Chính trị

Hơn 1,5 triệu cán bộ, đảng viên quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 11 (khóa XIII)

Hà - Ly - Hiệp 16/04/2025 09:19

Tổ chức trực tuyến kết nối 21.000 điểm cầu trên cả nước với hơn 1,5 triệu cán bộ, đảng viên tham dự, lần đầu tiên hội nghị được truyền hình, phát thanh trực tiếp để nhân dân cả nước theo dõi.

img_7044.jpeg
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại điểm cầu chính ở Tòa nhà Quốc hội. Ảnh: Nhật Nam

Sáng 16-4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 11 (khóa XIII).

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì hội nghị.

Hội nghị được kết nối từ điểm cầu Hội trường Diên Hồng (Tòa nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội) đến 21.000 điểm cầu trên cả nước với hơn 1,5 triệu cán bộ, đảng viên.

Đây cũng là lần đầu tiên hội nghị được tổ chức trực tuyến với quy mô toàn quốc để truyền đạt nội dung tới cán bộ, đảng viên, kết hợp truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam và phát thanh trực tiếp trên kênh VOV1 Đài Tiếng nói Việt Nam để nhân dân cả nước theo dõi.

img_7040.jpeg
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương. Ảnh: Viết Thành

Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Lương Cường; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước: Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân.

Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo chủ chốt các cấp, cán bộ, đảng viên...

Đại biểu thành phố Hà Nội dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy cùng cán bộ chủ chốt thành phố, các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn.

img_7025.jpeg
Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội dự hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Viết Thành
hoinghihn.jpeg
Đại biểu thành phố Hà Nội dự tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Viết Thành
img_7024.jpeg
Toàn cảnh điểm cầu Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Viết Thành
img_7028.jpeg
Các đồng chí Đảng ủy, Ban Biên tập Báo Hànộimới dự hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Viết Thành

Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao

Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã truyền đạt Chuyên đề 1 về "Các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng: Những điểm mới trong Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam; Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng; Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo chính trị; Những điểm mới trong dự thảo báo cáo 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021-2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2026-2030”.

hn-ttg-.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính truyền đạt Chuyên đề số 1. Ảnh: Viết Thành

Trình bày về “Những điểm mới trong Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, dự thảo đã xác định đất nước ta sẽ tiếp tục hoàn thiện chủ nghĩa xã hội và xác định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội sẽ dựa trên 3 trụ cột chính: Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy sức mạnh đại đoàn kết; Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa gần dân, sát dân; Xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Dự thảo cũng xác định tiếp tục hoàn thiện; lấy người dân, con người làm trung tâm; bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời, xác định tăng trưởng phải nhanh và bền vững; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, lấy Chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng và vận dụng sáng tạo những thành quả của 4.000 năm lịch sử để đưa đất nước Việt Nam phát triển trong kỷ nguyên mới.

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đất nước ta đã giành được độc lập 80 năm, song chúng ta tập trung phát triển đất nước mới được gần 40 năm, bởi trước đó, Việt Nam bị cấm vận kinh tế. Với mục tiêu bảo toàn trọn vẹn lãnh thổ và cải thiện đời sống của nhân dân, sau gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đã giành được những kết quả phát triển quan trọng, toàn diện về chính trị, kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng. Báo cáo Hạnh phúc thế giới năm 2025 cho thấy, Việt Nam đứng thứ 46, cải thiện tích cực so với vị trí thứ 54 của năm 2024, vị trí thứ 65 của năm 2023 và chỉ đứng sau Singapore tại khu vực Đông Nam Á.

Kết quả này cũng đã khẳng định những thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử của Việt Nam, như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Về “Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng; "Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo chính trị” và “Những điểm mới trong dự thảo báo cáo 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021-2030; Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2026-2030”, Thủ tướng Chính phủ cho biết, các văn kiện phục vụ Đại hội XIV của Đảng đã được biên tập ngắn gọn, súc tích so với các dự thảo trước đó, song nội dung khá đầy đủ, sâu sắc, vừa bảo đảm tính văn kiện, toàn diện, vừa bảo đảm tính hành động cao, có thể triển khai ngay, đồng thời, cập nhật, bổ sung nhiều vấn đề lớn, là hình mẫu cho việc xây dựng văn kiện của các tổ chức đảng.

hn-ttg-qc-.jpg
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Viết Thành

Về công tác tổ chức xây dựng và thi hành điều lệ Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, cho ý kiến và cơ bản thống nhất, thông qua dự thảo Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV; bổ sung nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV; các nội dung sửa đổi, bổ sung Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng; Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; các nội dung sửa đổi, bổ sung Chỉ thị số 35-CT/TƯ ngày 14-6-2024 và Kết luận số 118-KL/TƯ ngày 18-1-2025 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; Phương hướng Bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XVI, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.

