Đời sống

Dưới bóng hoa gạo

Nguyên 18/04/2025 - 08:41

“Bao giờ cho đến tháng Ba/ Hoa gạo rụng xuống, bà già cất chăn” - cuối xuân đầu hạ, khi tiết trời dần ấm lên cũng là lúc cây gạo trăm tuổi nơi hồ Gươm nở rộ. Sắc đỏ mãnh liệt phủ lên bóng cây sừng sững giữa bao la đất trời.

Lời ca lảnh lót về hoa gạo bỗng đâu lan theo cơn gió ùa vào lòng người, nhen nhóm bâng khuâng nhung nhớ về một thời thơ dại - chân như chim sáo, mặt mày lấm lem, nụ cười rạng rỡ phản chiếu ráng đỏ của những chùm hoa trong gió khẽ đung đưa.

Thị trấn nơi tôi sinh ra ngày ấy có cây hoa gạo to án ngữ ngay cửa chợ. Thân gạo mấy người ôm không xuể, tán xòe quanh mái ngói vòm cong cong. Vào mùa hoa nở, góc trời nơi đầu làng như lơ lửng những quả cầu nhỏ đỏ rực nổi bật trên nền trời xanh ngắt. Cánh hoa gạo xen lẫn trong mái tranh xám nhàn nhạt của dãy quán nhỏ, tô điểm chút thi vị cho chợ quê những buổi chiều vắng khách.

minh-hoa-1.jpg
Minh họa: Nguyên Sa

Lũ trẻ con chúng tôi thích hoa gạo nhất. Bọn con gái tranh nhau nhặt hoa gạo, xâu thành từng chuỗi, đứa đeo thành vòng cổ, vòng tay, đứa đội lên đầu, diễu qua diễu lại như vị hoàng đế uy nghi thị chúng. Bọn con trai lại ngửa cổ, nhấm nháp vị chua chua, giòn giòn, bùi bùi của những cánh hoa gạo gân đỏ dày mịn.

Lớn hơn một chút, lũ con trai ngại ngùng tặng hoa gạo cho con gái kết vòng. Bọn con gái khéo tay bắt đầu học cách nhồi bông gạo làm búp bê vải, làm gối rồi say sưa chơi trò “mẹ ru con”. Qua bao mùa hoa gạo, những đứa trẻ năm xưa nay đã trưởng thành, tỏa đi khắp muôn phương. Liệu chúng có nhớ đến tán gạo già, nơi lưu giữ lời thì thầm ngây ngô, cả những ước mơ hoài bão đội đá vá trời?

Hoa gạo rụng hết rồi ra quả. Khi quả gạo chín nứt ra, cây gạo như mọc đầy những cục bông trắng tinh, trông xa tựa đàn chim nhỏ. Gió thổi, đàn chim dáo dác bay. Ngàn sợi bông nhỏ lững lờ khắp không trung. Bông đậu nhẹ trên tóc, bông rơi hờ trên vai, bông ẩn sâu vào tâm tưởng. Tôi ngày bé lúc ấy luôn cảm thấy vào mùa bông gạo trắng, cả thị trấn bé nhỏ của tôi như mơ màng dưới màn mưa lồng lộng tơ trời.

Cây gạo còn gắn liền với hình ảnh bà tôi. Bà có quán hàng ở chợ. Ngày tôi bé xíu, mẹ đi dạy, sáng sáng chiều chiều tôi ngồi trong rổ một bên quang gánh theo bà mỗi buổi chợ. Quang gánh đung đưa, tôi ngón tay ngắn tũn bấu chặt mép thúng, mắt mở to háo hức nhìn chung quanh. Dáng bà liêu xiêu trên con đường ven đê dưới bóng hoa gạo khắc sâu trong ký ức của tôi, không bao giờ phai mờ.

Lớn hơn tôi lại được bà dắt tay qua cổng chợ, tôi nhớ bà hay dừng ngay dưới gốc gạo, nhìn lên ngọn cây cao vút đó. Sự thành kính kiêng dè hiện rõ trong mắt bà. Bà thường bảo “Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề”, dặn tôi không được bén mảng tới gần cây gạo lúc ban trưa. Những lúc nghe bà dặn dò, trong mắt tôi khi ấy màu đỏ hoa gạo, màu trắng sợi bông ma mị và cuốn hút lạ thường.

Hôm nào góc quán nhỏ của bà cũng đông khách. Người làng khen bà có duyên buôn bán thì bà chỉ mỉm cười, nhìn về phía cây gạo, cúi đầu lầm rầm những lời không thành tiếng. Bà bán được bó rau, ít củ nhà trồng xong sớm là tôi có ngay chút quà quê, khi củ khoai lang mật, lúc cái kẹo vừng... Bà để chúng vào một cái chén to, úp rổ lên trên. Món quà tấm bánh theo đôi quang gánh trên lưng bà chuyên chở niềm vui nho nhỏ đến cho tôi.

Mùa hoa gạo nở là giá lạnh đi qua, nhường chỗ cho những tia nắng ấm đầu hạ, chân bà tôi cũng bớt nhức, nụ cười móm mém thường trực hơn trên môi. Bà tôi thường mong mùa hoa gạo, lại e ngại khi mùa bông gạo bung nở. Còn cây gạo cứ mặc thời gian trôi vẫn hiên ngang đứng đó, chứng kiến sinh tử của đời người, sự tiếp nối không ngừng của các thế hệ, giống như vòng đời của cây: Hạt rơi xuống đất, đâm chồi nảy lộc thành cây; cây nở hoa; hoa ra quả; quả nhả hạt. Sự sống bắt đầu rồi kết thúc, nhưng kết thúc lại mở đầu một chu kỳ mới rộng hơn, bền bỉ và mãnh liệt hơn.