Xã hội

Hàng nghìn hộ dân Mỹ Đức "khát" nước sạch

Kim Nhuệ 18/04/2025 - 06:25

Thiếu nguồn nước sinh hoạt đang trở thành nỗi lo của hàng nghìn hộ dân tại huyện Mỹ Đức, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và giảm chất lượng chương trình xây dựng nông thôn mới.

Mùa hè cận kề, việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hệ thống cấp nước sạch tại đây càng trở nên cấp bách.

nuoc-sach.jpg
Công nhân Công ty cổ phần Nước sạch Hà Nam thi công đường ống truyền tải nước sạch tại xã Đại Hưng (huyện Mỹ Đức).

Được các cấp, các ngành của thành phố Hà Nội và huyện Mỹ Đức quan tâm, xã dân tộc miền núi An Phú đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới với đường làng, ngõ xóm, nhà văn hóa khang trang... Tuy nhiên, trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, người dân nơi đây không khỏi băn khoăn khi danh hiệu “nông thôn mới” chưa thực sự phản ánh đúng điều kiện sống thực tế, nhất là tiêu chí nước sạch sinh hoạt.

“Thiếu gạo còn dễ xoay xở, chứ thiếu nước ăn uống, tắm giặt thì khốn khó trăm bề…”, bà Nguyễn Thị Hoa, người dân thôn Gốc Báng (xã An Phú) chia sẻ. Từ tháng 10-2024 đến nay, gia đình bà Hoa phải lắp máy bơm, kéo gần 300m đường ống dẫn nước sót từ các con suối về tích trữ trong bể để tắm giặt. Còn ăn uống, dù dè xẻn thì mỗi tháng gia đình bà Hoa (6 nhân khẩu) phải mua hai xe nước sạch với giá 300.000 đồng/xe, tương đương 6m³ nước, nhưng không rõ chất lượng ra sao.

Trao đổi với phóng viên, Trưởng thôn Gốc Báng Quách Công Đoan cho biết, trước đây, người dân trong thôn sử dụng nước mưa và giếng khoan (công trình do tổ chức nhân đạo quốc tế hỗ trợ kinh phí xây dựng). Tuy nhiên, thời gian gần đây, giếng bị sụt lún, thời tiết lại ít mưa, nên 187 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu thiếu nước sạch nghiêm trọng. Nhiều hộ vay mượn hàng chục triệu đồng để khoan giếng lấy nước nhưng khoan sâu 70-80m vẫn không có nước, đành phải mua nước từ một người dân trong thôn về sử dụng.

Không riêng An Phú, tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt còn xảy ra tại các xã: Mỹ Xuyên, Phúc Lâm, Đồng Tâm, Thượng Lâm, Tuy Lai… Người dân phải chi tiền khoan giếng, xây bể lọc, mua máy xử lý nước. Đáng lo ngại hơn, tại các xã: An Tiến, Lê Thanh, Xuy Xá…, nhiều hộ không dám khoan giếng vì lo ngại sụt lún đất.

Thực tế, những địa phương này đã từng xảy ra tình trạng khoan giếng dẫn đến sụt nhà, nứt tường, khiến người dân lo lắng. Trong hoàn cảnh đó, họ buộc phải sử dụng nước từ giếng khơi hoặc nước mưa, dù biết có thể bị ô nhiễm.

“Biết những nguồn nước này có thể ô nhiễm nhưng chúng tôi cũng không còn lựa chọn nào khác và cũng không có tiền để mua máy lọc nước. Vì vậy, chúng tôi từng rất mừng khi biết thông tin thành phố quan tâm đầu tư hệ thống cấp nước sạch. Nhưng chờ mãi mà chưa thấy gì, không biết bao giờ người dân ở đây mới được sử dụng nước sạch từ dự án này”, một người dân xã An Tiến bày tỏ.

Liên quan nội dung trên, Phó Trưởng phòng Kinh tế, hạ tầng và đô thị huyện Mỹ Đức Lê Nghiêm Huấn cho biết, thành phố đã chấp thuận 2 doanh nghiệp đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch sinh hoạt tập trung trên địa bàn huyện. Đến nay, hai doanh nghiệp đã hoàn thành công trình, đang triển khai lắp đặt mạng cấp nước tại các xã: Hương Sơn, Vạn Tín, Đại Hưng, Hùng Tiến và thị trấn Đại Nghĩa. Các nhà đầu tư đang tiếp tục huy động nguồn lực để thi công hệ thống cấp cho 15 xã còn lại.

Phó Giám đốc Công ty TNHH Nước sạch Mỹ Đức Hoàng Hà thông tin, công ty đã đầu tư thay thế toàn bộ thiết bị xử lý nước thô tại Nhà máy Nước sạch Đại Nghĩa bằng công nghệ tiên tiến từ Đức và Nhật Bản. Hệ thống mới giúp bảo đảm chất lượng nước đầu ra đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Đến nay, công ty đã cấp nước sạch sinh hoạt cho 1.800 hộ dân tại thị trấn Đại Nghĩa, còn dư công suất để cấp cho khoảng 1.000 hộ dân có nhu cầu.

Còn Công ty cổ phần Nước sạch Hà Nam đã huy động lực lượng, phương tiện thi công đường ống truyền tải và đường ống dịch vụ, đấu nối đồng hồ cấp nước cho người dân các xã: Vạn Tín, Hùng Tiến, Đại Hưng, An Tiến. Công ty phấn đấu trong năm 2025 sẽ hoàn thành dự án xây dựng công trình cấp nước sạch sinh hoạt cho các xã còn lại của huyện Mỹ Đức, đúng tiến độ thành phố Hà Nội giao...

Thực tế cho thấy, xây dựng hệ thống cấp nước sạch không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn là điều kiện cần thiết để hoàn thiện tiêu chí nông thôn mới một cách thực chất, bền vững. Khi Mỹ Đức đã được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới, người dân mong mỏi, tiến độ hoàn thành công trình cấp nước sạch sinh hoạt tập trung cần được đẩy nhanh hơn nữa...