Chuyển đổi số

Tăng tốc kết nối, thúc đẩy hạ tầng số quốc gia

Việt Nga 17/04/2025 - 06:29

Ngay đầu tháng 4-2025, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành 2 thông tư quan trọng liên quan đến mở rộng dung lượng kết nối cho mạng Wi-Fi và mạng 5G. Đây được coi là bước đi chiến lược nhằm hỗ trợ các nhà mạng tăng tốc độ kết nối đáp ứng nhu cầu sử dụng các thiết bị không dây của người dùng và thúc đẩy phát triển kinh tế số…

mang-5g.jpg
Kỹ sư VNPT Hà Nội kiểm tra chất lượng mạng 5G.

Mở “đường cao tốc” cho kết nối

Cụ thể Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 01/2025/TT-BKHCN về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 08/2021/TT-BTTTT ngày 14-10-2021 quy định Danh mục thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, điều kiện kỹ thuật và khai thác kèm theo. Điểm nhấn đáng chú ý tại văn bản này là việc bổ sung 500MHz thuộc băng tần 6 GHz (từ 5925-6425 MHz) cho các thiết bị mạng không dây nội bộ (Wi-Fi), theo hình thức miễn cấp phép nhằm tăng cường kết nối không dây tốc độ cao. Cùng với đó, Thông tư số 02/2025/TT-BKHCN về Quy hoạch phân kênh tần số vô tuyến điện cho nghiệp vụ cố định băng tần 71-76GHz và 81-86GHz, trong đó quy hoạch phân kênh tần số vô tuyến điện cho nghiệp vụ cố định băng tần 71-76GHz và 81-86GHz (còn gọi là băng tần E) nhằm tạo thuận lợi cho triển khai hạ tầng truyền dẫn tốc độ siêu cao để phát triển mạng 5G trên toàn quốc.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về Thông tư số 01/2025/TT-BKHCN, đại diện Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, nhu cầu sử dụng Wi-Fi tại Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, gắn liền với sự phổ cập của điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop, tivi thông minh, cũng như sự phát triển nhanh chóng của các thiết bị đeo, thiết bị IoT, phương tiện bay không người lái (drone)… Tuy nhiên, phổ tần dành cho Wi-Fi nhiều năm qua gần như không thay đổi, chủ yếu dựa vào hai băng tần truyền thống là 2,4GHz và 5GHz với tổng băng thông khoảng 663,5MHz - đã không còn đủ đáp ứng nhu cầu kết nối hiện tại.

Trong khi đó, đến tháng 4-2025, đã có 64 quốc gia cho phép sử dụng Wi-Fi 6E và Wi-Fi 7 trên băng tần 6GHz, cho thấy, bổ sung băng tần 6GHz là xu thế công nghệ toàn cầu. Băng tần 6GHz mang lại nhiều ưu điểm vượt trội, cho phép truyền tải dữ liệu nhanh hơn, độ trễ thấp hơn, đáp ứng hiệu quả các ứng dụng như thực tế ảo/tăng cường (VR/AR), game trực tuyến, truyền phát video 8K, cũng như các dịch vụ về trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật kết nối (IoT) và vũ trụ ảo (metaverse)…

Đối với Thông tư số 02/2025/TT-BKHCN, đại diện Cục Tần số vô tuyến điện cho biết, việc các nhà mạng được cấp phép thương mại hóa dịch vụ 5G toàn quốc đặt ra yêu cầu cấp bách về nâng cấp hạ tầng truyền dẫn. Với khả năng cung cấp tốc độ vượt trội và kết nối đồng thời hàng triệu thiết bị, mạng 5G đòi hỏi các tuyến truyền dẫn - đặc biệt là các tuyến viba kết nối giữa các trạm gốc - phải đáp ứng được băng thông cực lớn, hỗ trợ tốc độ lên đến 10Gbps và độ rộng kênh có thể lên tới 2.000MHz. Trong khi đó, hiện tại các băng tần viba dưới 30GHz chỉ cho phép dung lượng truyền dẫn tối đa khoảng 2Gbps do hạn chế về độ rộng kênh. Do vậy, việc cấp thêm băng tần E là có khả năng cung cấp dung lượng lớn, độ rộng kênh từ 250MHz đến 2.000MHz, lại ít bị ảnh hưởng do thời tiết khi trời mưa…

Bằng việc ban hành 2 thông tư hoàn toàn về kỹ thuật như nêu trên, Bộ Khoa học và Công nghệ không chỉ chủ động trong chỉ đạo, điều hành, mà còn mở ra tuyến “đường cao tốc” cho phát triển hạ tầng số.

Giải bài toán truyền dẫn trong kỷ nguyên mới

Thực tế, các nhà mạng trong nước đã phát triển các giải pháp tích hợp kết nối internet cáp quang với công nghệ Wi-Fi thế hệ mới (Wi-Fi 6E, Wi-Fi 7) mang lại khả năng truyền tải mạnh mẽ, độ trễ thấp, vùng phủ rộng, đáp ứng nhu cầu kết nối đa thiết bị...

Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Nguyễn Nam Long, là nhà khai thác băng rộng cố định lớn nhất Việt Nam, hiện đang “nắm giữ” gần ½ số thuê bao internet cáp quang là hộ gia đình, việc tiên phong triển khai công nghệ internet cáp quang thế hệ mới là cách để VNPT tập trung vào chiến lược cốt lõi của mình về công nghệ và phục vụ chuyển đổi số quốc gia...

Được biết, các nhà mạng còn lại cũng đã triển khai thiết bị tích hợp Wi-Fi 6E, Wi-Fi 7 cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.

Ngay sau khi Bộ Khoa học và Công nghệ quy hoạch bổ sung thêm 500MHz thuộc băng tần 6GHz cho mạng Wi-Fi theo hình thức miễn cấp phép, cũng ngay trong đầu tháng 4 này, 3 nhà mạng VNPT, Viettel, FPT đã lần lượt công bố việc nâng cấp gói cước internet cố định tối thiểu lên tốc độ 300Mbps áp dụng cho tất cả khách hàng được tận hưởng internet tốc độ siêu cao, giá không đổi và cạnh tranh.

Về bổ sung băng tần E, mạng 5G cung cấp băng rộng di động vượt trội so với 4G, vì vậy mà mạng lưới trạm gốc 5G cũng cần được kết nối băng rộng với nhau. Giải pháp là sử dụng các kết nối cáp quang hoặc sử dụng sóng vô tuyến và trong trường hợp không thể kéo cáp do địa hình phức tạp, như khu vực vùng ven, miền núi, hải đảo...

Trong bối cảnh Đảng, Nhà nước coi khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là trụ cột, là khâu đột phá, thì việc ban hành chính sách có tính bước ngoặt, mở “đường cao tốc” cho phát triển hạ tầng số phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế số, chuyển đổi số quốc gia là điều kiện cần và rất quan trọng.