Chính trị

Sắp xếp còn 34 tỉnh, thành phố chính là phù hợp, mở rộng được không gian phát triển

Đình Hiệp - Hà Vũ (thực hiện) 15/04/2025 08:31

Trao đổi với Báo Hànộimới, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cán bộ, đảng viên đều đánh giá rất cao thành công của Hội nghị Trung ương 11, đồng thời khẳng định sắp xếp còn 34 tỉnh, thành là sự phù hợp.

PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản:
Giảm đầu mối cấp tỉnh và cấp xã, bỏ cấp huyện phù hợp với xu thế chung

phan-van-phuc(1).jpg

Chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp có ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp ở địa phương hướng tới mục tiêu lớn như Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp lần này không chỉ đơn thuần là vấn đề điều chỉnh địa giới hành chính, mà còn là điều chỉnh không gian kinh tế; điều chỉnh về phân công, phân cấp, điều chỉnh về phân bổ và kết hợp các nguồn lực kinh tế”.

Vì thế, việc sắp xếp đơn vị hành chính lần này không chỉ đơn thuần là tinh gọn các đầu mối, mà hướng tới mục tiêu lớn hơn. Đó là mở rộng không gian phát triển, tạo nền tảng, sức bật cho đất nước trong kỷ nguyên mới nhằm đảm bảo tính ổn định lâu dài của hệ thống tổ chức bộ máy từ Trung ương đến cơ sở.

Nhìn ra thế giới, việc giảm đầu mối cấp tỉnh, xã, bỏ cấp huyện là khách quan, phù hợp với xu thế chung. Bởi thực tế ở nhiều nước, tổ chức chính quyền địa phương chỉ có 2 cấp và đầu mối cấp tỉnh cũng rất ít. Điển hình như Trung Quốc - đất nước lớn hơn Việt Nam rất nhiều cả về diện tích, dân số, nhưng số đầu mối cấp tỉnh chỉ có hơn 30.

Để việc sắp xếp hiệu quả, chúng ta cần đẩy mạnh phân cấp, giao quyền cho tổ chức Đảng, chính quyền cấp cơ sở. Trong đó, tổ chức Đảng, chính quyền cấp cơ sở, nhất là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước tổ chức Đảng, chính quyền cấp tỉnh, trước cán bộ, đảng viên và nhân dân về việc giải quyết công việc của cấp mình... Từ đó, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ là phải nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng cấp cơ sở; phải xây dựng các tổ chức Đảng cấp cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh, thật sự xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

TS.KTS Vũ Hoài Đức, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội:
Đây là một bước tiến lớn

nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn-uploads-images-trungtruc-2023-05-18-_phong-van(1).jpg

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng khoa học, công nghệ hiện nay, việc sắp xếp, tinh gọn các cơ quan hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tiễn. Vì bản chất chúng ta phải hiểu bỏ cấp huyện, nhưng các chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước hay phục vụ người dân không những không mất đi mà còn được tăng cường, chất lượng và hiệu quả hơn. Những sự khó khăn, phức tạp đặt ra như về quy mô, trình độ cán bộ có thể được giải quyết, đơn giản hóa bằng các công cụ kỹ thuật, bằng ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin...

Quan trọng hơn, với phương án Hội nghị Trung ương 11 thông qua là sắp xếp cấp tỉnh còn 34 tỉnh, thành phố, theo tôi là một bước tiến lớn. Vì nếu nhìn kỹ vào từng phương án, chúng ta thấy rõ tính hợp lý của việc sắp xếp đơn vị hành chính lần này, trước hết là cấp tỉnh sẽ mở ra không gian phát triển mới. Chẳng hạn, các tỉnh mới sẽ có cả biển, đồng bằng và miền núi, đặc biệt là ở khu vực Nam Trung Bộ và miền Trung hay như các tỉnh, thành phố có quá trình lịch sử đã gắn liền với nhau như thành phố Đà Nẵng với tỉnh Quảng Nam...

Sắp xếp các tỉnh, thành phố ở đây còn là sự kết nối của hệ thống hạ tầng khung nên chắc chắn tạo nhiều thuận lợi cho quy hoạch và phát triển trong tương lai. Ngay như với thành phố Hồ Chí Minh, xét về quy mô có thể không cần sắp xếp, nhưng chúng ta vẫn sáp nhập cả tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương. Rõ ràng ở đây vấn đề là phải tạo ra động lực và không gian phát triển mới cho thành phố Hồ Chí Minh. Khi sáp nhập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào thì hệ thống cảng biển vốn có của thành phố Hồ Chí Minh hiện nay sẽ được bổ sung những cảng biển Cải Mép - Thị Vải hay Long Sơn, tạo động lực cho thành phố Hồ Chí Minh tiến ra biển, mở ra cơ hội hiện thực hóa chiến lược phát triển kinh tế biển, kéo theo sự phát triển đi lên của cả vùng.

Ông Đặng Bình Minh, Chi bộ tổ dân phố số 3, phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng:
Tái cơ cấu bộ máy là một yêu cầu cấp thiết

ong-minh-hai-ba-trung.jpg

Tôi luôn theo dõi sát sao các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Trước những nội dung quan trọng được nêu tại Hội nghị Trung ương 11 vừa qua, tôi đặc biệt đồng tình với tinh thần cải cách mạnh mẽ, quyết liệt trong việc tổ chức lại bộ máy hành chính, trong đó có bỏ cấp huyện, hợp nhất cấp tỉnh và giảm mạnh số lượng cấp xã.

Đây là một bước đi thể hiện tầm nhìn chiến lược và sự quyết tâm chính trị rất cao của Trung ương. Bộ máy hành chính hiện nay còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều khâu trung gian không cần thiết, làm chậm tốc độ ra quyết định, tốn kém nguồn lực và gây phiền hà cho người dân.

Bỏ cấp huyện và hợp nhất cấp tỉnh là bước đột phá nhằm tinh gọn tổ chức, giảm biên chế, tiết kiệm ngân sách và nâng cao hiệu quả quản lý. Chúng ta không thể tiếp tục duy trì một bộ máy hành chính nặng nề trong khi yêu cầu của sự phát triển đất nước ngày càng cao và thực tế thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

Việc giảm 60-70% số lượng cấp xã cũng là cần thiết, nhất là trong bối cảnh nhiều xã hiện nay có dân số rất thấp, hạ tầng giao thông và thông tin đã phát triển, việc quản lý và phục vụ người dân có thể thực hiện qua các nền tảng công nghệ, không còn phụ thuộc vào địa giới hành chính dày đặc như trước.

Tôi tin rằng, nếu làm quyết liệt, đồng bộ và có lộ trình phù hợp, cải cách hành chính lần này sẽ mang lại nhiều thay đổi tích cực: Giảm chi ngân sách thường xuyên, nâng cao hiệu suất công vụ, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và đặc biệt là tăng tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của bộ máy chính quyền các cấp.

Tất nhiên, quá trình tổ chức lại bộ máy sẽ có khó khăn bước đầu, thậm chí có thể có sự xáo trộn về tâm lý, tổ chức. Nhưng tôi tin rằng, với sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương, sự phối hợp chặt chẽ từ các cấp ủy, chính quyền địa phương và đặc biệt là sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân, chúng ta sẽ vượt qua và đạt được mục tiêu cao nhất: Xây dựng một nền hành chính hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho người dân và sự phát triển của đất nước.