Nghị quyết số 57-NQ/TW - Lối ra cho các viện nghiên cứu công lập:Bài cuối: Cơ chế mới, kỳ vọng lớn
Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng để thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trước vận hội mới này, các viện nghiên cứu cần có những thay đổi mạnh mẽ để tận dụng tối đa cơ hội, nâng cao hiệu quả hoạt động, bắt nhịp với các hướng nghiên cứu hiện đại của thế giới và đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước.
Tín hiệu tích cực từ chủ trương mới
Ngay sau khi các Nghị quyết về chính sách đột phá mới được ban hành (Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ) hầu hết các nhà khoa học đã bày tỏ sự phấn khởi, kỳ vọng rất lớn vào sự thay đổi.

Theo Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân, Nghị quyết số 57-NQ/TW đã chạm đến những vấn đề cốt lõi, gợi mở cơ chế, tháo gỡ điểm nghẽn. Ba đột phá quan trọng của nghị quyết. Thứ nhất là tăng chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) lên 2% GDP. Nếu tính trên GDP năm 2024 là 230 nghìn tỷ đồng. Trước đây, mức chi cho nghiên cứu rất thấp. Đơn cử, kinh phí cấp cho Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh mỗi năm khoảng 100 tỷ đồng, trong khi nhà trường có hơn 1.600 tiến sĩ, chưa kể nhiều người có năng lực cũng mong muốn nghiên cứu. Đột phá thứ hai là giao quyền tự chủ tài chính cho các nhà khoa học và đơn vị chủ quản. Đột phá thứ ba là chấp nhận rủi ro, tạo cho nhà khoa học không gian rộng hơn để sáng tạo.
TS Đỗ Tiến Phát (Viện Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cũng kỳ vọng, với chính sách thông thoáng, cơ chế đãi ngộ hợp lý và sự tự chủ về tài chính, các viện nghiên cứu sẽ có cơ hội thu hút thêm nhiều chuyên gia nước ngoài cũng như các nhà khoa học, nghiên cứu sinh... là người Việt Nam ở nước ngoài về tham gia vào các chương trình, dự án nghiên cứu chung.

Theo GS.TSKH. Viện sĩ Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam, Nghị quyết số 57-NQ/TW đã tạo ra một cơ chế rất rõ ràng để thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhưng để tận dụng được cơ hội này thì bản thân các viện nghiên cứu công lập cũng phải thay đổi mạnh mẽ tư duy và cách làm việc.
Thứ nhất, cần thay đổi nhận thức. Các Viện nghiên cứu cần phải tạo ra sản phẩm, công nghệ mà thị trường cần và doanh nghiệp đặt hàng chứ không phải những thứ mà các Viện có thể làm. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng phải tự chủ hơn trong nghiên cứu: Chủ động tìm kiếm nguồn tài trợ, hợp tác với doanh nghiệp để thương mại hóa sản phẩm của mình, thay vì chỉ phụ thuộc vào các đề tài nhà nước đặt hàng.
Thứ hai, chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các kết quả nghiên cứu cần được đẩy mạnh. Nếu một nhà khoa học nghiên cứu ra sản phẩm mới, nhưng sau đó bị sao chép, nhân rộng mà không có quyền lợi rõ ràng thì sẽ không ai còn động lực nghiên cứu. Vì vậy, cần có những chính sách chặt chẽ để bảo đảm quyền lợi cho các nhà khoa học và doanh nghiệp.
Để triển khai hiệu quả các nghị quyết
GS.TS Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp phân tích: Khoa học công nghệ của chúng ta đang chuyển từ thuần túy ứng dụng công nghệ sang sáng tạo công nghệ và đây là giai đoạn rất quan trọng. Ở giai đoạn này, rủi ro trong nghiên cứu sẽ cao hơn, mức đầu tư yêu cầu lớn hơn, dài hạn hơn, theo định hướng chiến lược nhất định. Nếu không đầu tư đủ kinh phí, tổ chức hệ thống hiệu quả, không những không chuyển sang sáng tạo ra công nghệ được mà phát triển các ứng dụng công nghệ cũng sẽ là thách thức. Điều này, buộc chúng ta phải sắp xếp hệ thống theo hướng tinh gọn, tránh chồng chéo, phân công rõ ràng, cấp kinh phí hoạt động thường xuyên cho các đơn vị để họ theo đuổi nhiệm vụ chính trị dài hạn mà họ được phân công lúc thành lập ra.