Bộ Chính trị cũng sẽ sớm ban hành Nghị quyết về đổi mới công tác xây dựng và thực thi pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân để tạo thêm động lực mới cùng Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết số 59 về Hội nhập quốc tế trong tình hình mới nhằm quyết tâm thực hiện cho bằng được mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025, tạo nền tảng tăng trưởng 2 con số liên tục trong những năm tiếp theo; phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao…

Lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp từ ngày 6-5 đến 5-6-2025

Tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề “Về sửa đổi Hiến pháp và pháp luật; phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031”.

img_7048.jpeg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề tại hội nghị. Ảnh: Đình Hiệp

Để đáp ứng yêu cầu nói trên, phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này tập trung vào 2 nhóm nội dung. Nhóm nội dung thứ nhất là các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội (tập trung ở Điều 9, 10) để đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nêu cao vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; vai trò tập hợp các giai cấp, tầng lớp, hướng mạnh về địa bàn dân cư, gần dân, sát dân, đến từng hộ gia đình. Nhóm nội dung thứ hai là các quy định tại Chương 9 của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Do định hướng phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này mang tính giới hạn, dự kiến chỉ liên quan khoảng 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013 nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội hình thức văn bản là Nghị quyết của Quốc hội (tương tự như đã thực hiện tại các lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp các năm 1988, 1989 và 2001).

“Đặc biệt coi trọng việc lấy ý kiến nhân dân đối với việc sửa đổi Hiến pháp từ ngày 6-5 đến ngày 5-6 tới, đề nghị Chính phủ cùng Mặt trận tiến hành công việc này một cách khoa học, dân chủ, thực chất, công khai, minh bạch, lưu ý việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở”, đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Việc sửa đổi Hiến pháp và các luật, nghị quyết có liên quan phải được hoàn thành trước ngày 30-6-2025 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025. Trong đó, quy định điều khoản chuyển tiếp để hoàn thành việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy và các đơn vị hành chính cấp xã chính thức đi vào hoạt động chậm nhất trước ngày 15-8-2025, các đơn vị hành chính cấp tỉnh chính thức đi vào hoạt động chậm nhất trước ngày 15-9-2025.

img_7049.jpeg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề tại hội nghị. Ảnh: Đình Hiệp

Về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031, Chủ tịch Quốc hội cho biết, bối cảnh cuộc bầu cử lần này thể hiện ở 4 vấn đề: (1)
Những đổi mới trong Hiến pháp 2013; Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân… (2) Việc sáp nhập các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đồng thời thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02 cấp: cấp tỉnh và cấp xã. (3) Sắp xếp, tinh gọn các tổ chức chính trị - xã hội, các Hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. (4) Dự kiến bầu cử sớm hơn so với kỳ bầu cử trước để tạo sự đồng bộ với cấp ủy các cấp, kịp thời triển khai nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 14.

“Dự kiến, ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 là ngày chủ nhật, 15-3-2026, và ngày 6-4-2026, Quốc hội khoá mới họp phiên họp thứ nhất. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa, ngay từ bây giờ”, Chủ tịch Quốc hội thông tin.

Chỉ thị số 45 thay thế Chỉ thị số 35 về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp

Hội nghị tiếp tục với phần quán triệt nhiều nội dung quan trọng do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng trình bày. Đó là 3 nhóm chuyên đề, gồm: Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; Sửa đổi, bổ sung các quy định thi hành Điều lệ Đảng; Chỉ thị số 45-CT/TƯ, ngày 14-4-2025 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đồng chí Lê Minh Hưng cho biết, Ban Chấp hành Trung ương đã bàn bạc, thống nhất các nguyên tắc sắp xếp lại đơn vị hành chính với mục tiêu quan trọng nhất là tạo ra không gian phát triển mới.

img_7053.jpeg
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng quán triệt 3 nhóm chuyên đề. Ảnh: Viết Thành

Trung ương đã đồng tình, thống nhất rất cao về chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: Cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố); kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 1-7-2025 sau khi Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.

Ban Chấp hành Trung ương đồng ý số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương); đồng ý sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay.

Ban Chấp hành Trung ương giao Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và khẩn trương xây dựng Đề án theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sắp xếp cấp xã.

Trong đó, căn cứ tiêu chí và thực tế địa phương, các tỉnh, thành phố chủ động nghiên cứu, xây dựng phương án, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định thực hiện việc sắp xếp, tên gọi, địa điểm đặt trụ sở xã, bảo đảm chính quyền cấp xã tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, phục vụ kịp thời lợi ích thiết thực của nhân dân, tiết giảm chi phí; đồng thời, triển khai tổ chức hoạt động chính quyền địa phương 2 cấp theo quy định pháp luật bảo đảm đúng lộ trình, tiến độ đề ra, đạt mục tiêu tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, gắn với tổ chức thành công Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương cũng quán triệt kế hoạch tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TƯ và triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sắp xếp cấp xã và xây dựng hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp từ nay đến ngày 31-10-2025 với 121 nhóm nhiệm vụ được phân công cụ thể cho các cơ quan từ trung ương xuống cơ sở.

