Nông nghiệp - Nông thôn

Phú Xuyên: 74 tập thể, cá nhân được khen thưởng về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024

Bạch Thanh 16/04/2025 - 21:55

Chiều 16-4, UBND huyện Phú Xuyên tổ chức tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.

phu-xuyen-khen-thuong2(1).jpg
Lãnh đạo huyện Phú Xuyên khen thưởng các tập thể, cá nhân. Ảnh: Sơn Tùng

Là huyện nằm ở khu vực thường xuyên chịu tác động của thiên tai, thời tiết cực đoan, năm 2024, Phú Xuyên ghi nhận nhiều hình thái khí hậu bất lợi, ảnh hưởng nặng nề tới sản xuất nông nghiệp, hạ tầng giao thông và đời sống người dân. Đặc biệt, cơn bão số 3 đã để lại hậu quả nặng nề, khiến 2 người bị thương, tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính lên tới hơn 20 tỷ đồng. Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều tuyến đê, kênh dẫn nước dọc sông Nhuệ, sông Duy Tiên, sông Lương trên địa bàn huyện Phú Xuyên cũng gặp sự cố sạt trượt, tràn bờ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng, chống lũ, bảo vệ mùa màng và an toàn dân sinh.

phu-xuyen-khen-thuong.jpg
Lãnh đạo huyện Phú Xuyên khen thưởng các tập thể, cá nhân. Ảnh: Sơn Tùng

Trong năm qua, huyện Phú Xuyên cũng đối mặt với nhiều sự cố khác, như: 19 vụ cháy, 3 vụ cứu nạn, cứu hộ, cho thấy tính chất phức tạp, đa dạng của công tác bảo vệ an toàn cộng đồng trên địa bàn. Xác định phòng ngừa là giải pháp căn cơ, các cấp, ngành trong huyện bám sát chỉ đạo của trung ương, thành phố, thường xuyên cập nhật văn bản hướng dẫn, chủ động tham mưu, điều hành các phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp điều kiện thực tế.

Năm 2024, toàn huyện thực hiện đồng bộ phương châm “4 tại chỗ” chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, bảo đảm sẵn sàng ứng phó khi có thiên tai xảy ra. Công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó với rủi ro thiên tai đã được triển khai sâu rộng tới các xã, thị trấn và người dân.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, vi phạm pháp luật về đê điều tiếp tục phát sinh ở một số địa phương. Riêng năm 2024 và ba tháng đầu năm 2025, trên địa bàn huyện có tới 22 trường hợp vi phạm Luật Đê điều và 56 trường hợp vi phạm Luật Thủy lợi. Việc xử lý, khắc phục các vi phạm này còn thiếu kiên quyết, dứt điểm.

px4.jpg
Cơn bão số 3 năm 2024 khiến nhiều nông dân khu vực bãi Chim, xã Khai Thái bị thiệt hại nặng nề. Ảnh: Sơn Tùng

Bên cạnh đó, nguồn lực dành cho công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn còn hạn chế, phụ thuộc lớn vào ngân sách thành phố. Hệ thống đê điều, thủy lợi đã được đầu tư, nâng cấp, song vẫn chưa đồng bộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong bối cảnh thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp.

Trước dự báo thời tiết năm 2025 tiếp tục có nhiều biến động khó lường, Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Bính yêu cầu các cấp, ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là. Ngay từ bây giờ, cần rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, phân công rõ ràng trách nhiệm từng thành viên.

Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Bính cũng yêu cầu các xã, thị trấn xử lý triệt để các hành vi lấn chiếm hành lang an toàn đê điều, xây dựng công trình trái phép cản trở dòng chảy, đồng thời rà soát kỹ các khu dân cư, kho tàng, bến bãi có nguy cơ ngập úng, sạt lở để có phương án di dời khi cần thiết.

phu-xuyen-khen-thuong4.jpg
Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Sơn Tùng

Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện là cơ quan thường trực của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện được giao nhiệm vụ tham mưu UBND huyện về biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; đồng thời, phối hợp với các đơn vị chuyên môn xây dựng phương án kỹ thuật xử lý sự cố đê điều, thủy lợi, bảo đảm an toàn trong mọi tình huống.

Nhân dịp này, UBND huyện Phú Xuyên đã biểu dương, khen thưởng 74 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.