Dược liệu hay độc dược?

Xã hội - Ngày đăng : 09:08, 06/09/2005

Nấm linh chi có tác dụng tốt trong chữa bệnh, nhưng phải sử dụng đúng liều lượng và phương phápNghiên cứu của Công ty Dược Traphaco công bố tại một hội thảo gần đây cho thấy, sự bất cẩn trong việc sử dụng và chất lượng dược liệu đang ở mức báo động không kém vấn đề ngộ độc thực phẩm xảy ra ồ ạt những năm gần đây.

Đã từng xảy ra chuyện một người chế biến thuốc, đồng thời là một lương y nhưng do khinh suất khi sử dụng vị thuốc Phụ tử và Mã tiền nên đã xảy ra hậu quả đáng tiếc. Người lương y này đã chết do dùng chính vị dược liệu mà mình tự chế từ Phụ tử nhằm chứng minh cho mọi người thấy phương pháp chế biến đông y của ông là tốt. Với phương pháp của mình, ông muốn chứng minh khả năng loại bỏ chất độc aconitin (vốn có độc tính mạnh, gây chết người) ra khỏi vị thuốc. Đáng tiếc, vị thuốc phụ tử ông chế lần đó được thu hái ở một vùng núi phía bắc Việt Nam, hàm lượng aconitin cao hơn nhiều lần hàm lượng aconitin trong phụ tử mà ông thường dùng.

Dược liệu dược tính mạnh, độc tính cao

Không chỉ có Phụ tử, nhiều loại dược liệu khác cũng mang nhiều độc tính và dễ gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Theo Viện Dược liệu, trong số 10.500 loài thực vật đã được định danh ở Việt Nam, đến năm 2005, số loài cây làm thuốc được biết đến là 3.926 loài, 1.556 chi thuộc 309 họ thực vật. Trong đó, trên 350 loài đã được khai thác sử dụng rộng rãi, trở thành hàng hoá trên thị trường. Trong số 350 loài đã cho sản phâm hàng hoá làm thuốc, có tới trên 200 loài là cây mọc tự nhiên, phân bố rộng khắp cả nước, cung cấp chủ yếu khối lượng dược liệu cho thị trường hàng năm.

Mã tiền, một vị dược liệu chứa alcaloid strychnin, có dược tính mạnh và độc tính cao. Muốn dùng vị dược liệu này cũng phải chế biến và quy trình chế biến cũng nhằm giảm hàm lượng Strychnin trong hạt Mã tiền. Song, phần lớn những lương y sử dụng các vị dược liệu có chứa alcaloid theo phương pháp đông y thường không biết rằng, alcaloid trong các bộ phận của cây có quy luật biến động hàm lượng đặc biệt, thay đổi theo mùa, thay đổi theo quá trình sinh trưởng. Do đó, thu hái các mùa khác nhau thì hàm lượng alcaloid cũng khác nhau.

Nếu ước tính hàng năm có bao nhiêu kg, yến, tạ, tấn Phụ tử được các lương y chế để điều trị cho bệnh nhân mà không một lần, những vị dược liệu chế đó được đưa đến cơ sở kiểm nghiệm để xác định hàm lượng aconitin thì có còn an toàn và hiệu quả cho người bệnh?

Trên thực tế, một vài năm gần đây, việc thu hái dược liệu nhầm lẫn dẫn đến những cái chết thương tâm xảy ra rất nhiều ở Việt Nam. Ví như thu hái nhầm dây đau xương trong bài thuốc bổ gân cốt với dây của cây lá ngón, khiến người bệnh mất thiệt mạng. Trẻ em ở các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phổ Yên (Thái Nguyên) ăn quả rừng (quả của cây móc gai hay móc hùm Capparis versicolor họ Màn màn) có chứa glycosid bị ngộ độc chết. Hay đơn giản hơn, việc người dân tự dùng hạt bí, hạt cau để tẩy sán. Một số người không biết đã uống nước hạt cau quá nhiều (dùng 2 chén hạt cau, khoảng 300 gam), vì cho rằng ông bà ta nhai trầu cau có bị sao đâu. Song, do quá liều nên dẫn tới trụy tim mạch, chết. Do đó, nên nhớ rằng không có ranh giới giữa thức ăn, thuốc và chất độc. Sự khác biệt giữa chúng chỉ ở liều lượng và cách dùng.