Về nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định thi hành Điều lệ Đảng, đồng chí Lê Minh Hưng cho biết, một trong những nội dung quan trọng nhất được sửa đổi nhằm bảo đảm ở đâu có tổ chức Đảng, đảng viên thì ở đó có công tác kiểm tra, giám sát.

Tiếp đó, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng đã công bố và quán triệt nội dung chủ yếu của Chỉ thị số 45-CT/TƯ ngày 14-4-2025 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; thay thế Chỉ thị số 35-CT/TƯ ngày 14-6-2024 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và Kết luận số 118-KL/TƯ ngày 18-1-2025 của Bộ Chính trị về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Chỉ thị số 35-CT/TƯ ngày 14-6-2024 của Bộ Chính trị.

Chỉ thị số 45-CT/TƯ có nhiều nội dung mới kịp thời cụ thể hóa các nội dung đã được thông qua tại Hội nghị Trung ương 11 (khóa XIII), bảo đảm triển khai tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp đồng bộ gắn với sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp bảo đảm đồng bộ, chất lượng, đổi mới và đúng tiến độ.

Đồng chí Lê Minh Hưng cũng đã quán triệt Kết luận số 150-KL/TƯ ngày 14-4-2025 của Bộ Chính trị hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới.

img_7061.jpeg
Toàn cảnh điểm cầu Trung ương tại Hội trường Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội. Ảnh: Viết Thành

Tinh thần cách mạng rất khẩn trương, nhưng không được nóng vội, qua loa

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, tại Hội nghị lần thứ mười một, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã làm việc với tinh thần rất khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, thảo luận hết sức dân chủ, lắng nghe, trao đổi thẳng thắn nhiều vấn đề mới, hệ trọng và thống nhất rất cao với những nội dung lớn, cốt lõi. Có thể nói, đây là hội nghị mang tính lịch sử, quyết sách những vấn đề rất quan trọng, đột phá cho giai đoạn cách mạng mới, tạo ra khí thế mới, xung lực mới cho sự nghiệp đổi mới toàn diện đưa đất nước vào bước vào kỷ nguyên phát triển mới.

img_7058.jpeg
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Viết Thành

Nhấn mạnh những nội dung chủ yếu đã được 3 đồng chí lãnh đạo Trung ương truyền đạt tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, ngay trong tuần này, Bộ Chính trị sẽ hoàn thành dự thảo đầy đủ 4 văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng để gửi đến các cấp ủy Đảng tham gia ý kiến và làm căn cứ để xây dựng và hoàn thiện văn kiện đại hội cấp mình. Để vừa kiểm tra, giám sát việc thực hiện và kịp thời hỗ trợ các cấp ủy Đảng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện và tổ chức đại hội, Bộ Chính trị đã quyết định phân công 19 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư phụ trách các địa phương theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo thực hiện công việc của các địa phương.

Khẳng định đến thời điểm này, về cơ bản, các chủ trương, phương án, kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ quan trọng đã đầy đủ, bảo đảm theo hướng rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian hoàn thành, Tổng Bí thư chỉ đạo các cấp, ngành từ Trung ương xuống cơ sở phải bắt tay vào triển khai thực hiện ngay; từng cơ quan, đơn vị, địa phương xác định được những công việc cần phải làm trong thời gian tới; từng cán bộ, đảng viên cũng cần hình dung ra những trách nhiệm cá nhân trong cuộc cách mạng chung của đất nước. Sau hội nghị này, các cấp ủy, tổ chức Đảng có trách nhiệm tiếp tục nghiên cứu quán triệt đầy đủ các nội dung, đồng thời, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện.

img_7060.jpeg
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Viết Thành

Trước yêu cầu cùng lúc phải triển khai khối lượng công việc rất lớn, phạm vi rộng, thời gian ngắn, chất lượng cao, nhiều việc chưa có tiền lệ, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, 3 yêu cầu chung và 4 lưu ý để thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Trong đó, Tổng Bí thư yêu cầu phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ mười một; xác định đây là một cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính và cải cách đổi mới để phát triển đất nước. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu các cấp phải sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt trong đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ, sâu sắc tầm quan trọng đặc biệt của chủ trương này, tạo được sự thống nhất nhận thức tư tưởng trong toàn Đảng, lan tỏa ra toàn xã hội; quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, định hướng mà Trung ương đã đề ra; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan triển khai quyết liệt các công việc trên tinh thần “đúng vai, thuộc bài” và phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương và giữa các địa phương với nhau; không được có tư tưởng quyền anh, quyền tôi, địa phương này, địa phương kia; tất cả vì lợi ích chung của đất nước, vì nhân dân.

