Biên kịch, đạo diễn Tạ Huệ:"Tôi yêu những câu chuyện về số phận con người"
Tạ Huệ hiện là cây bút chủ lực trong đội ngũ biên kịch của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương.
Chị đã sở hữu hai giải Bông sen Vàng cho Biên kịch xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19 và 21, cùng giải Báo chí Quốc gia và nhiều giải thưởng danh giá khác. Trong giới làm phim, Tạ Huệ được nhắc đến như một biên kịch dám dấn thân vào những đề tài khó.
Với Tạ Huệ, nghề làm phim không chỉ đơn giản là công việc sáng tạo, mà đó là một hành trình đầy đam mê, thử thách và khát khao cống hiến cho những câu chuyện có thể làm thay đổi nhận thức của người xem về xã hội và con người.

1. Sinh ra và lớn lên ở Từ Sơn (Bắc Ninh), Tạ Huệ đã có những năm tháng học tập đầy ước mơ. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chị mơ ước trở thành một nhà báo, với mong muốn phản ánh những vấn đề nổi cộm trong xã hội. Tuy nhiên, sau này chị lại quyết định thi vào ngành Biên kịch điện ảnh của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội vì thấy phù hợp hơn với mong muốn cũng như năng khiếu nghệ thuật của mình.
Chị chia sẻ: “Việc làm biên kịch không chỉ là phản ánh hiện thực như công việc của một nhà báo, mà còn có khả năng khám phá sâu hơn những góc khuất của tâm hồn, những cuộc đời, những câu chuyện đằng sau những con số, những sự kiện”. Chị không chỉ quan tâm đến việc kể lại câu chuyện, mà còn muốn tìm ra thông điệp sâu sắc, làm sao để khán giả có thể cảm nhận được sức mạnh của từng nhân vật, từng tình huống trong mỗi bộ phim.
Ngay từ khi còn là sinh viên lớp Biên kịch điện ảnh khóa 23 Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, Tạ Huệ đã bắt đầu cộng tác với Đài Truyền hình Việt Nam, tham gia viết kịch bản và sản xuất nhiều chương trình. Chị đã giành được nhiều giải thưởng từ các cuộc thi sáng tác kịch bản và sớm nhận ra rằng mình có một khả năng đặc biệt trong việc khai thác những vấn đề xã hội phức tạp và những câu chuyện đời sống đậm tính nhân văn.
Tạ Huệ không ngại dấn thân vào những đề tài khó, những câu chuyện đầy thử thách. Ngay khi đặt chân về Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Tạ Huệ đã gây dấu ấn với kịch bản có tựa đề “Tội phạm trẻ” nói về tội phạm tuổi vị thành niên.
Để có thể viết kịch bản này, Tạ Huệ đã cùng đoàn làm phim đến thăm các trại giam, gặp gỡ các phạm nhân trẻ để hiểu rõ hơn về cuộc sống và nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của họ. Đó là một trải nghiệm đầy cảm xúc, khiến chị không chỉ cảm nhận được nỗi đau mà những đứa trẻ ấy phải trải qua, mà còn giúp chị tìm thấy thông điệp nhân văn sâu sắc trong câu chuyện của mình.
“Tội phạm trẻ” sau đó được trình chiếu tại 10 trường đại học tại Mỹ, mở ra cho Tạ Huệ một chân trời mới về sức mạnh của điện ảnh trong việc thay đổi nhận thức xã hội. Chị tiếp tục thực hiện những dự án đầy thử thách hơn, với những bộ phim tài liệu và khoa học giàu tính nhân văn, như “Ông Mười Khôi”, “Bệnh vô cảm”, “Tế bào gốc”, “Những đỉnh núi du ca” và “Lão gàn hồ Mơ”. Mỗi bộ phim là một nỗ lực không ngừng nghỉ của chị để mang đến cho khán giả những câu chuyện chân thực, đầy cảm xúc, từ đó tạo ra những tác phẩm không chỉ đẹp về mặt nghệ thuật mà còn sâu sắc về mặt ý nghĩa.
Kịch bản “Tế bào gốc” và “Lão gàn hồ Mơ” đã giúp chị giành giải thưởng Biên kịch xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19, năm 2015 và Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21, năm 2019. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của chị - nhà biên kịch trẻ yêu thích chủ đề con người và xem đó là tôn chỉ nghề nghiệp.
Chị luôn tâm niệm, dù làm phim về bất kỳ đề tài nào, con người luôn phải là trọng tâm của câu chuyện. Chị cho rằng, trong mỗi bộ phim, mỗi nhân vật không chỉ là một hình ảnh đơn thuần, mà họ chính là những đại diện cho những khát vọng, những nỗi đau, những ước mơ của cả một cộng đồng. Chính vì vậy, mỗi kịch bản của Tạ Huệ đều thể hiện một sự tôn trọng lớn lao đối với con người, đối với những số phận mà chị kể lại.
