Thêm sức cạnh tranh cho sản phẩm OCOP
Trong hành trình xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế nông thôn bền vững, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã trở thành điểm sáng nổi bật của Hà Nội. Tuy nhiên, để các sản phẩm OCOP không chỉ “đẹp về hình thức” mà còn “mạnh về nội lực”, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, rất cần chiến lược bài bản, hành động quyết liệt, đồng bộ.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, đến nay, thành phố đã đánh giá, phân hạng được 3.317 sản phẩm OCOP, dẫn đầu cả nước về số lượng. Không ít sản phẩm trong số đó đạt tiêu chuẩn 4 sao, 5 sao. Nhiều đặc sản truyền thống của Hà Nội như lụa Vạn Phúc, gốm sứ Bát Tràng, giò chả Ước Lễ, miến dong làng So, trà sen Tây Hồ… bước đầu khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Tuy nhiên, số sản phẩm thực sự có mặt thường xuyên ở hệ thống phân phối hiện đại, tham gia xuất khẩu vẫn còn hạn chế. Điều đó cho thấy, bên cạnh kết quả tích cực, sức cạnh tranh tổng thể của sản phẩm OCOP Hà Nội chưa tương xứng với tiềm năng.
Muốn thay đổi điều đó, yếu tố đầu tiên và căn cốt chính là phải nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, không chỉ dừng ở việc đạt các tiêu chí đánh giá sao, sản phẩm OCOP phải thực sự hấp dẫn về mẫu mã, ổn định về chất lượng, an toàn cho sức khỏe và phù hợp với thị hiếu tiêu dùng. Công nghệ chế biến sâu, tiêu chuẩn hóa quy trình sản xuất, xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc... là những yếu tố nền tảng giúp các sản phẩm OCOP khẳng định được giá trị bền vững. Bên cạnh đó, quảng bá và xúc tiến thương mại là khâu then chốt, cần được đẩy mạnh.
Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm OCOP tuy chất lượng tốt nhưng vẫn “lặng tiếng” vì thiếu kênh tiêu thụ, thiếu kết nối thị trường. Việc tổ chức các hội chợ OCOP, tuần lễ nông sản, đưa sản phẩm vào siêu thị, trung tâm thương mại hay các điểm du lịch là hướng đi đúng, cần được nhân rộng, duy trì thường xuyên và chuyên nghiệp hơn. Đồng thời, cơ quan chức năng cần khuyến khích chủ thể OCOP tận dụng thương mại điện tử để sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu mạnh…
Một giải pháp khác cần đặc biệt quan tâm là gắn sản phẩm OCOP với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn. Hà Nội có nhiều làng nghề truyền thống đặc sắc như: Bát Tràng, Vạn Phúc, Đường Lâm, Chuông, Quảng Phú Cầu... Mỗi tour du lịch đều có điểm dừng để trải nghiệm và giới thiệu sản phẩm OCOP sẽ tạo ra trải nghiệm độc đáo cho du khách, đồng thời có thêm kênh tiêu thụ. Việc xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các khu du lịch sẽ góp phần quảng bá thương hiệu OCOP Hà Nội.
Vẫn phải nhấn mạnh, chất lượng sản phẩm là yếu tố then chốt quyết định sự thành công trên thị trường. Do vậy thành phố cần tiếp tục hỗ trợ các chủ thể nâng cấp những sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng hằng năm để dự thi nâng hạng sản phẩm OCOP, trong đó tập trung hỗ trợ xây dựng sản phẩm tiềm năng 5 sao đề nghị Trung ương công nhận; khuyến khích các chủ thể OCOP đầu tư vào công nghệ chế biến sâu, cải tiến mẫu mã, bao bì và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, việc phát triển sản phẩm đặc sản bản địa với giá trị gia tăng cao sẽ tạo lợi thế cạnh tranh bền vững. Mặt khác, thành phố cần thiết lập cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất, bảo đảm sản phẩm OCOP duy trì tiêu chuẩn đã được công nhận. Việc minh bạch thông tin về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm sẽ tăng cường niềm tin trong tiêu dùng.
Với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành và sự nỗ lực của các chủ thể, sản phẩm OCOP Hà Nội sẽ ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế nông thôn bền vững và nâng cao đời sống người dân.