng ở đề tài quân đội và những ngày tháng chiến tranh, tranh Phạm Lực được người yêu nghệ thuật săn đón ở tất cả các đề tài mà ông chạm đến: Truyền thống văn hóa Việt, phong cảnh Hà Nội, tĩnh vật và phong cảnh, vẻ đẹp người phụ nữ, vẻ đẹp của người lao động, nude, các vấn đề xã hội... Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu như “Rước Thánh Mẫu Thượng ngàn”, “Vui Trung thu”, “Đánh trận giả”, “Làng quê yêu dấu”, “Miền quê Nam Bộ”, “Chợ cá ven sông”, “Làng chài”, “Phố cổ mùa xuân về”, “Xích lô ngày mưa”, “Hà Nội trữ tình”, “Hà Nội mùa thu”, “Cô Lán”, “Người mẹ tảo tần”, “Ngóng con về”, “Cho con bú”, “Địu con đi bừa”, “Bón cơm cho cháu”, “Theo mẹ”, “Thiếu nữ ngồi tắm cầu ao”...

Dù là họa sĩ nổi tiếng, Phạm Lực vẫn sống rất khiêm nhường, gần gũi. Ông từng nói: “Tôi vẽ cho người dân xem chứ không chỉ cho giới phê bình nghệ thuật”. Điều đặc biệt là ông có thể vẽ ở mọi nơi, mọi đề tài, mọi chất liệu, từ bao tải, giấy báo cũ, giấy vụn, vẽ sơn dầu, bột màu, sơn mài, lụa... và tặng tranh cho người dân như một cách tri ân. Ông tự nhận mình là người bị “giời đày”, ngày nào cũng phải vẽ, không vẽ là ốm. Mỗi ngày trung bình ông có thể vẽ 10 bức tranh, có ngày thăng hoa có thể nhiều hơn thế.
Phạm Lực không chỉ vẽ bằng kỹ thuật điêu luyện mà còn bằng cảm xúc và lòng yêu nước. Với tinh thần phóng khoáng và ngẫu hứng, vẽ với ông là việc chớp lấy những cảm xúc bất chợt ùa về trong một trạng thái xuất thần.

Khi đã ở tuổi 80, ông vẫn vẽ mỗi ngày, vẫn trăn trở với từng nét cọ như người lần đầu được vẽ, chỉ khi bị ốm nặng đến mức không di chuyển được thì ông mới chấp nhận nghỉ ngơi. Tình yêu cháy bỏng và sự bền bỉ ấy đã khiến ông trở thành một biểu tượng sống cho niềm đam mê bất tận.
Họa sĩ Phạm Lực được yêu mến ví như “Van Gogh và Picasso của Việt Nam” bởi sức làm việc và sự say mê tìm tòi sáng tạo của ông. Ông là họa sĩ Việt Nam duy nhất có một Fan Club chính thức với hơn 100 thành viên trong và ngoài nước, hiện sở hữu phần lớn trong gia tài hơn 6.000 tác phẩm của ông. Một trong số những nhà sưu tầm say mê hội họa của Phạm Lực nhất có lẽ là Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Bộ sưu tập tranh Phạm Lực của ông có đến hơn 1.000 bức. Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng đã chắp bút viết cuốn sách “Cây cọ được Chúa cầm tay” dày 230 trang viết về cuộc đời và sự nghiệp hội họa của họa sĩ Phạm Lực.

Từ ngày 18 đến ngày 24-4-2025 tại Aqua Art 44 Yên Phụ, Ba Đình, Hà Nội, CLB sưu tập nghệ thuật Ngọc Hà phối hợp cùng nhà sưu tầm Nguyễn Sĩ Dũng tổ chức trưng bày các tác phẩm của họa sĩ Phạm Lực và ra mắt cuốn sách “Cây cọ được Chúa cầm tay”.