Nông nghiệp - Nông thôn

Hà Nội phòng, chống dịch bệnh dại: Chủ động triển khai nhiều giải pháp

Ánh Dương 16/04/2025 - 10:44

Dịch bệnh dại đang diễn biến phức tạp trong bối cảnh thành phố Hà Nội có tổng đàn chó, mèo đứng đầu cả nước. Cùng với chủ động tham mưu UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo phòng, chống bệnh dại, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội tập trung hướng dẫn, đôn đốc các quận, huyện, thị xã triển khai nhiều biện pháp cụ thể, nhằm thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn thành phố.

Dịch bệnh dại vẫn có nguy cơ lan rộng

soc-son.jpg
Lục lượng chức năng xã Hiền Ninh (huyện Sóc Sơn) tuyên truyền để người dân hiểu về biện pháp phòng, chống bệnh dại trên động vật nuôi. Ảnh: Trung Nguyên

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi, thuỷ sản và Thú y Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội), toàn thành phố hiện có khoảng 229.800 hộ nuôi với tổng số hơn 410.500 con chó, mèo. Điển hình, huyện Sóc Sơn là địa phương có tổng đàn chó, mèo lớn nhất thành phố với 33.305 hộ nuôi 55.885 con chó, 12.135 con mèo; 55 cơ sở kinh doanh, giết mổ và nhiều chợ dân sinh có hoạt động buôn bán chó, mèo.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sóc Sơn Hoàng Thị Hà cho biết, năm 2024, toàn huyện xảy ra dịch bệnh dại trên đàn chó tại 6 xã: Hồng Kỳ, Minh Trí, Đức Hòa, Hiền Ninh, Minh Phú, Thanh Xuân. Trong 3 tháng đầu năm 2025, tiếp tục xảy ra 2 ổ dịch bệnh dại tại các xã: Tân Dân, Minh Trí. Nguyên nhân chủ yếu do chính quyền địa phương chưa quyết liệt áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với trường hợp không tiêm vắc xin phòng dại hoặc để chó chạy rông; người chăn nuôi chưa chấp hành nghiêm quy định của pháp luật…

soc-son9.jpg
thanh-xuan4.jpg
Huyện Sóc Sơn và quận Thanh Xuân tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó mèo trong tháng 4-2025. Ảnh: Nguyên Minh

Trước tình trạng vi rút dại trên chó, mèo đang lưu hành có nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh, UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo các xã, thị trấn, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm công tác phòng chống bệnh dại. Hai xã: Tân Dân, Minh Trí kịp thời thực hiện công tác phòng dịch, bảo đảm sau 21 ngày không phát sinh thêm chó, mèo bị dại. 26/26 xã, thị trấn của huyện cũng đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân nhốt 100% số chó nuôi và tổ chức ký cam kết, lập sổ quản lý chó nuôi.

Thực tế, từ đầu năm đến nay, có 3 ổ dịch bệnh dại trên động vật xảy ra tại huyện Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây. Nguy cơ xảy ra dịch bệnh dại luôn hiện hữu, nếu người dân và chính quyền cơ sở, cơ quan chức năng không thực hiện nghiêm quy định phòng dịch.

Nhiều giải pháp hữu hiệu

Để chủ động phòng, chống, năm 2025, Hà Nội hỗ trợ vắc xin phòng dại tiêm cho 97% tổng đàn chó, mèo tại các huyện, thị xã; với các quận, người chăn nuôi chó mèo phải chi trả kinh phí tiêm phòng vắc xin…

Tại Gia Lâm, toàn huyện có 8.150 hộ nuôi chó, mèo với tổng số 10.337 con chó, 837 con mèo. Bám sát chỉ đạo của thành phố, UBND huyện quyết liệt chỉ đạo các xã, thị trấn, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại, nhờ vậy, nhiều năm trở lại đây, Gia Lâm không xảy ra ổ dịch dại.

gia-lam-0.jpg
Nhân viên thú y xã Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm) đến nhà dân để tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho vật nuôi. Ảnh: Hoàng Hường

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Hoàng thông tin: Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tổ chức ký cam kết, lập sổ quản lý chó nuôi, tuyên truyền nhân dân nhốt 100% số chó nuôi. Công tác tiêm vắc xin phòng, chống bệnh dại chó, mèo trên địa bàn huyện được tổ chức đồng loạt tại 17/17 xã, thị trấn từ ngày 27-3. Tính đến ngày 15-4, toàn huyện đã tiêm được hơn 9.000/10.840 con chó, mèo, dự kiến trước 20-4 kết thúc đợt tiêm lần 1 năm 2025. Huyện cũng tăng cường công tác tuyên truyền quy định của pháp luật đối với người nuôi chó; tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp không chấp hành. Chủ tịch UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện nếu để xảy ra dịch bệnh dại trên địa bàn.

Quyết tâm phòng, chống bệnh dại trên chó, mèo, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền biện pháp phòng, chống bệnh dại; tổ chức tập huấn cho 300 người trực tiếp tham gia phòng, chống bệnh dại; cấp phát 26.000 tờ rơi, 52 pano, băng rôn tuyên truyền bệnh dại tại các điểm tiêm phòng tập trung... Từ ngày 2-4, huyện tổ chức tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo trên địa bàn. Tính đến 15-4, toàn huyện đã tiêm được hơn 50.000 liều vắc xin phòng bệnh dại trên chó, mèo, đạt tỷ lệ hơn 70%.

Để ngăn chặn nguy cơ gia tăng số người phải điều trị dự phòng bệnh dại do động vật cắn, số ca tử vong do bệnh dại, tiến tới chấm dứt tình trạng động vật có khả năng gây bệnh dại, đặc biệt là chó, mèo thả rông, gây nguy hiểm cho người, Chi cục Chăn nuôi, thuỷ sản và Thú y thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội phối hợp với đơn vị chức năng, các xã, thị trấn của các huyện, thị xã: Ba Vì, Gia Lâm, Phúc Thọ, Sơn Tây tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho gần 10.000 người về biện pháp phòng, chống bệnh dại; tăng cường kiểm tra công tác tiêm vắc xin phòng dại trên chó, mèo tại các quận, huyện: Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Sóc Sơn….

Các học viên tại lớp tập huấn ở xã Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ)nghe báo cáo viên truyền đạt cách phòng chống bệnh dại trên động vật. Ảnh: Minh Dương
Các học viên ở xã Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ) nghe báo cáo viên truyền đạt cách phòng, chống bệnh dại trên động vật. Ảnh: Nguyên Minh

Đáng chú ý, thành phố đã hoàn thành xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại trên động vật. Từ năm 2024, Hà Nội có 12/12 quận: Thanh Xuân, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Long Biên, Hà Đông, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm đã được Cục Chăn nuôi và Thú y cấp giấy chứng nhận “Vùng an toàn dịch bệnh dại động vật”.

Về vấn đề này, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Tạ Văn Tường, Sở luôn chủ động tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, trong đó có bệnh dại; thực hiện nghiêm Kế hoạch số 105/KH-UBND ngày 4-4-2022 của UBND thành phố về Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2030.