Khoa học - Công nghệ

Bài 3: Nghị quyết số 57-NQ/TW “đánh trúng” các điểm nghẽn kéo dài

Thu Hằng 15/04/2025 - 08:05

Đất nước ta đang nỗ lực để hướng tới mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trên hành trình hiện thực hóa khát vọng đó, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò then chốt.

Để tiếp lực và phát huy sức mạnh này, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị với những chủ trương, định hướng chiến lược nhằm tạo ra sự thay đổi căn bản sẽ giúp các nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu được đổi mới, sáng tạo và được kỳ vọng sẽ tạo những đột phá.

Những cơ chế đặc thù “cởi trói” cho khoa học công nghệ

Cả một thập niên qua, điểm nghẽn thể chế tồn tại như một lực cản cho mọi hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của đất nước. Với ngân sách hạn chế, lượng kinh phí đầu vào hạn hẹp, các thủ tục chi rườm rà, nguồn nhân lực có trình độ thiếu hụt... các tổ chức khoa học công nghệ công lập, từ nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu ứng dụng, đều gặp nhiều khó khăn trong việc tự chủ về tài chính và nhân sự.

nxkhoat-1.jpg
TS Nguyễn Xuân Khoát, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Ảnh: Diệu Thúy

TS Nguyễn Xuân Khoát, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, sau nhiều năm đối mặt với những rào cản về cơ chế, chính sách, giới khoa học công nghệ đang kỳ vọng vào một bước chuyển mình mạnh mẽ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số chính thức được thành lập, do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban. Với điểm đột phá và những bước đi bài bản, mạnh mẽ được nêu rõ, Nghị quyết số 57-NQ/TW tạo tiền đề tháo gỡ những điểm nghẽn đang kìm hãm dòng chảy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo mà còn tạo ra những cơ chế mới để thúc đẩy một cách thực chất các hoạt động này, đồng thời tạo được niềm tin, động lực cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tự tin phát triển và vươn mình.

Theo TS Nguyễn Xuân Khoát, một trong những nội dung quan trọng nhất của Nghị quyết số 57-NQ/TW là việc trao nhiều quyền hơn cho các nhà khoa học. Khi Nghị quyết này được triển khai, các nhà nghiên cứu sẽ có quyền chủ động điều chỉnh nội dung, phương pháp nghiên cứu miễn là vẫn đạt được mục tiêu cuối cùng. Đây là bước tiến quan trọng giúp khoa học công nghệ phát triển linh hoạt hơn. “Thực tế hiện nay, nhiều nhà khoa học gặp khó khăn khi phải “gò” kết quả nghiên cứu vào những cam kết ban đầu để bảo đảm qua được bước nghiệm thu. Điều này không chỉ cản trở sự sáng tạo mà còn khiến những phát hiện mới có giá trị bị bỏ qua. Nếu các nhà nghiên cứu được chủ động điều chỉnh một số nội dung, phương pháp nghiên cứu, thí nghiệm, thay đổi hóa chất, sinh phẩm… theo thực tế mà không cần trải qua quy trình hành chính phức tạp, nghiên cứu sẽ đạt hiệu quả cao hơn, rủi ro giảm thiểu, đồng thời vẫn bảo đảm đúng mục tiêu và kinh phí tài trợ”, TS Nguyễn Xuân Khoát chia sẻ.

vu-q1.jpg
PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh. Ảnh Thu Hằng

Một điểm mới là Nghị quyết số 57-NQ/TW cũng đề cập đến việc chấp nhận rủi ro, đây là một điểm đột phá. PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh cho rằng, nghiên cứu khoa học không thể chắc chắn cho ra được kết quả. Nếu không có cơ chế chấp nhận rủi ro thì nhà khoa học không bao giờ dám mạo hiểm, chỉ đứng trong vùng an toàn. Nếu nhà khoa học chỉ đứng trong vùng an toàn thì sản phẩm tạo cũng an toàn chứ không tạo nên sự đột phá.

nguy-huu-xuyen.jpg
TS Nguyễn Hữu Xuyên - Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Chiến lược và Chính sách khoa học và công nghệ. Ảnh Thu Hằng

TS Nguyễn Hữu Xuyên - Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Chiến lược và Chính sách khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) khẳng định Nghị quyết số 57-NQ/TW mở ra nhiều cơ hội lớn cho các viện nghiên cứu công lập tại Việt Nam như: Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các công nghệ chiến lược, thúc đẩy thương mại và chuyển giao kết quả nghiên cứu; tạo lập giá trị gia tăng thông qua hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; thúc đẩy liên kết giữa khu vực nghiên cứu với khu vực sản xuất, mở rộng cơ hội hợp tác quốc tế để thúc đẩy nền kinh tế phát triển dựa vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây là một nghị quyết mang tính đột phá, không chỉ về mặt chủ trương mà còn ở cơ chế thực thi

