Văn hóa

"Nữ đại thụ" của làn điệu chèo ở Phú Xuyên

Bạch Thanh 16/04/2025 - 08:47

Ở vùng chiêm trũng - nơi có dòng sông Nhuệ lững lờ trôi, những làn điệu chèo mượt mà được một phụ nữ dành cả cuộc đời nâng niu, chiu chắt. Bà được nhắc đến như “đại thụ” của văn hóa dân gian của huyện Phú Xuyên, đó là Nghệ nhân dân gian Lê Thị Nhuệ Phái.

ba-nhu-phai3.jpg
Bà Lê Thị Nhuệ Phái - Nghệ nhân dân gian có hơn 60 năm gắn bó với chèo cổ. Ảnh: Sơn Tùng

Nghệ sĩ sinh ra từ làng

Sinh ra, lớn lên ở làng quê chiêm trũng thôn Trung Lập, xã Tri Trung, nay là xã Hồng Minh (huyện Phú Xuyên) - nơi có làn điệu chèo vang vọng từ xa xưa, bà Lê Thị Nhuệ Phái sớm bén duyên với tiếng hát quê hương từ tuổi 13. Khi đó, do chiến tranh, các đoàn văn công, đoàn chèo của tỉnh, trung ương sơ tán về địa phương hoạt động. Bước sang tuổi 15, bà chính thức tham gia đội văn nghệ của xã, đánh dấu hành trình gắn bó với chèo như một đam mê khó dứt... Thời ấy, không có trường lớp bài bản, bằng đôi tai nhạy cảm và tình yêu mộc mạc với chèo, bà Phái học từ các "nghệ sĩ làng” và cán bộ văn hóa của tỉnh Hà Sơn Bình về địa phương gây dựng phong trào văn hóa quần chúng. Năm 1969, bà may mắn được theo học một lớp đào tạo bổ túc ngắn hạn về đạo diễn chèo dành cho nghệ sĩ không chuyên do tỉnh tổ chức, từ đó, giọng hát, sự am hiểu chèo của bà ngày càng sâu sắc, điêu luyện.

ba-nhu-phai.jpg
Bà Lê Thị Nhuệ Phái tham dự nhiều chương trình biểu diễn văn hóa, nghệ thuật dân gian trong cả nước. Ảnh: NVCC

Với bà Phái, chèo không chỉ là đam mê mà còn như máu thịt, mạch sống. Ngay cả khi lập gia đình, cuộc sống bận rộn, chồng đi bộ đội, một mình nuôi ba con nhỏ, chăm bố mẹ già và tham gia công tác địa phương, bà vẫn chưa bao giờ rời xa câu hát. Có những lúc bà phải bế con cùng bảo mẫu đi mấy chục cây số, đường đi lại khó khăn để biểu diễn. Thậm chí, khi mang thai 7 tháng đứa con đầu lòng, bà vẫn tự tin đứng trên sân khấu, say sưa với những làn điệu chèo...

Mấy chục năm qua, không dừng lại ở vai trò nghệ sĩ biểu diễn, bà Lê Thị Nhuệ Phái còn là “tổng đạo diễn” tài hoa, trực tiếp dàn dựng 41 tiết mục hoạt cảnh, ca cảnh, vở chèo dài… biểu diễn trong các dịp lễ hội, ngày trọng đại của quê hương. Ngoài ra, bà còn biên tập, phục dựng, dàn dựng hàng trăm trích đoạn điển tích chèo cổ, giữ gìn nguyên vẹn hồn cốt của nghệ thuật chèo truyền thống. Bền bỉ trong mấy thập kỷ, bà không nhớ đã truyền dạy nghệ thuật hát chèo cho bao nhiêu thế hệ người địa phương và lân cận. Hiện nay, dù tuổi đã cao (75 tuổi), bà vẫn miệt mài truyền dạy miễn phí cho 47 học viên đến từ nhiều câu lạc bộ chèo khác nhau. Bà mang tâm nguyện sâu sắc rằng, những làn điệu chèo cổ, mộc mạc mãi được gìn giữ, ngân vang tới mai sau.

ba-nhu-pha4.jpg
Với sự dìu dắt, truyền lửa của bà Phái, Câu lạc bộ hát chèo thôn Trung Lập, xã Hồng Minh luôn sôi nổi. Ảnh: NVCC

Với sự dìu dắt, truyền lửa của bà, Câu lạc bộ hát chèo thôn Trung Lập, xã Hồng Minh luôn sôi nổi, có đội ngũ "nòng cốt” trong các chương trình văn hóa, văn nghệ quần chúng của huyện Phú Xuyên và thành phố Hà Nội. Bà Lê Thị Nhuệ Phái còn tích cực tham gia sinh hoạt nhiều tổ chức văn nghệ lớn, như: Chi hội văn nghệ nhân dân của Đài Tiếng nói Việt Nam, Câu lạc bộ người yêu ca nhạc tổ dân ca thuộc Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô...

Cả đời với đam mê...

Cùng với những tấm huy chương vàng, bạc qua các kỳ thi biểu diễn cấp tỉnh, thành phố, bà còn được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân dân gian, Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa quần chúng, Huy chương Kháng chiến hạng Nhì, Huy chương Vì sự nghiệp giải phóng... Những phần thưởng này, ghi nhận tài năng và minh chứng cho cả đời bà gắn bó với văn hóa quê nhà.

Tiếp nối mạch nguồn, con gái lớn của bà Phái (hiện là giáo viên) cũng trở thành thành viên nòng cốt của Câu lạc bộ hát chèo thôn Trung Lập. Các thành viên khác dù không tham gia hoạt động trong các câu lạc bộ chèo, nhưng đều được bà truyền dạy hát chèo cổ. "Tôi dạy rất nhiều người, dù không phải tất cả đều theo sân khấu chèo, nhưng tôi tin, nếu ai được văn hóa dân gian thấm đẫm, thì sẽ sớm "đơm hoa kết trái" khi có điều kiện thuận lợi", bà Phái tâm sự.

ba-nhu-pha1i.jpg
Dù ở tuổi 75, bà Lê Thị Nhuệ Phái vẫn say sưa với sân khấu chèo. Ảnh: NVCC

Nhắc đến bà, những người dân ở Hồng Minh không chỉ ngưỡng mộ, mà còn đầy yêu thương, trìu mến. Bên ngoài sân khấu lộng lẫy, bà Phái là phụ nữ hiền hậu, chăm chỉ, chu toàn việc nhà, nghĩa tình với xóm làng. Chia sẻ về người “thầy” đáng kính, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ chèo thôn Trung Lập, xã Hồng Minh Đào Thị Thơm xúc động nói: "Không chỉ dạy chúng tôi từng câu hát, từng làn điệu, bà Phái còn là tổng đạo diễn của nhiều vở chèo lớn nhỏ. Hơn hết, bà dạy cách yêu, trân trọng từng lời ca, câu chữ như gìn giữ hồn quê. Bà luôn nhắc nhở chúng tôi, hát chèo không chỉ là biểu diễn, mà còn là cách lưu giữ linh hồn quê hương. Mỗi lần bà cất giọng, như đưa cả chúng tôi trở về những đêm hội làng rộn ràng, truyền động lực cho chúng tôi gìn giữ, xây dựng câu lạc bộ ngày càng vững mạnh, xứng đáng là "cái nôi" làn điệu chèo cổ của quê hương Phú Xuyên.

Bà Lê Thị Nhuệ Phái truyền dạy biểu diễn chèo cho nhiều người. Tác giả videoclip: Sơn Tùng

Nhận xét về Nghệ nhân dân gian Lê Thị Nhuệ Phái, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin và Khoa học huyện Phú Xuyên Nguyễn Xuân Quỳnh cho rằng, bà Phái là một trong những nghệ sĩ không chuyên, nhưng vô cùng đặc biệt của quê hương Phú Xuyên. Bà là tấm gương sáng về "giữ lửa" cho phong trào văn hóa dân gian - mạch nguồn quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Phú Xuyên nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung... "Văn hóa là bản sắc của một dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất" - Lời dạy của Cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng minh chứng cho mạch nguồn văn hóa dân tộc đã và đang góp phần xây dựng đất nước Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong kỷ nguyên mới, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của nhiều Nghệ nhân dân gian như bà Lê Thị Nhuệ Phái...