Giao thông

Giai đoạn 2025-2030, Hà Nội tập trung phát triển các tuyến buýt sử dụng điện, năng lượng xanh

Tuấn Lương 16/04/2025 - 20:10

Ngày 16-4, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 2066/QĐ-UBND phê duyệt “Đề án đánh giá tổng thể mạng lưới xe buýt làm cơ sở đề xuất các giải pháp nhằm điều chỉnh, nâng cao chất lượng dịch vụ và sản lượng vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố”.

xe-buyt-giai-toa-khach-tai-ben-xe.jpg
UBND thành phố Hà Nội vừa phê duyệt đề án đánh giá tổng thể mạng lưới xe buýt. Ảnh: Transerco

Theo đánh giá của UBND thành phố, trong những năm qua, mạng lưới xe buýt phát triển rộng khắp, cùng với đường sắt đô thị, xe buýt đã trở thành phương tiện giao thông đi lại nòng cốt trong đô thị.

Nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích cho dân Thủ đô tham gia loại hình dịch vụ này vượt trội so với các địa phương trong cả nước. Hình thức vé cơ bản đa dạng với nhiều đối tượng khác nhau.

Đoàn phương tiện xanh, sạch thân thiện với môi trường bước đầu đã được triển khai (đến nay đã có 348 xe sử dụng năng lượng sạch, đạt 18,5%).

Chất lượng đoàn xe được nâng cao, chủng loại xe hoạt động đa dạng phù hợp với điều kiện hạ tầng khu vực. Thông tin về mạng lưới phục vụ người dân được kịp thời (đã triển khai nhiều ứng dụng “Tìm buýt, Busmap, Vinbus...” để phục vụ tra cứu thông tin cho hành khách)…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì kinh phí trợ giá vẫn ở mức cao; tốc độ, thời gian di chuyển của xe buýt vẫn còn chậm (tốc độ khai thác bình quân khu vực nội thành chỉ đạt 16,6 km/h) chưa thật sự hấp dẫn đối với hành khách, dẫn tới tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ vẫn chưa đáp ứng được mong muốn.

Tỷ lệ phương tiện chất lượng cao, thân thiện với môi trường còn thấp (đến nay mới chỉ đạt 18,5%) do cơ chế chính sách hỗ trợ đổi mới, nâng cao chất lượng phương tiện (xanh, sạch) cho doanh nghiệp vẫn còn khó tiếp cận do còn thiếu cơ chế ưu tiên và hướng dẫn vay vốn.

Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng xe buýt còn thiếu và chưa thật sự thuận tiện cho việc tiếp cận người dân do quỹ đất xây dựng các điểm đầu/cuối, trung chuyển, làn ưu tiên/dành riêng còn thiếu và gặp nhiều khó khăn.

Việc mở rộng mạng lưới chưa đáp ứng được hết nhu cầu đi lại của người dân; một số tuyến buýt hiệu quả hoạt động chưa cao do mạng lưới xe buýt chưa thực sự tối ưu, một số tuyến buýt có tần suất và sức chứa còn chưa phù hợp với nhu cầu đi lại thực tế…

Căn cứ hiện trạng nhu cầu đi lại hiện nay và kế hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng trong thời gian tới, thành phố đề xuất lựa chọn phương án phát triển và tỷ lệ đáp ứng theo mức kịch bản thấp (tỷ lệ đáp ứng vận tải hành khách công cộng năm 2025 là 20%, năm 2030 là 30%, năm 2035 là 40%).

doan-xe-buyt-dien-san-sang-ra-tuyen.jpg
Thành phố Hà Nội đang nỗ lực chuyển đổi xe buýt sạch, thân thiện môi trường. Ảnh: Tuấn Lương

Đề án đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố. Cụ thể tiếp tục điều chỉnh, hợp lý hóa mạng lưới tuyến; phát triển mạng lưới tuyến xe buýt theo 2 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 2025-2030 tập trung phát triển các tuyến buýt sử dụng điện, năng lượng xanh kết nối với các tuyến đường sắt đô thị (phát triển theo tiến độ các tuyến đường sắt đô thị đưa vào khai thác vận hành), các khu đô thị mới, trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia, bảo tàng.

Giai đoạn 2031-2035 phát triển theo hướng hỗn hợp phù hợp với phát triển hạ tầng giao thông đường bộ; hình thành các điểm trung chuyển xe buýt gần các giao cắt giữa trục chính với tuyến vành đai để làm cơ sở phát triển các tuyến buýt từ ngoại thành kết nối đến điểm trung chuyển hoặc đầu mối giao thông (bến xe) sau đó hành khách sẽ được chuyển tiếp bằng hệ thống xe buýt nội đô vào khu vực trung tâm theo tiến độ phát triển các bến xe, điểm trung chuyển phát triển mới.

Phát triển tuyến xe buýt kết nối trực tiếp từ trung tâm của các đô thị vệ tinh tới các điểm trung chuyển ở khu vực vành đai của đô thị trung tâm; phát triển các tuyến xe buýt trên nền các tuyến buýt nhanh - BRT, đường sắt đô thị trong quy hoạch, từng bước hình thành nhu cầu sử dụng vận tải công cộng của người dân…

Cùng với đó đẩy mạnh chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh; cải tạo nâng cấp hạ tầng cho xe buýt; đầu tư đổi mới đoàn phương tiện, thiết kế thay đổi bộ nhận diện thương hiệu, hình ảnh màu sơn cho phương tiện xe buýt; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng phương án vé liên thông…