Đồng thời, phải triển khai các công việc trên tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, nhưng phải thận trọng, chắc chắn, không nóng vội, chủ quan, có thứ tự ưu tiên, làm việc nào trước việc đó, làm việc này tính đến việc khác liên quan và phải thực hiện đúng các quy trình, quy định, không làm tắt, không qua loa, đại khái. Bất cứ công việc nào đều phải bám sát các mốc thời gian trong kế hoạch cụ thể, đảm bảo các công việc thực hiện đúng tiến độ trong thời gian quy định, nhất là các mốc thời gian quan trọng, như là trước ngày 30-6-2025, hoàn thành việc sửa đổi Hiến pháp và pháp luật có liên quan; bắt đầu kết thúc hoạt động của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới đi vào hoạt động từ ngày 1-7-2025 theo lộ trình chuyển tiếp và hoàn thành toàn bộ trước ngày 15-8-2025; hoàn thành sáp nhập các tỉnh trước ngày 1-9-2025 và hoàn thành Đại hội Đảng tại cấp xã trước ngày 31-8-2025; hoàn thành cấp tỉnh trước ngày 31-10-2025; Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng sẽ bắt đầu quý I-2026; bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp vào tháng 3-2026.

“Căn cứ vào lộ trình, khuyến khích các địa phương, cơ quan, đơn vị hoàn thành sớm các công việc trước mốc thời gian quy định trên tinh thần là ổn định sớm để phát triển”, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ.

Tổng Bí thư Tô Lâm đồng thời yêu cầu tăng cường thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, tôn trọng lắng nghe ý kiến của nhân dân.

“Các quy trình, thủ tục lấy ý kiến nhân dân phải được thực hiện đúng quy định, nhất là những nội dung liên quan đến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, sáp nhập các tỉnh, sáp nhập các xã”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.

Thắp lên “ngọn lửa niềm tin” trước bước ngoặt lịch sử

Phát biểu bế mạc hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trân trọng cảm ơn Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu sâu sắc và tâm huyết; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có những bài truyền đạt nhằm giúp các đại biểu và các tầng lớp nhân dân nắm bắt một cách hệ thống toàn diện các nội dung của hội nghị, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược đã đề ra.

Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, phát biểu bế mạc hội nghị. Ảnh: Viết Thành

Theo Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, để thực hiện tốt Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, nhất là cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TƯ của Trung ương, một trong những nguyên tắc quan điểm chỉ đạo xuyên suốt đã được xác định trong các đề án trình Trung ương là phải giữ vững và nâng cao năng lực lãnh đạo cầm quyền của Đảng, phát huy tinh thần đại đoàn kết, giá trị văn hóa, lòng yêu nước và sức mạnh của toàn dân tộc trước bước ngoặt lịch sử; nỗ lực đổi mới, sáng tạo, phát triển để quyết tâm thực hiện thắng lợi những quyết sách lịch sử, đưa đất nước ta, dân tộc ta vững vàng bước vào kỷ nguyên phát triển phồn vinh và thịnh vượng.

“Từ hội nghị hôm nay, chúng ta càng khắc ghi và học tập theo những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: Đại đoàn kết là một lực lượng tất thắng và biết đồng sức đồng lòng, việc gì khó cũng làm xong”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

hn-qc-trung-tam-1.jpg
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Viết Thành

Theo Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, để làm được điều đó, việc đặc biệt quan trọng là những việc chúng ta đã làm tốt thì phải làm tốt hơn nữa. Đó là phải tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong Đảng và hệ thống chính trị; sự đồng thuận trong nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TƯ và các nhiệm vụ trọng tâm của đất nước hướng tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng cho biết, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đã xây dựng kế hoạch hướng dẫn công tác tuyên truyền về các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là Hội nghị Trung ương 11 và những tinh thần chỉ đạo mà đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu chỉ đạo trong hội nghị quán triệt hôm nay.

hn-qc-4.jpg
Khẩn trương xây dựng kế hoạch tuyên truyền để sớm đưa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 (khóa XIII) sớm đi vào cuộc sống. Ảnh: Viết Thành

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng, đồng bộ, hiệu quả, gắn chặt với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong đó, cần tăng cường tính định hướng, kịp thời đấu tranh để nhanh chóng đưa nghị quyết vào cuộc sống. Qua đó, góp phần tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động trong toàn hệ thống chính trị; tạo ra sự đồng lòng trong toàn xã hội để thắp lên “ngọn lửa niềm tin”, đưa chủ trương của Đảng nhanh chóng đi vào cuộc sống để mỗi quyết sách được lan tỏa bằng sự thấu hiểu và hành động chia sẻ; chung sức đồng lòng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra.