“Nâng tầm” hội nhập quốc tế
Bất chấp sự chống phá của các thế lực thù địch, Việt Nam đã kiến tạo nên những thành tựu to lớn về đối ngoại, khẳng định vị thế ngày càng vững chắc trên trường quốc tế.
Một cách nhất quán và đầy bản lĩnh, chúng ta đang kế thừa, phát triển mạnh mẽ đường lối đối ngoại bằng những quan điểm mang tính cách mạng với quyết tâm “nâng tầm” hội nhập quốc tế.

1. Thực hiện âm mưu chống phá, phá hoại Đảng, Nhà nước và chế độ ta, các thế lực thù địch, phản động không ngừng xuyên tạc, bôi nhọ mọi đường lối, chính sách. Một trong những lĩnh vực thường xuyên bị chúng tấn công là công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Mỗi dịp có sự kiện quan trọng, chúng lại điên cuồng sử dụng mạng xã hội nhằm xuyên tạc đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, phủ nhận thành tựu to lớn mà công tác đối ngoại mang lại. Tham gia tấn công thường xuyên là tổ chức khủng bố Việt Tân, các trang phản động và những trang tiếng Việt của đơn vị báo chí “không thân thiện”; chúng còn núp dưới những cái tên mỹ miều hay nhân danh “người yêu nước”, chiến sĩ đấu tranh cho tự do, cho dân chủ, nhân quyền... để thực hiện ý đồ xấu.
Không khó để nhận diện giọng điệu quen thuộc của những đối tượng này, vì chúng không bao giờ thừa nhận thành quả đổi mới, hội nhập của nước ta, tức là chúng chỉ đưa nội dung cùng lắm ở mức trung tính, còn lại thì chủ yếu là phê phán, chê bai, nhiếc móc, bôi bẩn. Ngay cả tin tức tưởng như là trung tính mà chúng đưa cũng nhằm tạo ra mồi nhử để cho đám “kền kền” a dua vào bình luận chửi bới một cách thô thiển và vô văn hóa. Như khi nước ta thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với các nước tư bản phát triển thì chúng lu loa lên rằng Việt Nam đang “theo tư bản”...
Tóm lại là chúng không từ thủ đoạn nào để bôi nhọ đường lối đối ngoại, hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước ta. Mới đây, khi chúng ta đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình sang thăm hữu nghị, tổ chức khủng bố Việt Tân cùng một số trang phản động còn cấu kết kêu gọi tuần hành, biểu tình nhằm tấn công cá nhân đồng chí lãnh đạo nước bạn và phá hoại mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp Việt Nam - Trung Hoa.
Nhận diện khái quát như vậy để chúng ta khi tiếp xúc với mạng xã hội cần lưu ý và thận trọng, phân biệt rõ đâu là nguồn tin chính thống, đáng tin cậy, đâu là thông tin xấu độc, trái pháp luật cần tránh xa. Trên thực tế, không phải ai cũng đủ tỉnh táo để phân biệt thật - giả giữa trùng trùng, điệp điệp thông tin trên mạng xã hội. Chưa kể, các trang tin phản động cũng ngày càng tinh vi hơn, bằng những câu chuyện bắt trend, lời lẽ gây sốc, hấp dẫn nhằm thu hút những người tò mò, thiếu bản lĩnh, thiếu kỹ năng phân biệt thông tin thật, giả...
2. Để nhận diện và phản bác hiệu quả thông tin xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cần phải nắm rõ, cụ thể tiến trình không ngừng đổi mới, phát triển đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, nhất là trong giai đoạn hiện nay.
Bước ngoặt lịch sử Đại hội VI của Đảng năm 1986 đã mở ra kỷ nguyên đổi mới toàn diện, đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ trong tư duy và hành động của Việt Nam trên mọi lĩnh vực, trong đó có công tác đối ngoại.
Từ bỏ tư duy đối đầu, khép kín, Việt Nam chủ trương muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) nêu rõ đường lối đối ngoại nhất quán của nước ta là độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh...
Chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đã giúp Việt Nam tạo dựng mạng lưới đối tác rộng khắp, tăng cường vị thế và tiếng nói trên các diễn đàn quốc tế. Từ một đất nước bị bao vây cô lập, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia trên thế giới, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 34 nước, trong đó có tất cả các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các nước lớn. Chúng ta là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế; tham gia các thỏa thuận hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế đa tầng nấc, trong đó có 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) gắn kết với hơn 60 nền kinh tế chủ chốt, tham gia sâu hơn vào các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Việt Nam ngày càng thể hiện vai trò tích cực và có trách nhiệm tại Liên hợp quốc, ASEAN và các tổ chức quốc tế khác.
Việc đảm nhiệm thành công các vị trí quan trọng như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2008-2009, 2020-2021) đã khẳng định uy tín và năng lực của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu. Từ một nền kinh tế yếu kém, lạc hậu, Việt Nam đã trở thành một trong 34 nền kinh tế lớn nhất thế giới, có quy mô kinh tế tăng gần 100 lần và thu nhập bình quân đầu người tăng 50 lần so với những năm đầu đổi mới.