Chị chia sẻ: “Công việc của tôi là lắng nghe, là quan sát, và tìm ra những điều mà đôi khi chúng ta không thể nhìn thấy ngay lập tức. Khi câu chuyện đó chạm đến trái tim tôi, tôi biết rằng mình phải viết, phải đưa nó lên màn ảnh để người khác cũng có thể cảm nhận được”. Và chính từ những cảm xúc chân thành, những trải nghiệm sống động, những câu chuyện của Tạ Huệ đã trở thành những bộ phim đầy tính nghệ thuật và nhân văn, chạm đến lòng người và để lại dấu ấn sâu sắc.
2. Là người luôn hào hứng tìm tòi cái mới, không đặt cho mình một giới hạn nào, biên kịch Tạ Huệ hăng hái “cày xới” ở cả lĩnh vực tài liệu và khoa học và đều có những kịch bản tốt. Mỗi kịch bản phim của chị có thể nảy ra từ một chi tiết nhỏ trong đời sống hằng ngày hay một hiện tượng thôi thúc chị tìm hiểu từ đó có đủ chất liệu để phát triển thành kịch bản phim.
“Chất liệu là cuộc sống xung quanh, đôi khi cũng là cái duyên khi bắt gặp một dòng tin, một sự việc nhỏ là có thể phát triển thành một kịch bản. Điều quan trọng nhất là nếu gặp những câu chuyện khiến mình rung động, chạm đến tận cùng cảm xúc thì sẽ viết rất nhanh” - biên kịch Tạ Huệ cho biết.
Có lẽ vì thế mà bằng cảm xúc, sự nhạy bén của người làm nghề viết, kịch bản “Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên” của chị đã ra đời trong một lần tác giả... đi sửa điện thoại, tình cờ gặp một người khách của cửa hàng và câu chuyện của vị khách, đang tham gia thực hiện một dự án trong rừng quốc gia Xuân Liên (Thanh Hóa), đã khiến chị cảm thấy mình muốn đến đó. Còn kịch bản phim “Tiếng hú con tàu” hoàn thành sau chuyến đi trải nghiệm bằng tàu hỏa cùng cô con gái 3 tuổi hằng ngày đi học về cứ líu lo "Một đoàn tàu nhỏ tí xíu"...
3. Năm 2025, ba kịch bản của Tạ Huệ được chuyển thể thành phim: “Dưới tán rừng Ngọc Linh”, “Khúc tráng ca Vĩnh Linh” và “Chuyện ở Tam Sơn”. Trong đó, “Dưới tán rừng Ngọc Linh” không chỉ do chị chắp bút mà còn trực tiếp đảm nhận vai trò đạo diễn. Để có thể hoàn thành bộ phim về cây sâm Ngọc Linh, từng bước trải qua bao thăng trầm, khẳng định vai trò là cây kinh tế chủ lực, giúp thay đổi cuộc sống của người Xê Đăng, biên kịch Tạ Huệ đã dành rất nhiều thời gian, công sức với tất cả sự chân thành cùng tình cảm sâu nặng với đất, người nơi chân núi Ngọc Linh.
Cứ thế, từ một nữ sinh trung học với ước mơ giản đơn - chỉ muốn theo đuổi một nghề cho phép mình được đi đây đi đó - Tạ Huệ đã trở thành một nhà biên kịch đầy nhiệt huyết, tạo nên những kịch bản vừa giàu tính sáng tạo, vừa thấm đẫm cảm xúc. Chị chia sẻ: “Nghề biên kịch phim tài liệu giúp tôi đặt chân đến nhiều vùng đất khác nhau, gặp gỡ biết bao con người với những câu chuyện đời đầy màu sắc, để rồi mỗi ngày tôi lại trưởng thành hơn. Nó cũng giúp tôi tìm ra câu trả lời cho chính mình: Vì sao tôi yêu thích và quyết tâm theo đuổi chủ đề con người”.
Biên kịch, đạo diễn Tạ Huệ (Tạ Thị Huệ) hiện là Phó Trưởng phòng Biên kịch tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. Một số kịch bản phim tiêu biểu của chị: “Ông Mười Khôi”, “Tế bào gốc”, “Những đỉnh núi du ca”, “Lão gàn hồ Mơ”, “Tiếng hú con tàu” (đạo diễn), “Người truyền tin” (đạo diễn), “Miền đất hứa” (đồng đạo diễn), “Dưới tán rừng Ngọc Linh” (đạo diễn)...