Một số cây vẫn được dùng thường xuyên trong các toa thuốc nhưng gần đây mới phát hiện được độc tính như cây Vòi voi, có chứa alcaloid pyrrolizidin (AP) vẫn có mặt trong các toa thuốc điều trị phong thấp, đau nhức, mụn nhọt. Người ta tình cờ phát hiện độc tính khi theo dõi tình trạng chết hàng loạt cừu ở Australia vì ăn một loại lá có chứa AP. Kết quả nghiên cứu cho thấy AP gây huỷ hoại tế bào gan, có thể gây ung thư gan.

Gần đây nhất là thông tin cây Phòng kỷ (Aristolochia fangchi) có mặt trong thành phần bài thuốc đông y giảm cân ở Bỉ, được ghi nhận có độc tính trên thận, có thể gây ung thư do acid aristocholic có trong cây là dẫn xuất có liên quan đến cấu trúc nitrophenanthrene là chất có tính gây đột biến cho vi khuẩn và gây ung thư cho động vật thí nghiệm.

Dược liệu mốc, chất lượng kém

Khí hậu nóng, ẩm và mưa nhiều ở nước ta, cộng với dược liệu phần lớn có nguồn gốc thực vật (lá, thân, rễ, hoa, quả, hạt... ), nguồn gốc động vật (xương, da thịt, mật... ) và một số từ khoáng vật rất dễ hút ẩm và là thành phần dinh dưỡng thích hợp cho vi khuẩn, nấm mốc, côn trùng phát triển.

Thống kê cho thấy, tỷ lệ số dược liệu bị mốc mọt 15-20%, tỷ lệ khối lượng dược liệu bị mốc 12-28%. Nấm mốc làm giảm chất lượng dược liệu, tiết men phân huỷ hoạt chất trong dược liệu, tiết các độc tố (mycotoxin), đặc biệt là các aflatoxin trong dược liệu. Độc tố này có trong dược liệu hạt có dầu nói riêng, nhất là ở lạc và trong các bột dinh dưỡng và thức ăn có nguồn gốc ngũ cốc nói chung, rất độc cho cơ thể vì nó là các tác nhân ảnh hưởng tới sức khoẻ cho người và súc vật.

Nấm mốc và độc tố nấm gây bệnh nấm (viêm giác mạc, viêm màng trong tim... ) còn gây bệnh dị ứng do tiếp xúc bào tử nấm, gây bệnh độc tố nấm do ăn, uống phải mycotoxin (dẫn đến ngộ độc, nhiễm độc, tổn thương gan, ung thư gan). Những loại độc tố trong nấm như trên không bị diệt ở nhiệt độ cao (160-170oC), do đó, trong trường hợp nấu chín thì độc tố aflatoxin vẫn tồn tại mà không bị phân huỷ.

Nếu độ ẩm môi trường quá thấp, nước sẽ kết tinh trong nguyên liệu có thể làm thuỷ phân các thành phần và chất lượng dược liệu giảm và sẽ thay đổi tính chất.

Dư phẩm kim loại nặng và thuốc trừ sâu

Cho đến nay, tiêu chuẩn kiểm nghiệm dư phẩm thuốc trừ sâu trong dược liệu vẫn chưa được thực hiện, chưa được xem như là một tiêu chí để kiểm soát chất lượng nguyên liệu làm thuốc có nguồn gốc thảo mộc. Mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo về tiêu chuẩn kiểm nghiệm chất lượng dược liệu, song, để có năng suất cao, người dân đã sử dụng rất nhiều phân hóa học và thuốc trừ sâu. Phần lớn trong số này không thực hiện đúng hướng dẫn về thời gian thu hái khi sử dụng thuốc trừ sâu, dẫn tới nguyên liệu không đảm bảo độ an toàn.

Cũng như đối với rau, các hộ nông thường có một khu trồng riêng để gia đình sử dụng, không dùng thuốc trừ sâu và phân bón. Và thường là đem bán những dược liệu có sử dụng thuốc trừ sâu đi bán cho người khác. Việc lấp liếm khi ngộ độc xảy ra là rất dễ, bằng cách đổ vấy cho bệnh tình của người sử dụng gây ra.