Những thành tựu nổi bật nêu trên là minh chứng hùng hồn cho sự đúng đắn và sáng tạo trong đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Đặc biệt trong tiến trình đó, Đảng ta đã không ngừng kế thừa và phát triển đường lối đối ngoại vừa bảo đảm sự nhất quán về nguyên tắc, quan điểm, bản chất chính trị, vừa phù hợp với điều kiện thực tiễn tình hình trong nước và quốc tế, phát huy cao nhất hiệu quả đối ngoại vì lợi ích quốc gia - dân tộc và để phát triển đất nước.
3. Mới đây nhất, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong kỷ nguyên mới với cả thời cơ và thách thức đặt ra, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 59-NQ/TƯ ngày 24-1-2025 về “Hội nhập quốc tế trong tình hình mới” đánh dấu bước tiến mới, quyết sách đột phá, mang tính lịch sử trong quá trình hội nhập quốc tế của đất nước. Nghị quyết này không chỉ kế thừa và phát triển những thành tựu đối ngoại to lớn mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã đạt được, mà còn đưa ra những định hướng chiến lược, tầm nhìn mới, phù hợp với yêu cầu và thách thức của tình hình hiện tại. Nghị quyết thể hiện sự nhận thức sâu sắc của Đảng về vai trò ngày càng quan trọng của hội nhập quốc tế - một tầm mức cao hơn của hợp tác quốc tế hay công tác đối ngoại thông thường.
Cùng với quốc phòng, an ninh, “đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế” là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Tinh thần trọng yếu thường xuyên trong hội nhập quốc tế là phải tranh thủ nguồn lực, điều kiện thuận lợi bên ngoài cho mục tiêu bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước từ sớm, từ xa; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo đảm tốt nhất lợi ích của nhân dân. Hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, động lực, lực lượng chủ công và đối tượng thụ hưởng các lợi ích của hội nhập quốc tế. Hội nhập nhưng vẫn giữ bản sắc dân tộc, hội nhập, hòa nhập chứ không hòa tan.
Hội nhập quốc tế phải trên cơ sở nội lực có vai trò quyết định, gia tăng nội lực đi đôi với tranh thủ ngoại lực. Nội lực là nguồn lực chính, là gốc rễ cho sức mạnh, vì vậy phải luôn được phát huy để bảo đảm tính chủ động, độc lập, tự cường nhưng đồng thời, cần tranh thủ cao độ mọi nguồn lực từ bên ngoài để kết hợp và bổ sung cho nội lực. Kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tạo ra sức mạnh Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình. Hội nhập quốc tế là quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh, “hợp tác để đấu tranh và đấu tranh để hợp tác. Chú trọng phần đối tác, hạn chế phần đối tượng”. Đồng thời, tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Trong hội nhập, phải thể hiện đúng tinh thần “đối tác tích cực, có trách nhiệm” của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng đóng góp cho những nỗ lực chung của khu vực và thế giới. Hội nhập quốc tế phải mang tính chất “đồng bộ, toàn diện, sâu rộng”, trong đó các lĩnh vực phải gắn kết chặt chẽ, bổ sung cho nhau trong một chiến lược tổng thể, có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình và bước đi phù hợp.
Để thực hiện thành công Nghị quyết số 59-NQ/TƯ và đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển giàu mạnh và thịnh vượng, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của toàn thể nhân dân. Đặc biệt cần nhận thức sâu sắc nội dung quan điểm, định hướng lớn của Trung ương, Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, nắm chắc tinh thần “nâng tầm” hội nhập quốc tế với những quan điểm mang tính cách mạng, tính đột phá, tính dân tộc, tính khoa học, tính thời đại cao đã được thể hiện rõ trong bài viết “Vươn mình trong hội nhập quốc tế” của Tổng Bí thư Tô Lâm. Trong đó, cần triển khai quyết liệt và hiệu quả theo 8 nội dung định hướng cụ thể, sâu sắc, nhất là phải nỗ lực để hội nhập trở thành văn hóa tự giác của mọi tổ chức cá nhân, doanh nghiệp, địa phương; phát huy được vai trò trung tâm, sự tham gia tích cực, chủ động, sáng tạo của cả người dân, doanh nghiệp, địa phương trong gắn kết hội nhập quốc tế và hội nhập trong nước, kết nối giữa các vùng, miền, địa phương, kết nối giữa các ngành, lĩnh vực, kết nối giữa nghiên cứu và triển khai… để đưa lại những kết quả cụ thể.
Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân. Bản chất chính trị ấy luôn nhận được sự tin cậy, ủng hộ, “ý Đảng” hòa quyện với “lòng dân”, con đường hội nhập quốc tế chắc chắn sẽ phát huy vai trò động lực chiến lược, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, phồn vinh và thịnh vượng, sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Bản hùng ca đối ngoại độc lập, tự chủ của Việt Nam sẽ tiếp tục vang vọng, khẳng định vị thế, tầm vóc của một dân tộc kiên cường, yêu chuộng hòa bình và khát vọng phát triển.