Đầu tư cho con người - yếu tố then chốt trong quá trình chuyển đổi xanh
“Đầu tư vào con người - Kiến tạo đội ngũ cho nền kinh tế tương lai” là chủ đề phiên thảo luận cấp Bộ trưởng sáng 17-4, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh diễn đàn đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư năm 2025 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc chủ trì phiên thảo luận, cùng sự tham gia của đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành và cơ sở đào tạo Việt Nam; đại diện chính phủ các quốc gia; các tổ chức quốc tế…
Việt Nam sẵn sàng tham gia mạng lưới giáo dục xanh toàn cầu
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc, thời gian qua Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành, nghề gắn kết với phát triển nền kinh tế tuần hoàn, tạo nền tảng cho phát triển nhân lực xanh. Cụ thể như, ban hành quy định về chuẩn chương trình đào tạo; thúc đẩy mạnh mẽ Khung trình độ quốc gia Việt Nam, đặc biệt đối với các nhóm ngành khoa học - công nghệ - kỹ thuật phục vụ Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số; nâng cao chất lượng đào tạo một số trường đại học trọng điểm, một số ngành nghề tiên tiến...
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc, trong tương lai, hệ thống giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học cần cập nhật và phát triển các chương trình đào tạo mới, tập trung vào phát triển các kỹ năng và chuyên môn học thuật, phục vụ các lĩnh vực then chốt, góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn như: công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo, nông nghiệp hữu cơ, xây dựng môi trường xanh, công nghệ môi trường, quản lý chất thải, tái chế vật liệu, logistics xanh và thiết bị sản phẩm bền vững;
Đặc biệt, Việt Nam ưu tiên phát triển các ngành nghề liên quan đến năng lượng tái tạo, kỹ thuật tái chế và quản lý chất thải thông minh - những lĩnh vực sẽ đóng vai trò trụ cột trong cấu trúc kinh tế xanh tương lai.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng ưu tiên hỗ trợ phát triển mô hình giáo dục - doanh nghiệp gắn kết thực tiễn tuần hoàn; tăng cường hợp tác quốc tế và tiếp cận tri thức xanh; tích cực mở rộng hợp tác với các quốc gia đã có kinh nghiệm xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và ứng phó biến đổi khí hậu; ưu tiên đầu tư và hỗ trợ chuyển đổi nghề xanh…
Chia sẻ về các mô hình hợp tác thành công giữa chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế trong việc xây dựng đội ngũ nhân lực xanh; những chính sách cụ thể nhằm chuẩn bị nhân lực sẵn sàng cho tương lai xanh tại Việt Nam, đồng thời gợi mở một số vấn đề tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc khẳng định: Việt Nam luôn sẵn sàng là đối tác đáng tin cậy trong kiến trúc toàn cầu về tăng trưởng xanh; đồng thời mong muốn cùng hợp tác xây dựng chương trình đào tạo quốc tế, học liệu mở, phát triển các dự án chung đào tạo nhân lực chất lượng cao và tham gia mạng lưới giáo dục xanh toàn cầu, chia sẻ thực tiễn và bài học kinh nghiệm để cùng thúc đẩy phát triển bền vững.
Tập trung đầu tư cho con người - nguồn nhân lực xanh
Các bên tập trung trao đổi các giải pháp phát triển nhân lực và thị trường lao động cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trên toàn cầu.
Các ý kiến đã chia sẻ, cùng nhận diện khoảng cách giữa các ngành nghề, kỹ năng hiện có và các ngành nghề, kỹ năng mới cho quá trình chuyển đổi xanh, trong đó xác định một trong những cột trụ quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi xanh, cam kết thực hiện Net Zero vào năm 2050 là phát triển nền kinh tế tuần hoàn, dựa trên nguyên tắc tối ưu hóa tài nguyên, giảm rác thải và thúc đẩy phát triển bền vững.
Chia sẻ về những cơ hội và thách thức trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi xanh, các ý kiến đồng tình với nhận định của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam về việc cần có chính sách ưu tiên đào tạo lại và chuyển đổi nghề cho lao động ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi quá trình chuyển đổi, coi đây là chìa khóa bảo đảm chuyển đổi phù hợp và không bỏ ai ở lại phía sau.
Ý kiến của các bên cũng khẳng định, giáo dục có vai trò quan trọng nhằm phát triển các ngành, nghề gắn với kinh tế tuần hoàn và đào tạo nguồn nhân lực có năng lực thích ứng và dẫn dắt quá trình chuyển đổi.
Chia sẻ định hướng chiến lược trong phát triển chương trình đào tạo, trong việc phát triển mô hình kết nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp - đối tác, Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc tế quốc dân Bùi Huy Nhượng nhận định, đầu tư cho nguồn nhân lực xanh không chỉ là cần thiết - mà còn là điều kiện sống còn. Nếu không kịp thời đầu tư vào con người - vào kỹ năng và ngành nghề cho tương lai, thì quá trình chuyển đổi xanh sẽ bị chậm lại, và nguy cơ bất bình đẳng mới sẽ gia tăng.
Thống nhất nhận định rằng, quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế không chỉ là việc của riêng Chính phủ, mà là của mọi công dân, đại diện các tổ chức quốc tế như UNICEF, UNESCO và các quốc gia cho rằng, việc trang bị cho lực lượng lao động các kỹ năng trong việc xây dựng nền kinh tế xanh là vấn đề cần được quan tâm, trong đó cần coi trọng hơn sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái.
Các bên cũng khẳng định cam kết đồng hành trong chuyển đổi xanh tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trong đó đầu tư cho con người là then chốt để kiến tạo đội ngũ cho nền kinh tế tương lai.
Việt Nam có chính sách cụ thể nhằm chuẩn bị nhân lực sẵn sàng cho tương lai xanh, thể hiện rõ tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Trong đó, xác định xây dựng hệ thống giáo dục mở, công bằng và bình đẳng, phục vụ học tập suốt đời; phấn đấu đến năm 2030 đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á (tỷ lệ hoàn thành cấp tiểu học đạt 99,7%, trung học cơ sở đạt 99%, trung học phổ thông đạt 95%).