Khơi dậy tiềm năng để phát triển

Cụ thể hóa những chủ trương trong Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 9-1-2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW. Thể chế hóa các chủ trương lớn của Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 19-2-2025, Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết số 193/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt để tạo đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

nc-kh.jpg
Nghiên cứu vi mạch bán dẫn tại Trung tâm nghiên cứu triển khai, Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Trung tâm Truyền thông KHCN

Nghị quyết số 57-NQ/TW, Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội như những nền tảng quan trọng để các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trở thành động lực tăng trưởng của quốc gia. Trong đó, ba nhóm nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện là: Tập trung tháo gỡ thể chế; nâng cao nguồn lực đầu tư cho khoa học và công nghệ; đa dạng hóa đào tạo nguồn nhân lực.

Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội đã ban hành 12 cơ chế, chính sách thí điểm để thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW vào thực tiễn đối với những vấn đề có thể triển khai sớm, không chờ đến khi Quốc hội thông qua các luật.

Nhận định về Nghị quyết này, GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng: Cơ chế mới đã giúp tháo gỡ 3 điểm nghẽn lớn cho nghiên cứu khoa học. Thứ nhất, đã chấp nhận tính rủi ro của khoa học và công nghệ. Điều này đã giúp các nhà khoa học cởi mở hơn, yên tâm hơn, sáng tạo hơn khi thực hiện nhiệm cụ khoa học và công nghệ chứ không bị bó hẹp, khiên cưỡng.

nguyen-hong-son1.jpg
GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam trình bày báo cáo tại một hội thảo. Ảnh PV

Thứ hai, đó là giải pháp cho phép lập Quỹ phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học. Quỹ này có thể một phần được hình thành từ ngân sách nhà nước, một phần từ nguồn của các doanh nghiệp đóng góp, thậm chí là đóng góp của các nhà khoa học hay nguồn thu từ các sản phẩm khoa học và công nghệ. Ví dụ, ở một số nước, họ có quy định các doanh nghiệp khi xuất khẩu nông sản phải trích lại một kinh phí rất nhỏ để tạo Quỹ khoa học và công nghệ. Nếu ở nước ta xuất khẩu 1 tấn lúa chỉ cần trích lại 1 USD cho khoa học và công nghệ, tính chung một năm xuất khẩu 10 triệu tấn thì chúng ta đã có 10 triệu USD cho hoạt động nghiên cứu lai tạo giống lúa mới, nguồn kinh phí này gấp 1,5 lần so với tổng chi thường xuyên của 19 Viện thành viên trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Quỹ này cần được tích hợp từ các nguồn thu như vậy và lúc đó không bị chi phối bởi Luật Ngân sách Nhà nước, chúng ta có thể cởi mở hơn trong việc hỗ trợ cho khoa học và công nghệ.

Thứ ba, đó là Nghị quyết đã hướng tới giảm các thủ tục hành chính rườm rà, cho phép khoán đến sản phẩm trung gian và sản phẩm cuối cùng. Có nghĩa là khi tạo ra một sản phẩm thì sẽ được nghiệm thu, không bị chi phối, kiểm soát bởi các chứng từ, giấy tờ mang tính hành chính.

Theo GS. TS Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, những cơ chế, chính sách như chấp nhận rủi ro, khoán chi, cấp kinh phí theo cơ chế quỹ đã thật sự xóa bỏ những rào cản từng làm nhiều nhà khoa học chùn bước, nhiều công trình khoa học thui chột từ “trong trứng” bấy lâu nay. Còn theo ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, những cơ chế chính sách về quyền sở hữu quản lý, sử dụng đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã mở ra một con đường cho vấn đề thương mại hóa. Quy định này sẽ tháo gỡ nút thắt trong việc định giá trước khi giao quyền.

dsc-0697-2599-2930.jpg
GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam (thứ hai từ phải sang) tại một triển lãm của học viện năm 2024. Ảnh PV

GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Nghị quyết đã tiếp thêm niềm tin, giúp các nhà khoa học theo đuổi đam mê nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. “Khi Nghị quyết được triển khai, các nhà nghiên cứu sẽ có quyền chủ động điều chỉnh nội dung, phương pháp nghiên cứu miễn là vẫn đạt được mục tiêu cuối cùng. Đây là bước tiến quan trọng giúp khoa học công nghệ phát triển linh hoạt hơn và có nhiều nghiên cứu tiên phong” – bà Lan bày tỏ.

(còn nữa)