Quá trình chế biến dược liệu

Đối với dược liệu, quá trình chế biến nguyên liệu là rất quan trọng, nhất là khi bộ phận dùng làm dược liệu là rễ, củ. Nếu bạn đã từng uống một cốc chè hoa Cúc nhãn hiệu tin cậy và một cốc chè hoa cúc nguồn sản xuất không rõ ràng, bạn sẽ thấy một cốc chè hoa cúc có mùi thơm đặc trưng của hoa cúc, còn cốc kia có mùi lưu huỳnh. Thật đáng tiếc. Tại sao lại như vậy?

Hàng năm ở các làng nghề (Nghĩa Trai , Ninh Hiệp... ) trồng một lượng lớn hoa cúc. Hoa được thu hái vào cuối tháng 12 và tháng 1, quãng thời gian mà miền Bắc rất ít nắng, trời âm u. Do vậy,  hoa được xông sinh vừa để bảo quản khỏi nấm mốc, sâu bọ vừa làm đẹp, sáng sản phẩm. Tất nhiên, việc sơ chế và bảo quản dược liệu bằng xông sinh là một phương pháp cổ điển lâu đời, nhưng hàm lượng lưu huỳnh bao nhiêu là đủ, bao nhiêu thì an toàn cho người sử dụng?

Thời gian gần đây, nếu mua Ngưu tất trên thị trường thuốc đông dược, bạn sẽ mua được một bộ rễ có màu trắng và rất dẻo (chứ không phải màu hồng như trước), bởi ngay sau khi thu hái, Ngưu tất được chất thành đống và xông sinh ngay chứ không phơi khô. Họ cứ chất đống như vậy và thỉnh thong lại xông sinh, khi nào cần bán mới dỡ ra. Do vậy, nếu để ý các thang thuốc đông y bây giờ khi sắc để uống, rất nhiều thang có mùi lưu huỳnh đậm.

Một ví dụ khác về việc sử dụng các phương pháp để chống nấm, mốc của dược liệu, đó là vị Nhục thung dung. Trước đây, vị dược liệu này rất khó bảo quản bởi nó luôn bị mốc do đặc tính là thể nấm, hàm lượng nước lớn. Nhưng 2-3 năm gần đây, vị dược liệu để cả năm cũng không mốc. Vậy người trồng, chế biến đã dùng hóa chất gì, phương pháp gì để bảo quản? Nhiều người nghi ngờ rằng họ dùng Sulfua kẽm để quét lên bề mặt của dược liệu, mà sulfua kẽm thì rất độc. Song, điều này vẫn chưa được kiểm chứng.

Như vậy, một dược liệu từ khi trồng cho đến khi thu hái và chế biến sơ bộ, tất cả những khâu này đều vi phạm an toàn chất lượng, vậy tốt hơn hết người mua nên lựa chọn những cửa hàng dược liệu tin cậy, có uy tín trên thị trường.

Cảnh báo về dược liệu trong thuốc giảm cân

Tại Việt Nam đang có bày bán nhiều loại chè hay chế phẩm đông dược từ Trung Quốc, Đài Loan, châu Âu, với quảng cáo có tác dụng giảm cân, thu hút sự chú ý đặc biệt của chị em phụ nữ.

Trong các chế phẩm này có chứa một số thành phần dược thảo, giúp giảm cân, như một vài loài của chi Symphytum. Những cây này chứa alcaloid pyrrolizidin là chất độc đối với gan. Một số chế phẩm có sử dụng cây Ephedra (Ma hoàng), với thành phần chính là Ephedrin có tác dụng giống giao cảm và dẫn chất của nó là D - norpseudoephedrin, được sử dụng để gây chán ăn. Ephedra ở đây được khai thác tác dụng làm tăng chuyển hóa, vã mồ hôi và tăng tiểu tiện, có tác dụng giảm cân. Song, sử dụng Ephedra có chống chỉ định với tăng huyết áp, xơ cứng động mạch, cường giáp, đặc biệt là Ephedra gây hưng phấn và nghiện thuốc. Nhiều trường hợp chết người đã được ghi nhận ở Mỹ do dùng thuốc giảm cân. 

Theo VietNamNet

NGOHUONG