Ông Hàm cho rằng, để các Nghị quyết của Đảng thực sự đi vào cuộc sống, sắp tới đây, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn và tổ chức thực hiện phải “thấu hiểu” được những vướng mắc, khó khăn đang cản trở khoa học công nghệ và phải được triển khai đúng theo tinh thần định hướng trong Nghị quyết số 57-NQ/TW. Tránh tình trạng lâu nay, Nghị quyết được ban hành rất đúng và trúng nhưng các quy định của Luật và văn bản dưới Luật lại “làm khó” cơ sở theo kiểu “trên rải thảm, dưới rải đinh”.
Theo PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, mô hình “đầu tư công - quản trị tư” chính là chìa khóa để thúc đẩy cơ chế tự chủ tại các viện nghiên cứu công lập. “Một mặt, Nhà nước cần tiếp tục khẳng định vai trò đầu tư công, tăng cường đầu tư vào khoa học công nghệ kết hợp với cơ chế ‘quản trị tư’ sẽ hình thành các quỹ nghiên cứu hiệu quả hơn. Trên thực tế, luật pháp đã quy định về các quỹ này nhưng việc thực hiện còn hạn chế. Do đó, ‘đầu tư công - quản trị tư’ được kỳ vọng sẽ huy động được nguồn lực từ xã hội. Điều này sẽ tạo nền tảng để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng nghiên cứu vốn đã chịu nhiều hạn chế trong suốt thời gian dài. Đặc biệt là bảo đảm được mức sống ổn định cho các nhà khoa học chúng ta mới giữ được nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần xây dựng nền khoa học công nghệ bền vững” – ông Đào Thế Anh chia sẻ.

Để tận dụng được cơ hội của Nghị quyết số 57-NQ/TW, theo TS. Nguyễn Hữu Xuyên, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Chiến lược và Chính sách khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), các viện nghiên cứu công lập cần xây dựng kế hoạch (ngắn hạn, trung hạn, dài hạn) trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, có sự gắn kết chặt chẽ với nhu cầu thực tiễn sản xuất kinh doanh, nhu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội bền vững; không ngừng nâng cao năng lực nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thu hút, sử dụng và trọng dụng nhân tài; hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu chuyên sâu... Đồng thời chủ động lựa chọn vấn đề nghiên cứu, tư vấn, đào tạo là thế mạnh của mình, đặc biệt các nghiên cứu về chiến lược, chính sách, về chuyển giao, giải mã và sáng tạo công nghệ chiến lược, công nghệ lõi, công nghệ nền. Bên cạnh đó, cần tạo lập mối quan hệ hợp tác, liên kết với doanh nghiệp, với Nhà nước - với tư cách là cơ quan đặt hàng để chuyển hóa hóa nhanh kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, góp phần gia tăng thu nhập và nâng cao năng lực thực chiến cho cán bộ nghiên cứu.

Để bảo đảm tính độc lập và khách quan trong nghiên cứu khoa học, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính) Đặng Huy Đông đề xuất, nên để tất cả các viện nghiên cứu cạnh tranh lẫn nhau bằng trí tuệ, năng lực và chất lượng. Nghĩa là nên chấm dứt việc giao đề tài nghiên cứu khoa học ở các Bộ như hiện nay mà chuyển sang cơ chế đấu thầu dự án khoa học công nghệ công khai và khách quan, không phân biệt người tham gia đấu thầu là tổ chức khoa học công nghệ hay nhà khoa học, nhóm nhà khoa học độc lập. Như thế, Nhà nước sẽ chọn được những cái tốt nhất, chứ không phải đề tài ấy chỉ giao cho đúng một viện nghiên cứu và buộc phải sử dụng kết quả của họ. Cũng theo ông Đông, để tránh đầu tư dàn trải, Nhà nước chỉ nên giữ lại các viện nghiên cứu làm những nhiệm vụ mang tính dẫn dắt, mang tính định hướng lớn của đất nước.
PGS.TS Vũ Hải Quân nhìn nhận, thời gian tới, cần tập trung các đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ về một đầu mối duy nhất, thay vì phân tán ở nhiều bộ ngành, địa phương. Nhà nước phải xác định các sản phẩm, công nghệ chiến lược quốc gia, có định hướng chương trình trọng điểm để ưu tiên đầu tư. Thực tế hiện nay, nhiều đề tài trùng lặp, na ná nhau, do mỗi bộ ngành, địa phương có chương trình nghiên cứu riêng. Thế nên mới có tình trạng một số nhà khoa học cùng một đề tài nhưng làm ở nhiều chỗ khác nhau mà không bị phát hiện. Khi thực hiện chuyển đổi số toàn diện, mọi đề tài đều công khai, minh bạch trên một nền tảng chung duy nhất thì tình trạng này rất khó xảy ra. Dần dần, đây sẽ trở thành sàn giao dịch sản phẩm khoa học công nghệ, nơi kết nối giữa nhà khoa học với doanh nghiệp. Các công ty có thể tìm kiếm giải pháp khoa học tại đây để thương mại hóa, từng bước kiến tạo hệ sinh thái khoa học công nghệ.

“Để đạt kết quả đó, Nhà nước cần xây dựng kế hoạch thực thi Nghị quyết số 57-NQ/TW tổng thể, theo lộ trình, giao một số địa phương, trường đại học, doanh nghiệp tiên phong triển khai rồi đánh giá, nhân rộng. Đây là bước tạo đà cho những năm sau. Nếu chúng ta nhất quán, kiên định đi theo đúng lộ trình của Nghị quyết số 57-NQ/TW, các viện/trường sẽ có bước phát triển đột phá, giải phóng mọi nguồn lực, từ con người, thể chế đến kinh tế. Ba yếu tố này cộng hưởng sẽ tạo ra xung lực rất lớn cho xã hội”- PGS.TS Vũ Hải Quân chỉ rõ.