Y tế

Tự ti với thân hình 102 kg, cô gái 28 tuổi rơi vào trầm cảm

Thu Trang 17/04/2025 - 09:53

Nặng 102 kg, cô gái 28 tuổi ở Hưng Yên rơi vào trầm cảm nặng nề vì những lời kỳ thị về ngoại hình.

Ngày 17-4, theo tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức, cô gái 28 tuổi này là N.T.D (ở Hưng Yên). Với thân hình “quá khổ” không chỉ gây khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày mà còn hạn chế cơ hội công việc khiến D ngày càng tự ti, mặc cảm.

co-gai-beo-phi.jpg
Bệnh nhân D được thăm khám trước khi phẫu thuật. Ảnh: BVCC

Thậm chí, D luôn né tránh giao tiếp, sợ ánh nhìn soi mói và những lời chê bai cay nghiệt từ những người xung quanh. Áp lực tâm lý đè nặng khiến cô rơi vào trạng thái trầm cảm, tuyệt vọng, thậm chí có ý nghĩ tự tử. Chính vì vậy, cô đã tìm đến Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức để điều trị.

Tiến sĩ-bác sĩ Bùi Thanh Phúc, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Cấp cứu tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức cho biết, với chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) = 39, bệnh nhân D được chẩn đoán béo phì nặng, vượt xa ngưỡng BMI bình thường của người châu Á (dưới 23). Hậu quả là cơ thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng: Rối loạn mỡ máu, tăng cholesterol, tăng nguy cơ bệnh tim mạch; thoái hóa khớp, đặc biệt là hai đầu gối đau nhức, đi lại khó khăn; vận động hạn chế, không thể tập thể dục, chạy bộ.

“Sau nhiều lần áp dụng phương pháp điều trị nội khoa nhưng thất bại, bệnh nhân D đã được chỉ định phẫu thuật theo khuyến cáo của Bộ Y tế”, bác sĩ Bùi Thanh Phúc thông tin.

Hiện, bệnh viện đã triển khai nhiều kỹ thuật phẫu thuật điều trị béo phì, trong đó phẫu thuật nội soi tạo hình dạ dày ống đứng được áp dụng phổ biến nhất. Tính đến nay, bệnh viện đã thực hiện hơn 500 ca phẫu thuật, giúp nhiều bệnh nhân giảm cân bền vững và cải thiện đáng kể tình trạng sức khỏe.

Béo phì không chỉ là vấn đề về cân nặng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe toàn diện, từ tâm lý, xã hội đến thể chất. Tình trạng này có thể dẫn đến nhiều bệnh lý như: Gan nhiễm mỡ, bệnh tim mạch, vô sinh, bệnh khớp và thậm chí là rối loạn chuyển hóa trong não.

Các chuyên gia Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức nhấn mạnh, điều trị bệnh béo phì là một liệu trình toàn diện cả chế độ sinh hoạt, điều trị từ nội khoa đến điều trị tâm lý và ngoại khoa. Do đó, có nhiều phương pháp được áp dụng để giảm béo, như: Tăng cường tập thể dục, thể thao tiêu hao năng lượng, giảm lượng thức ăn đưa vào cơ thể. Tuy nhiên, đây là một thử thách lớn đối với người béo phì, đòi hỏi sự kiên trì và thay đổi thói quen ăn uống.

Ngoài ra, hiện nay, có một số loại thuốc giảm béo đã được kiểm chứng và cấp phép nhưng số lượng rất hạn chế do tác dụng phụ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Việc sử dụng thuốc cần được giám sát bởi bác sĩ chuyên khoa, tránh các sản phẩm trôi nổi trên thị trường vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thậm chí có thể đe dọa tính mạng.

Do đó, việc điều trị béo phì cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia giàu kinh nghiệm để đảm bảo hiệu quả, giảm thiểu nguy cơ biến chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.