Đề xuất tạp chí khoa học và công nghệ không phải là cơ quan báo chí
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đề xuất tạp chí khoa học và công nghệ không phải là cơ quan báo chí.
Sáng 15-4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gồm 8 chương và 95 điều (tăng 14 điều so với Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 do bổ sung nội dung đổi mới sáng tạo và cấu trúc lại Luật nên về hình thức có nhiều thay đổi so với luật hiện hành).
Báo cáo thẩm tra, về mức độ thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TƯ, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ hơn các chính sách ưu đãi, vượt trội, đặc thù trong Nghị quyết số 57-NQ/TƯ, ví dụ nghiên cứu, thể chế hóa nội dung về chấp nhận độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát phạm vi sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan để bảo đảm thống nhất, tránh bỏ sót hoặc trùng lặp. Đối với các quy định tháo gỡ vướng mắc, đột phá, vượt trội trong các luật chuyên ngành, đề nghị nghiên cứu, đề xuất Chính phủ nên quy định sửa đổi, bổ sung ngay trong dự án Luật. Riêng đối với các luật có liên quan cũng được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ chín thì cần sửa đổi, bổ sung đồng bộ trong các luật này, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết của Đảng (nhất là Nghị quyết số 57-NQ/TƯ) và có tính khả thi cao, thực hiện được ngay khi các luật này có hiệu lực.

Phát biểu thảo luận, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, dự án luật này rất được các nhà khoa học quan tâm, kỳ vọng và trông chờ.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong dự thảo luật đang đưa vào quá nhiều vấn đề trong khi thời gian đánh giá tác động, xem xét chưa nhiều nên cần tập trung vào những nội dung đã chín, đã rõ, những gì người dân, nhà khoa học cần, có thể triển ngay được sau kỳ họp thứ chín sắp tới.
Về tên gọi của luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị nên giữ tên Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) còn phần đổi mới, sáng tạo nên đưa vào nội hàm của luật, có thể xây dựng một chương riêng để làm rõ vấn đề này.
Nhấn mạnh đây là luật phức tạp và còn nhiều ý kiến khác nhau, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các thành viên Chính phủ liên quan cùng các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng thảo luận, làm rõ, sáng tỏ vấn đề để thực hiện tốt.
“Thậm chí, nếu có vấn đề khó, vướng mắc vượt thẩm quyền, tôi có thể cùng Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách vấn đề này sẵn sàng ngồi lại để tháo gỡ”, đồng chí Trần Thanh Mẫn nói.

Về vấn đề tạp chí khoa học, công nghệ trong dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị nghiên cứu vì trong Luật Báo chí chỉ có tạp chí khoa học mà không có chữ “công nghệ”.
“Tôi đồng ý tên tạp chí khoa học và công nghệ nhưng đề nghị xem lại để có sự đồng bộ đối với Luật Báo chí”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nói.
Về quy định các tổ chức có thể hình thành một hay nhiều tạp chí, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nghiên cứu lại vấn đề này bởi có thể hình thành tạp chí một cách tràn lan, thiếu hiệu quả.
Cùng quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, tạp chí khoa học và công nghệ là nguồn thông tin về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, để cho doanh nghiệp, người dân tra cứu, áp dụng, ứng dụng.
Cho rằng cần thiết duy trì tạp chí khoa học và công nghệ, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần tập trung để tạp chí có hiệu quả hơn, nếu để tản mát quá nhiều tạp chí thì cũng gây khó khăn cho tra cứu, ứng dụng vào thực tiễn.

Làm rõ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, hiện nay 80% cơ quan báo chí là tạp chí, 50% tạp chí là của các viện nghiên cứu khoa học. “Đề xuất trong dự thảo Luật lần này là các cơ quan tạp chí khoa học và công nghệ của các viện nghiên cứu thì không phải là cơ quan báo chí. Nhưng tạp chí của các viện nghiên cứu lại hết sức quan trọng”, Bộ trưởng nói.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan liên quan cần chuẩn bị đầy đủ hơn các quy định để có thể thông qua dự thảo Luật này trong kỳ họp thứ chín sắp tới.